Người giúp thế giới hiểu về văn hóa Việt

23/01/2023 15:15 GMT+7

Có nhiều năm được mời nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ, văn hóa Việt ở nước ngoài, PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ cho biết nhờ đó mà mình nhìn ra chiều kích quan trọng của văn hoá Việt.

"Người Việt đã thức dậy"

PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ (44 tuổi, Trưởng khoa Văn hóa học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn-ĐH Quốc gia TP.HCM) bắt đầu nghiên cứu về văn hóa Việt ở độ tuổi còn rất trẻ và hội đủ nhiều yếu tố để được một số trường, viện nước ngoài mời đến nghiên cứu và giảng dạy.

Tiến sĩ Thơ thông thạo 2 ngoại ngữ, có 2 bằng cử nhân Trung Quốc học và ngữ văn Anh, bằng tiến sĩ văn hóa học, từng được Viện Harvard-Yenching cấp học bổng nghiên cứu chuyên sâu, có nhiều công bố quốc tế, đạt học hàm phó giáo sư năm 39 tuổi.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ

nvcc

Từ năm 2017-2021, PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ liên tục được 3 trường ĐH ở Mỹ mời sang nghiên cứu và được bố trí trình bày kết quả nghiên cứu về văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Á và Đông Nam Á ở ĐH Harvard, ĐH Boston và ĐH Brandeis. Trong thời gian này, ông còn được mời đến trình bày công trình nghiên cứu tại ĐH Cornell và ĐH California ở Los Angeles. Trước đó, PGS Thơ thường xuyên được một số trường, viện ở Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan mời đến thuyết trình hoặc giảng dạy về văn hóa Việt Nam.

Theo PGS-TS Thơ, ở các nước Đông Á, Âu, Mỹ có một số khoa, trung tâm ở trường ĐH mở bộ môn tiếng Việt và nghiên cứu văn hóa Việt Nam, có hẳn tạp chí Việt Nam học danh giá. Hiện tại, Việt Nam đang phát triển kinh tế với tốc độ cao, hội nhập mạnh mẽ sau đổi mới, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế tăng mạnh. Nhiều nhà khoa học quốc tế coi mô hình phát triển của Việt Nam khá thành công nên muốn nghiên cứu, phân tích, mổ xẻ những chuyển đổi trong đất nước-con người Việt Nam.

PGS-TS Thơ kể câu chuyện gây xúc động: “Nhiều năm trước tôi đến Bangkok nhìn thấy một tấm áp-phích lớn giữa thành phố viết bằng chữ Thái nhưng có hình ảnh một cô gái Việt Nam mặc áo dài. Ngạc nhiên tôi hỏi đồng nghiệp Thái Lan mới biết đó là lời nhắc nhở của họ, đại khái là: hôm qua người Việt Nam còn ngủ, hôm nay họ đã thức dậy và chuẩn bị tăng tốc. Người Thái Lan phải biết tự làm gì!”.

Tìm ra chiều sâu văn hóa Việt

Khi qua Mỹ, PGS Thơ tìm được rất nhiều tài liệu, nguồn sách ít có trong nước viết về Việt Nam thời kỳ hội nhập, mở ra độ sâu quan hệ giữa Việt Nam với khu vực và thế giới.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ với giáo sư Lauren Meeker, ĐH New York at New Paltz

nvcc

"Trước khi có những chuyến đi ra nước ngoài nghiên cứu hay giảng dạy, tôi đặt cho mình nhiều câu hỏi về bản sắc, linh hồn văn hóa Việt Nam là gì. Cái gì là khác biệt của Việt Nam với khu vực và thế giới? Bản sắc văn hóa có thể được thể hiện ra ở các mặt ẩm thực, trang phục, lễ nghi, hành vi tôn giáo, văn hóa giao tiếp..., song đằng sau và bên trên đó phải là chiều sâu tư duy, trí tuệ. Khi bước ra thế giới rồi, tôi mới nhận thức rõ hơn rằng chúng ta chưa nên vội vã nhận định những cái hay, cái đẹp thể hiện qua từng bình diện cụ thể ấy là bản sắc", PGS-TS Thơ đau đáu nhớ lại.

Thế giới vẫn hết sức ca ngợi trí tuệ và tài năng Việt Nam thể hiện qua quá trình thâu nhận tinh hoa văn hóa từ bên ngoài và biến đổi cho thích ứng với nhân sinh quan dân tộc. Đó mới thực chất là thế mạnh khi chúng ta hội nhập với thế giới

PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ

Sau nhiều năm nghiên cứu, câu trả lời đã được thầy Thơ tìm ra. PGS-TS Thơ tâm đắc: "Cái hay và đẹp của bản sắc Việt Nam chính là chiều sâu tâm thức văn hóa cộng đồng gắn với môi trường làng xã nông nghiệp lúa nước truyền thống của dân tộc, dù ở Bắc bộ, Nam bộ hay bất cứ đâu. Một người Việt từ trước khi trưởng thành, đảm nhận một vị trí xã hội hay đi bất cứ đâu, điều đầu tiên anh ta cảm thụ được chính là truyền thống văn hóa gia đình, làng xã, khu phố nơi anh ta sống. Ở đó có những mối quan hệ con người với con người rất chặt chẽ, sinh động, và là nơi hun đúc nên nền tảng tính cách văn hóa anh ta".

PGS-TS Thơ có những công trình nghiên cứu sâu văn hoá Việt

nvcc

Bên cạnh đó, từ bao đời nay người Việt luôn biết cách thỏa hiệp cộng đồng, nối thông và vượt qua sự khác biệt nếu có, xây dựng những phong tục tập quán, hương ước được cả cộng đồng chấp nhận. Chiều sâu tư duy, trí tuệ và bản sắc văn hóa Việt Nam một phần nằm ở đó, ở bức “trường thành” giúp dân tộc ta trụ vững sau ngàn năm Bắc thuộc, sau nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc xuyên suốt lịch sử.

Chính những câu hỏi về văn hóa Việt Nam và góc nhìn của người Mỹ, người châu Âu, người Đông Á trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy ở nước ngoài, đã khiến cho PGS-TS Thơ có góc nhìn biện chứng hơn, gợi mở hơn, nhận diện thế mạnh và chiều sâu của văn hóa Việt trong bức tranh tổng thể, thay vì loay hoay đi tìm câu trả lời chủ quan của người trong cuộc.

"Nhiều cái mình có thì khu vực và thế giới cũng có, chẳng hạn lòng yêu nước, tinh thần tôn sư trọng đạo, tinh thần lá lành đùm lá rách, tinh thần yêu chuộng hòa bình… Chưa kể quá trình giao lưu, giao thoa văn hóa trong lịch sử là hết sức phổ biến. Song thế giới vẫn hết sức ca ngợi trí tuệ và tài năng Việt Nam thể hiện qua quá trình thâu nhận tinh hoa văn hóa từ bên ngoài và biến đổi cho thích ứng với nhân sinh quan dân tộc. Đó mới thực chất là thế mạnh khi chúng ta hội nhập với thế giới", PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ chia sẻ.

Đến thời điểm này, PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ có hơn 40 công trình nghiên cứu (sách, bài viết khoa học) được công bố trong và ngoài nước (tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung) về văn hoá Việt Nam trong bối cảnh khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.