'Người lạ bàn chuyện quen' có gì thu hút người trẻ?

22/04/2022 06:01 GMT+7

'Người lạ bàn chuyện quen' là tên dự án của những người trẻ xa lạ cùng nhau bàn về những chuyện rất quen.

Dự án này do nhóm sinh viên Học viện Ngoại giao yêu thích văn hóa sáng lập. Vấn đề quan trọng ở đây là dự án này có gì thú vị mà thu hút rất nhiều người trẻ tham gia?

Những người xa lạ cùng ngồi lại với nhau để bàn câu chuyện văn hóa quen quen

NVCC

Dự án độc đáo

“Người lạ bàn chuyện quen” xuất phát điểm là dự án “Chèo qua lăng kính Hề”, được xây dựng bởi nhóm sinh viên Học viện Ngoại giao yêu thích văn hóa. Nhận ra nhiều tiềm năng phát triển của dự án, nhóm đã đổi tên dự án thành “Người lạ bàn chuyện quen” với định hướng sâu rộng và phát triển dự án đi xa hơn nữa.

“Dự án mang tinh thần của Newtro - một làn sóng nổi trội trong cộng đồng trẻ Hàn Quốc với ý tưởng sáng tạo làm mới văn hóa trong cuộc sống của chính mình. Vì vậy “Người lạ bàn chuyện quen” khuyến khích và hoan nghênh bạn trẻ thể hiện tình yêu văn hóa truyền thống theo cách riêng của mình”, Đặng Phương Linh (22 tuổi), thành viên của dự án, chia sẻ.

Thay vì ngồi một mình để tự tìm câu trả lời, chúng mình mong được kết nối với những người khác có chung sự quan tâm với văn hóa để có thể tìm kiếm câu trả lời thích đáng nhất.

ĐẶNG PHƯƠNG LINH, thành viên của dự án

Linh cho biết trong suốt quá trình hoạt động của dự án đã có khá nhiều cuộc bàn luận sâu, trong đó có một câu hỏi được đặt ra là: “Điều gì chứng minh chúng ta là người Việt?” hay nói cách khác “Chất Việt nên được định nghĩa như thế nào mới đúng?”. Đó là điều mà nhóm luôn mong muốn tìm ra câu trả lời.

“Thay vì ngồi một mình để tự tìm câu trả lời, chúng mình mong được kết nối với những người khác có chung sự quan tâm với văn hóa để có thể tìm kiếm câu trả lời thích đáng nhất. Nên sự kiện chủ đạo của nhóm trong thời gian qua cũng chính là tạo ra một không gian giao lưu giữa những người xa lạ cùng ngồi lại với nhau để bàn những câu chuyện quen thuộc về truyền thống văn hóa dân tộc”, Linh chia sẻ.

Vũ Anh Thư (22 tuổi), cũng là thành viên của nhóm, cho biết thông qua dự án, nhóm mong muốn đây sẽ là động lực để người trẻ tìm hiểu văn hóa không phải chỉ cho biết mà còn phải đúng và đủ sâu để có thể nắm vững.

“Bên cạnh đó còn giúp cho bạn trẻ chúng mình có thể tìm thấy hướng tiếp cận dễ dàng hơn, tháo gỡ những khúc mắc của nhau. Bởi đôi khi tìm hiểu văn hóa cũng rất khó nếu như mới bắt đầu vì thông tin nhiều mà lại rải rác”, Thư bày tỏ.

Các thành viên trẻ trung, năng động của dự án

Cách thu hút người trẻ

Theo Anh Thư, lúc đầu “Chèo qua lăng kính Hề” được khởi nguồn từ trăn trở chèo là một trong những nghệ thuật biểu diễn truyền thống quan trọng tại Việt Nam, vậy tại sao chèo càng dần mai một? Và rồi khi tìm hiểu, nhóm đã nhận ra nếu không có những người đổi mới, công chúng trẻ chỉ tìm thấy chèo trong những giá trị truyền thống xưa cũ với một diện mạo đầy lạ lẫm và không thu hút.

Để tháo gỡ nút thắt cho tương lai của nghệ thuật chèo và khơi dậy tình yêu nghề trong lòng nghệ sĩ trẻ, dự án được thiết lập với định hướng cung cấp điểm kết nối giới trẻ với bộ môn chèo mới được tạo nên bởi chính những nghệ sĩ trẻ trong nghề.

“Sự kiện nổi bật nhất của dự án là “Xúy Vân: Từ kinh điển về tàn tích - những thách thức trong việc sáng tạo với chất liệu truyền thống”, có sự góp mặt của các nghệ sĩ trẻ cùng nhiều sinh viên lớp chèo. Sự kiện này đã mở ra cho mọi người góc nhìn về cách thức sáng tạo với nghệ thuật truyền thống bằng chất hiện đại nhưng không làm mất đi cốt lõi của nó”, Linh kể.

Gần đây nhất, với chuỗi sự kiện “Thêu nét Chầu Văn” được nhóm tổ chức theo mô hình đàm thoại, cởi mở khi khách mời và người tham gia cùng nhau bàn luận về Đạo Mẫu và Chầu Văn, từ đó gợi ra những góc nhìn mới mẻ, sâu hơn về các khía cạnh quan trọng trong âm nhạc, tâm linh. Do điều kiện dịch bệnh, nên sự kiện bao gồm 3 buổi đàm thoại trực tuyến trên nền tảng Zoom.

“Thông thường, người tham gia sẽ chỉ lắng nghe chia sẻ của khách mời và đặt câu hỏi ở cuối sự kiện, điều này thường tạo ra một bức tường ngăn cách giữa hai bên. Nhưng dự án của tụi mình quan niệm rằng, diễn giả ở đây không nên là nhân vật có vế “cao hơn” hay là tạo cảm giác xa lạ, mà họ sẽ đóng vai như một người kể chuyện để gợi mở vấn đề thông qua kiến thức, kinh nghiệm của họ. Chính người tham gia cũng sẽ được chia sẻ câu chuyện của mình để tiếp nối vấn đề đặt ra, mở ra các điểm nhìn phong phú…”, Linh “bật mí” về độc chiêu cuốn hút người trẻ.

Nhóm đang chuẩn bị tổ chức sự kiện “Chầu Văn từ lạ thành quen”. Lấy không gian là một quán trà, người tham gia sẽ cùng nhau chiêm ngưỡng các tác phẩm sáng tạo Chầu Văn từ những nghệ sĩ tài năng và các màn biểu diễn hấp dẫn cùng bài chia sẻ của chính người trong nghề.

“Một số bạn trẻ có gia đình truyền thống sẽ hay đi tìm hiểu những nét văn hóa trên, một số nhóm bạn khác lại thường hay tiếp thu các giá trị này khi các sản phẩm truyền thống được pha một chút hiện đại vào đó. Nhìn chung, các giá trị truyền thống sẽ không khó tiếp cận với người trẻ khi chúng ta có thể khai thác chúng theo cách mới hơn, hợp với cá tính của người trẻ để họ không cảm thấy truyền thống là thứ gì đó thuộc về quá khứ, là quá xa lạ”, Anh Thư bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.