Sau 3 lần từ chối và hoãn cuộc hẹn, tiến sĩ Hồ Nhân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen, hẹn gặp chúng tôi tại đại bản doanh của công ty trong Khu công nghệ cao TP.HCM. Ông “rào trước”: “Tôi không thích nói về mình, lười trả lời truyền thông, chỉ muốn làm việc để có kết quả tốt nhất, an toàn nhất cho người sử dụng thuốc của Nanogen”.
|
Tham vọng làm được vắc xin hiệu quả 100%
Đó là buổi chiều muộn cuối năm 2020, tiến sĩ Hồ Nhân tiếp chúng tôi tại nhà máy và trung tâm nghiên cứu của Công ty Nanogen - nơi cho ra đời những mẫu vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam. Chỉ vào chiếc bàn trước mặt trưng bày loạt sản phẩm chia hai nhóm: Nhóm điều trị Covid-19 gồm các hộp thuốc nhỏ mắt - mũi “kháng thể kháng vi rút Covid-19” có tên Nanocovi; nhóm phòng ngừa gồm 3 loại vắc xin đựng trong 3 hộp với tên gọi Nano Covax, bên ngoài vỏ hộp ghi “Thuốc dùng cho thử lâm sàng. Cấm dùng cho mục đích khác”, ông bộc bạch: “Tôi không tin vào thuyết âm mưu, nhưng con vi rút này đột biến và “thông minh” quá, xưa nay chưa từng thấy, như do con người tạo ra... Nhưng bất luận thế nào, nhiệm vụ của người làm khoa học là phải làm cho được vắc xin ngừa bệnh để nhân loại ổn định cuộc sống”.
Tốt nghiệp ngành y sinh tại Mỹ và theo đuổi đam mê nghiên cứu lĩnh vực dược bằng công nghệ sinh học, năm 2005, tiến sĩ Hồ Nhân về nước lập công ty và đến năm 2007 xây nhà máy tại Khu công nghệ cao TP.HCM với tổng đầu tư 40 triệu USD. Đến nay, công ty đã có 3 nhà máy chuyên sản xuất thuốc đặc trị viêm gan B và C, ung thư vú, đại trực tràng, ung thư máu...
|
Từ tháng 2.2020, Công ty Nanogen đã bắt tay tìm hiểu nghiên cứu thuốc và vắc xin ngừa vi rút SARS-CoV-2, sau đó được Chính phủ chọn là một trong 4 doanh nghiệp nghiên cứu vắc xin ngừa dịch Covid-19 khi đại dịch bùng phát trên thế giới. Đến giữa tháng 12.2020, sau nghiên cứu, sản xuất và thử hàng loạt trên con vật thành công, Bộ Y tế chính thức bấm nút cho phép thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 do Nanogen sản xuất trên người giai đoạn 1. Trên thế giới, tính đến thời điểm Nanogen được phép thử nghiệm vắc xin lên người, có 11 vắc xin Covid-19 đang được thử nghiệm giai đoạn 3. Trong đó, vắc xin của hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) là sản phẩm đầu tiên hoàn tất thử nghiệm với hiệu quả đạt 95%; hãng Moderna (Mỹ) đang thử nghiệm giai đoạn cuối, hiệu quả 94,5%; Oxford/AstraZeneca hiệu quả 70 - 90% tùy liều tiêm 2 mũi hay 1,5 mũi, đang thử nghiệm giai đoạn cuối. Ngoài ra còn có vắc xin Sputnik V của Nga được công bố hiệu quả 95%, đã được quốc gia này phê duyệt, song chưa có nhiều thông tin chi tiết về việc thử nghiệm.
Với Nanogen, ông Nhân cho biết sản xuất vắc xin bằng kháng nguyên, tạo vi rút trong phòng thí nghiệm, tiêm vào cơ thể để tạo kháng thể, khác với một số hãng dược đang làm là sử dụng cấy đoạn gien vi rút trực tiếp vào người. “Cách làm vắc xin bằng cấy gien trực tiếp nhanh hơn nhưng tính mạo hiểm cao hơn nhiều”, tiến sĩ Hồ Nhân nói và khẳng định, mục đích làm vắc xin ngừa Covid-19 là phải bảo vệ được 100% sức khỏe con người. “Nhiệm vụ của người làm khoa học là phải làm thuốc bảo vệ được sức khỏe mạng sống của con người ở mức cao gần như tuyệt đối. Không thể tính theo phương án thống kê, mà phải có phương án tuyệt đối. Để đạt được tỷ lệ đó, Nanogen có 3 hướng làm thuốc và vắc xin ngừa Covid-19, đó là dùng thuốc nhỏ vào mắt, mũi và tiêm trực tiếp. Với trẻ nhỏ dưới 12 tháng, khó chịu nổi cơn sốc vì tiêm, sẽ cho nhỏ thuốc. Những người lớn trên 60 tuổi cũng vậy, dễ có một số bệnh nền, cũng dùng thuốc nhỏ dễ hơn. Quan trọng thuốc không có phản ứng phụ”, ông Hồ Nhân cho biết.
“Mong tụi trẻ đừng mất thêm mùa hè đẹp đẽ vì dịch”
Mặc chiếc áo thun nâu có cổ và quần jean xanh giản dị, tiến sĩ Hồ Nhân khá kiệm lời dù những việc ông làm đang được cả xã hội quan tâm. Thậm chí, ngay cả vấn đề thuần chuyên môn, ông cũng chọn cách nói ngắn gọn, đơn giản nhất có thể. Trên đường hướng dẫn chúng tôi tham quan khu vực nghiên cứu, sản xuất nguyên liệu và thành phẩm, bất chợt ông nói: “Làm dự án này gặp áp lực nhiều, bởi rất rủi ro!”. Công ty đang làm ăn bình thường, đùng một cái, bỏ hàng trăm tỉ đồng để mở rộng loạt nhà máy, mua trữ số lượng lớn chai, lọ, kim tiêm... vì khi cần đặt mua sẽ không kịp; rồi phải tập trung toàn bộ nguồn lực để làm vắc xin, chưa biết bán được hay không, nhưng phải sản xuất dự trữ từng lô nhỏ, mỗi loại vài ngàn sản phẩm để thử. 3 nhà máy chạy làm sản phẩm thử liên tục.
Đến khu vực sản xuất, kỹ thuật viên ra hiệu không được vào vì bên trong đang chuẩn bị để sáng mai sản xuất sớm. Vậy là cả khách và tổng giám đốc công ty cũng chỉ có thể đứng ngoài cửa kính nhìn vào. Phía trong, hệ thống máy móc đang được giữ vô trùng để chuẩn bị hôm sau sản xuất mẻ vắc xin thử nghiệm mới và những chuyên gia trong nước lẫn nước ngoài vẫn đang miệt mài ngồi trước những chiếc máy với chi chít thông số.
|
Quay trở ra, lúc chuẩn bị bước sang phòng thay đồ bảo hộ y tế, ngay ngoài hành lang khu vực vô trùng của nhà máy, làm động tác khoát tay chỉ lên trần nhà trắng xóa và những cánh cửa ngăn tự động, tiến sĩ Nhân khoe: “Một nhà máy làm vắc xin phải sạch đẹp, sang trọng và chuyên nghiệp đến từng centimet như thế này. Thiết kế nhà máy phải đẹp không thua gì nhà máy dược phẩm của các tập đoàn lớn thế giới, thế nên, hơn chục năm qua, chúng tôi mới xuất khẩu thuốc đến nhiều nước trên thế giới”. Hỏi ông có ước mơ gì trong lúc này? Ông nói như với riêng mình: “Mong ước duy nhất là tụi trẻ không phải mất thêm một mùa hè vì dịch Covid-19 nữa. Tụi trẻ chỉ có 12 mùa hè trong cuộc đời đi học, năm qua, dịch Covid-19 đã lấy mất của chúng một mùa hè được vui chơi hồn nhiên rồi. Ngay chúng ta cũng thấy stress, không được đi đâu... Hết dịch để tụi tui thảnh thơi chút, đưa con đi du lịch, đi chơi. Không mong ước gì hơn”.
Bình luận (0)