Theo kế hoạch của UBND P.An Bình (TP.Biên Hòa, Đồng Nai), phường sẽ sử dụng Trường tiểu học An Bình làm khu cách ly tập trung cho các ca nhiễm Covid-19. Hiện tại, số người phải cách ly tập trung trên địa bàn phường ít nên ngôi trường này đang được tận dụng làm khu lưu trú cho người lang thang, cơ nhỡ theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP.Biên Hòa.
Tại đây, PV Thanh Niên ghi nhận có 26 người lang thang cơ nhỡ được lực lượng chức năng đưa về từ nhiều nơi trong khu vực. Hiện có 7 phòng học của học sinh được sắp xếp làm nơi nghỉ ngơi cho những người này. Mỗi phòng được chia thành 5 chỗ cho 5 người ở cách xa nhau. Phòng nam và nữ được xếp riêng biệt ở 2 dãy khác nhau và phải tuân thủ khoảng cách theo quy định. Riêng nữ thì mỗi phòng có 3 người.
"Thấy rất biết ơn"
Ông Lê Quang Vĩnh (43 tuổi, quê Hà Tĩnh, một người lang thang mới được đưa vào cơ sở này) cho biết ông vào miền Nam cũng mấy năm rồi. Thời gian đầu ông làm trên TP.HCM nhưng hơn 1 năm qua ông chuyển về Đồng Nai làm bảo vệ cho một công ty trong khu công nghiệp Biên Hòa. Từ khi bùng phát dịch tới nay đã 3 tháng, ông thất nghiệp.
|
“Khi mất việc làm, tôi cũng đi xin mấy chỗ mà không ai nhận. Nghỉ việc ở nhà nên không có tiền trả nhà trọ nên tôi bỏ đi lang thang xin ăn. Tối đến, tôi nhặt các tấm bìa các tông làm chiếu rồi chui vào gầm cầu vượt ở ngã tư Vũng Tàu ngủ", ông Vĩnh buồn rầu nói.
Ông Vĩnh kể thêm: "Thời gian ngủ ngoài gầm cầu tôi ốm la liệt, ngoài việc phải nhịn đói, ban đêm còn phải chịu lạnh, nhất là những ngày mưa gió, nước mưa đổ lênh láng không có chỗ tá túc nên tôi đành leo lên con lươn ngồi chờ ráo nước mới xuống đất ngủ. Thế nhưng, cũng không ngủ được vì ở chân cầu xe chạy qua chạy lại nhiều làm đường rung chuyển rồi còi thì hú đinh tai nhức óc, nhiều lúc vừa chợp mắt thì giật bắn người với tiếng gầm rú của các xe container".
"Từ ngày tôi được các chú công an chở vào đây ở chung phòng với mấy người sống lang thang, được ăn uống đầy đủ nên tôi thấy người đỡ mệt mỏi và khỏe ra rất nhiều", ông Vĩnh xúc động.
|
Anh Lê Văn Quý (26 tuổi, quê Đồng Nai) cho biết ba mẹ mất sớm, nhà cửa không có nên từ nhỏ phải đi phụ việc khắp nơi kiếm sống. Mấy năm gần đây, anh đi làm phụ hồ cho một số công trình xây dựng tư nhân. Từ khi dịch bệnh tới nay, không có việc làm, tiền không có để đóng trọ, tiền ăn uống cũng không. Khi người bạn cùng phòng về quê, Quý cũng trả phòng trọ rồi xách đồ đi lang thang hơn một tháng nay.
“Lúc đầu em đi lang thang và xin ăn ở P.Bình Đa, TP.Biên Hòa, dạo gần đây trên đó vắng quá xin không đủ đồ ăn nên em đi bộ xuống khu ngã tư Vũng Tàu ngồi dưới gầm cầu vượt, ai đi qua cho cái gì thì ăn cái đó. Hơn một tuần nay, các chú công an phường đưa em vô đây ở, sáng thì cho bánh mì có hôm thì mì gói, trưa và chiều cho ăn cơm hộp. Có chỗ nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ nên em cảm thấy rất biết ơn”, anh Quý nói.
Suất ăn như của người đang cách ly tập trung
Chị Nguyễn Thị Phương Tuyền (25 tuổi, quê Đồng Nai) cho biết từ nhỏ chị Tuyền ở với bà ngoại và không biết ba mẹ ở đâu. Mấy năm qua, chị Tuyền đi làm mướn cho người ta, giờ thất nghiệp không có việc làm, đi xin việc thì không ai nhận.
“Khi bạn em về nhà người quen ở thì em cũng trả phòng trọ và về nhà ngoại. Nhưng về nhà ngoại thấy cửa khóa, liên lạc không được, không biết ngoại đã đi đâu nên em đành đi lang thang ngoài khu vực ngã tư Giếng Nước, buổi tối thì ngủ ở bến xe Tam Hiệp”, chị Tuyền kể.
|
Hai tuần nay, chị Tuyền được các cô chú ở phường đưa về đây ở chung phòng với một người cùng hoàn cảnh. Ở đây được quan tâm, lo cơm ăn ngày ba bữa nên cũng cảm thấy yên tâm. Chị Tuyền mong dịch bệnh sớm qua mau để có cơ hội đi kiếm việc làm, để tự lo liệu cho cuộc sống.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, bà Ngô Thị Phước Bình (Chủ tịch Hội phụ nữ P.An Bình) cho biết thực hiện chỉ đạo của cấp trên, khi lực lượng chức năng đưa những người lang thang cơ nhỡ về đây, bà thường lui tới để thăm hỏi, động viên mọi người, đặc biệt là những phụ nữ lang thang cơ nhỡ.
“Nhiều người khi vào đây chỉ có duy nhất một bộ đồ trên người, không có gì mang theo, tôi thấy rất tội nên về UBND phường xin số quần áo mà trước đó đã quyên góp, lựa cho mỗi người mấy bộ”, bà Bình nói và cho biết đã vận động các mạnh thường quân mua thêm dụng cụ sinh hoạt như bàn chải, kem đánh răng, xà bông tắm, bột giặt... cho họ.
|
Bà Trần Thị Hồng Cúc, Phó chủ tịch UBND P.An Bình, cho biết tới thời điểm hiện tại, số người đưa về đây là 74, trong đó đã liên lạc với người thân đưa về gia đình 48 người, còn lại 26 người.
Bà Cúc cho biết thêm, mỗi suất ăn của người lang thang cơ nhỡ được thành phố hỗ trợ là 80.000 đồng/ngày, bằng với suất ăn của các trường hợp trong khu cách ly tập trung theo quy định của UBND tỉnh.
|
Thiết lập 200 chỗ ở cho người lang thang, cơ nhỡÔng Huỳnh Tấn Lộc, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa, cho biết TP.Biên Hòa đã cho thiết lập một khu cách ly tập trung dành riêng cho người lang thang, cơ nhỡ với quy mô 200 giường tại Trường Cao đẳng nghề số 8 (P.Long Bình). Trước đó, UBND TP.Biên Hòa cũng đã yêu cầu Công an TP.Biên Hòa tổ chức đưa những người lang thang, cơ nhỡ từ nhiều nơi trên địa bàn thành phố về khu lưu trú tạm thời. Hiện đã sử dụng Trường tiểu học An Bình và xưởng sản xuất của một doanh nghiệp để cho họ lưu trú tạm. Tất cả những người lang thang được kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm Covid-19 và chăm lo ăn uống theo tiêu chuẩn như trong khu cách ly tập trung trên địa bàn thành phố.
Trước đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 với các sở, ngành liên quan cùng 11 huyện, thị, thành phố của Đồng Nai, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai, nhấn mạnh: Không để người dân nào bị đói, bị bỏ lại phía sau trong dịch Covid-19, đặc biệt là người lang thang, cơ nhỡ. "Nếu để dân đói thì lãnh đạo phải lấy sinh mạng chính trị của mình ra đảm bảo".
|
Bình luận (0)