Tạp chí Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021 do tạp chí này bình chọn. Đây là danh sách lần đầu tiên do tạp chí thực hiện, tôn vinh những phụ nữ dù khác biệt về lĩnh vực, tuổi tác, cương vị, mức độ ảnh hưởng, nhưng họ có điểm chung là sở hữu nguồn năng lượng dồi dào, đủ lực để xóa đi các bức tường dù hữu hình hay vô hình lâu nay vẫn cản trở sự phát triển của phụ nữ.
Trong số đó, đáng chú ý là bà Nguyễn Thị Hồng Cúc, 69 tuổi, tiến sĩ sử học. Dòng miêu tả ngắn gọn của Forbes Việt Nam cho biết: "Không từ bỏ niềm đam mê, ở tuổi 68, vừa bình phục sau đợt tai biến mạch máu não, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sau 7 năm nghiên cứu".
Tiến sĩ Cúc là một người rất đặc biệt. Giữa tháng 5.2020, bà bảo vệ thành công luận án Sự phát triển đại học ngoài công lập ở TP.HCM (1992-2012), chuyên ngành Lịch sử Việt Nam cận đại và hiện đại, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.
|
Bà Cúc sinh ra tại Sài Gòn, tốt nghiệp ngành Triết học ở ĐH Văn khoa trước năm 1975. Nhưng sau đó, bà Cúc không làm việc gì liên quan ngành Triết mà về Biên Hòa mở một nông trại, sản xuất tinh dầu. Sau hơn 10 năm, bà quay lại học thạc sĩ Lịch sử tại Viện Khoa học Xã hội, sau đó về Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM làm giảng viên và phụ trách công tác tư vấn, tuyển sinh.
Sau khi làm việc tại trường trong 20 năm và nghỉ hưu cuối năm 2012, bà Cúc bắt đầu bắt tay vào nghiên cứu toàn diện về hệ thống các trường ĐH ngoài công lập. Vì trong thời gian trước đó, bà đã có thời gian làm việc tại một trường ĐH ngoài tư thục cũng như bà tham gia vào rất nhiều hội thảo, hội nghị liên quan lĩnh vực này. Thậm chí, trong những vụ việc lùm xùm xảy ra trong thời điểm này, nhất là tại Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, đều có sự hiện diện của bà.
Bà Cúc cho biết mục đích làm nghiên cứu sinh tiến sĩ xuất phát ban đầu là muốn... gặp và hỏi chuyện nhiều người. Khi chưa làm nghiên cứu sinh, mặc dù rất muốn nghiên cứu về lĩnh vực này nhưng bà xin gặp nhiều người am hiểu để phỏng vấn thì đều bị từ chối vì không rõ mục đích cụ thể. Vì vậy, bà... quyết định đi nghiên cứu sinh tiến sĩ, để có thể gặp được nhiều người hơn, phục vụ cho nghiên cứu. Với danh nghĩa này, bà đã gặp được rất nhiều người, kể cả nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Trong báo cáo của mình ở buổi bảo vệ luận án tiến sĩ, bà Cúc nhấn mạnh: “Sự phát triển của loại hình ĐH ngoài công lập là một quá trình tất yếu trong xây dựng và phát triển đất nước. Sự phát triển các trường ĐH ngoài công lập tại TP.HCM hiện tại và trong thời gian tới có thể sẽ ngày càng bùng nổ vì nhu cầu lao động quá lớn của thị trường. Các trường này sẽ bước vào một giai đoạn hoạt động hiệu quả trong tương lai không xa. Riêng ở TP.HCM, với những thuận lợi đặc biệt ở địa phương này, các trường sẽ phát triển nhanh hơn nữa”.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên về việc được vinh danh trong danh sách này, tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Cúc cho biết bà không nghĩ gì nhiều về chuyện này. Việc vinh danh đôi khi còn bị áp lực là người truyền cảm hứng trong tương lai nên bà chỉ muốn tập trung vào công việc của riêng mình.
|
Hiện tại, bà vẫn giữ thói quen lên thư viện đều đặn mỗi ngày, đọc sách, tìm tài liệu. Bà dự định nghiên cứu tiếp các đề tài về giáo dục, báo chí, tôn giáo và văn hóa Sài Gòn xưa.
Danh sách "20 phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng" còn có rất nhiều cái tên quen thuộc ở rất nhiều ngành nghề: tiến sĩ Nguyễn Thuỵ Anh (47 tuổi, chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con), Tô Thuỵ Diễm Quyên (chuyên gia giáo dục), Đinh Hằng (Blogger Du lịch, tác giả sách), tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp (40 tuổi, Trưởng khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường ĐH Quốc tế), Nguyễn Thị Kim Hòa (37 tuổi, nhà văn), Lê Cát Trọng Lý (34 tuổi, nhạc sĩ - ca sĩ), Nguyễn Thị Phương Thảo (51 tuổi, CEO Hãng hàng không Vietjet), Trần Thị Thuỷ Tiên (35 tuổi, ca sĩ - diễn viên - người mẫu), Ngô Thanh Vân (41 tuổi, đạo diễn - nhà sản xuất - diễn viên), Văn Đinh Hồng Vũ (CEO ELSA Speak)...
Bình luận (0)