Mọi người đang rộn ràng cho ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10. Bao lời chúc, bao cánh hoa tươi được gửi đến mẹ, “một nửa của mình”… Riêng bản thân tôi, bên cạnh mẹ ở quê nhà, tôi cũng xin được gửi lời cám ơn đến những người phụ nữ khác mà tôi chỉ gặp tình cờ trong các buổi hội thảo, qua trang sách, trên Facebook…
Đó là cô Nguyễn Lan Hải, bác sĩ và là một báo cáo viên “duyên ơi là duyên” mà tôi có dịp biết đến qua một buổi nghe cô nói về chuyên đề giáo dục về giới tính cho lứa tuổi học sinh. Ấn tượng của tôi về cô đó là sự duyên dáng, hài hước, nhờ vậy mà những vấn đề “nhạy cảm” trở nên dễ hiểu, thấm vô cùng. Suốt mấy tiếng đồng hồ tôi ngồi nghe say sưa mà không hề có cảm giác mệt mỏi hay nhàm chán dẫu đó là những vấn đề mà tôi đã nghe rất nhiều lần. Sau hôm đó, tôi có tìm kiếm Facebook của cô, kết bạn và theo dõi các bài viết trên trang cô. Văn của cô như chính tính cách cô mà tôi được biết: nhẹ nhàng, sâu sắc và hóm hỉnh… Cứ thế, tôi hay tìm đọc các bài viết của cô, theo dõi các buổi cô livestream tư vấn, một cách nào đó, vừa tích luỹ kiến thức cho bản thân, vừa để học nơi cô sự mềm mại trong cuộc sống. Mềm mại nhưng sâu nặng với cuộc đời!
|
Đó là cô Nguyễn Phi Vân, tác giả những đầu sách mang đến giá trị lan toả rất cao cho độc giả hiện nay như Quảy gánh băng đồng ra thế giới; Tôi, tương lai và thế giới; Tôi đi tìm tôi… Tôi biết đến cô qua những trang sách, qua những bài viết trên Facebook, rồi tự “ám thị” rằng “Cô viết riêng cho mình hả ta?” hoặc “Cô đang chửi mình hả?”… Những bài viết đó là sự trải nghiệm của cô với cuộc sống, chưng cất qua trang sách, đến với người đọc, chạm vào những góc nhỏ trong tâm hồn… Từ những phản hồi của người đọc, tôi nhận ra, không chỉ riêng mình mà với rất nhiều độc giả, những gì cô viết đã giúp bao người tìm lại chính mình qua hành trình “phản tư”; lên “dây cót” về tinh thần để bước về phía trước bằng chính kỹ năng mình sẽ học hỏi, tích luỹ; học hỏi từ những điều nhỏ nhất của bao con người xa lạ, hay từ chính các giá trị văn hoá vững bền trong cuộc sống từ các quốc gia thế giới… Từng chút, từng chút, những gì cô viết cứ nhẹ nhàng bám rễ sâu bền nơi người đọc!
|
Đó là cô Trần Lê Hoa Tranh, giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, người cô mà tôi chỉ biết đến qua Facebook. Tôi chưa có dịp được gặp gỡ, trò chuyện hay làm việc cùng cô. Tôi cũng không nhớ rõ biết đến Facebook cô trong trường hợp cụ thể nào, chỉ biết một điều duy nhất là mình đã bị chinh phục bởi những bài viết của cô ở mọi đề tài văn hoá, giáo dục, xã hội… Cô viết nhiều, không bó hẹp ở một chủ đề nhất định; điều làm tôi thích thú khi đọc các bài viết của cô đó là góc nhìn rất khách quan, mang đầy sự “tươi mới” của nhịp sống, bản thân mình có thể học hỏi hoặc rút ra được các thông điệp được gửi gắm. Tôi cảm nhận mỗi bài viết, hay đơn thuần chỉ là status cô đăng, đều phảng phất những suy tư, tính cách của cô: tinh tế, quyết liệt nhưng rất nữ tính. Sau này, tôi tìm đọc một vài cuốn sách của cô như Khúc hoan ca của văn chương, Văn học di dân… thì lại càng bất ngờ hơn nữa về cô. Sách nghiên cứu về văn chương, dưới ngòi bút và cách nhìn của cô, nhẹ nhàng và tự nhiên như hơi thở, mang đầy trải nghiệm mới. Là người làm công việc giảng dạy, tôi đã học từ những bài viết của cô rất nhiều, vận dụng cho chính những giáo án của mình trên bục giảng.
Sức mạnh của người phụ nữ, theo tôi, không nằm ở đâu xa mà ở ngay chính tâm hồn và trái tim của họ. Đó chính là những rung động với cuộc sống, rồi bằng sự nữ tính của mình, họ gửi nó vào trang viết, công việc, từ từ lan toả đến với mọi người xung quanh. Và trong những người đón lấy những giá trị đẹp đó, có cả nam giới – đón lấy để học, để soi chiếu chính mình, từ đấy biết trân trọng “một nửa” của thế giới. Khi cần tìm kiếm các kiến thức cho công việc, tôi vào tìm trong các bài viết của các cô; khi cần “sạc pin” cho năng lượng, tôi cũng tìm vào các trang viết ấy… Ở góc độ giản dị và đời thường, nơi đó như là điểm tựa của bản thân tôi!
Và với tôi, những gì người phụ nữ làm cho xã hội, đôi khi, chỉ cần đơn giản thế thôi…
Bình luận (0)