Miệt mài làm việc từ sáng đến đêm để lên kế hoạch trao đi những món quà “đầy ắp tình người” đến tay những mảnh đời bất hạnh, không biết cô gái ấy lấy đâu ra sức mà làm được nhiều việc đến nỗi người sức dài vai rộng như tôi cũng phải xin “cúi chào”.
“Yếu nhưng không tàn”
“Người con gái nhỏ nhắn, có khuôn mặt rạng ngời với nụ cười xinh xắn, dịu hiền dù cuộc đời gắn với chiếc xe lăn từ khi lên 6 tuổi, nhưng chị đã sống mãnh liệt như một chiến binh, cháy hết mình với công việc thiện nguyện, giúp hàng nghìn mảnh đời vượt qua khó khăn tìm ra ánh sáng, niềm tin cuối đường hầm”, đó là đánh giá mà tôi mắt tận, tai nghe về chị Nhung. Cùng chung quê hương nơi “chôn rau cắt rốn” với chị, càng khiến tôi không thể nào quên, không thể nào ngừng viết.
Sinh ra tại vùng quê nông thôn (thôn Áng Thượng, xã Lê Thanh, H.Mỹ Đức, TP.Hà Nội) năm 1982, chị Nhung bị ảnh hưởng bởi di chứng chất độc da cam từ người bố tham gia chiến tranh ở miền Nam, nên khi 1 tuổi cả hai chân và tay phải của chị bị liệt. Đôi chân còn đi chưa mỏi, tương lai chỉ mới bắt đầu thì chị đã phải dừng lại trên chiếc xe lăn cuộc đời.
Hạc Giấy trao học bổng cho học sinh nghèo đến trường |
nhân vật cung cấp |
Sống quằn quại, dày vò thể xác trong từng cơn đau đớn mà chất độc dioxin để lại, những lúc đó chị như muốn từ bỏ thế giới này. Nhưng chính tình yêu thương bao la của gia đình đã thắp niềm tin giữ chị ở lại. “Tôi đã nghĩ và khóc rất nhiều, có những đêm thức trắng suy nghĩ làm gì để bản thân không “tàn phế”, không là gánh nặng cho bố mẹ”, chị Nhung tâm tư.
Tinh thần sinh ra là để vượt khó đã không làm chị mất đi nghị lực sống. Chị Nhung bắt đầu làm những việc mình thích và sống hết mình với tâm niệm “để sau này không phải hối hận những năm tháng sống hoài, sống phí”. Chị bắt đầu bằng một cửa hàng tạp hóa nhỏ tại nhà như để có việc làm tự nuôi sống bản thân. Chị nói: “Được làm việc và được giao lưu gặp gỡ với mọi người là động lực để tôi cố gắng làm điều lớn lao hơn”.
Bản thân tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, cũng có lúc như muốn gục ngã vì mặc cảm không thể tự đi, tự làm mọi việc như bao người khác. Nhưng mỗi khi gặp khó khăn, tôi luôn nhìn vào những người đang khó khăn hơn mình và bố mẹ luôn là chỗ dựa vững chắc để nhắc nhở tôi rằng làm được một việc gì đó ý nghĩa cho cộng đồng, cuộc sống của mình sẽ trở nên có ý nghĩa.
Chị Nguyễn Thị Nhung
Vực dậy từ biến cố, chị Nhung thấu hiểu và đồng cảm với những số phận kém may mắn và có hoàn cảnh giống mình: “Hình ảnh những người tàn tật, người ăn xin ám ảnh trong tâm trí tôi, nên tôi luôn đau đáu mong muốn giúp đỡ họ”.
Từng ngày trôi qua, người con gái nhỏ bé ấy mặc dù sức khỏe yếu, luôn ấp ủ ước mơ mình là con hạc giấy mang những điều tốt đẹp và thắp lên niềm tin cho những hoàn cảnh bất hạnh, vượt qua khó khăn giữa dòng đời đầy gian khổ để sống thật hạnh phúc. Năm 2014, chị Nhung đã thành lập nhóm thiện nguyện mang tên Hạc Giấy với mong muốn gắn kết yêu thương muôn nơi, cho đi là hạnh phúc.
“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”
Lòng “thương người như thể thương thân” đã thôi thúc chị Nhung tìm đến Mái ấm Thánh Tâm - nơi nuôi dưỡng người khuyết tật, mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cách nhà chị 10 km. Đây cũng là nơi thiện nguyện đầu tiên chị đặt chân đến khi thành lập Hạc Giấy.
“Hai mắt cay xè, tôi trầm lặng khi nhìn thấy những mảnh đời ở đây. Mỗi người một số phận: người bị bại não, người bị liệt hai tay hai chân, người khiếm thị, người mồ côi cả cha lẫn mẹ, có cả những người đáng tuổi bố mẹ tôi nhưng họ không gia đình, không người thân”, chị Nhung trầm tư kể lại.
Khi rời khỏi Mái ấm Thánh Tâm, trong đầu chị Nhung không ngừng nghĩ về nơi đây, chị nghĩ mình phải làm gì đó để giúp những mảnh đời bất hạnh kia có cuộc sống tốt hơn. Chị bắt đầu lên kế hoạch xây dựng một khu vui chơi tặng Mái ấm Thánh Tâm với chi phí 40 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Nhung, Trưởng nhóm Thiện nguyện Hạc Giấy |
“Bắt đầu từ việc bán từng chiếc bút, quyển vở cho những nhà hảo tâm để gây quỹ. Tôi may mắn được người thân, bạn bè đồng lòng ủng hộ và đồng hành trong kế hoạch này. Có những bạn cộng tác viên tình nguyện hỗ trợ vận chuyển đơn hàng để nhóm tiết kiệm được chi phí”, chị Nhung chia sẻ. Sau 2 tháng làm việc cật lực ngày đêm, dù nhóm gặp không ít khó khăn, “kinh phí chưa đủ là còn những đêm thao thức”, nhưng bằng tình yêu và lòng kiên trì, cuối cùng Hạc Giấy đã hoàn thành mục tiêu trong niềm hạnh phúc vô bờ.
Với chủ đề gắn kết yêu thương, sau gần 10 năm thành lập, Hạc Giấy đã thực hiện được nhiều chương trình lớn: Cùng em đến trường, vui Tết trung thu, Tết cổ truyền ấm áp, giúp đỡ người tàn tật, bệnh hiểm nghèo… với hàng nghìn suất quà trị giá hàng tỉ đồng.
Với tinh thần cho đi là hạnh phúc, làm việc tốt không bao giờ đơn độc, Hạc Giấy đã có hơn 20 thành viên chính và hàng trăm cộng tác viên đồng hành từ xa, đây được ví như ngôi nhà mang bình an, niềm tin đến mọi nơi, mọi nhà đang gồng mình vượt qua những bão táp phong ba cuộc đời để sống thật hạnh phúc.
Gian truân chỉ là thử thách
Luôn đối mặt khó khăn về nhân lực và kinh phí hoạt động nhóm, hơn nữa sức khỏe lại thường xuyên báo động, nhưng chưa giây phút nào chị Nhung có ý định từ bỏ ước mơ. Chị cho biết khi nhóm mới thành lập, thành viên chỉ có vài người, mới đầu viết bài kêu gọi ủng hộ nhưng toàn thất bại. Nhóm không có ai là đại gia cả, toàn bộ kinh phí phải kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ hoặc bán hàng để gây quỹ, nên nhiều lúc rơi vào thế bí.
“Bản thân tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, cũng có lúc như muốn gục ngã vì mặc cảm không thể tự đi, tự làm mọi việc như bao người khác. Nhưng mỗi khi gặp khó khăn, tôi luôn nhìn vào những người đang khó khăn hơn mình và bố mẹ luôn là chỗ dựa vững chắc để nhắc nhở tôi rằng làm được một việc gì đó ý nghĩa cho cộng đồng, cuộc sống của mình sẽ trở nên có ý nghĩa”, chị Nhung chia sẻ.
Những người đồng hành cùng Hạc Giấy đều đã đi làm và có gia đình nhưng vẫn luôn theo các hoạt động của nhóm. Mỗi khi nhóm triển khai tổ chức chương trình hay bán hàng gây quỹ, họ đều sắp xếp công việc để tham gia. “Họ coi tôi như người thân ruột thịt, tôi đi trao quà họ cõng tôi đi. Trong ước mơ thiện nguyện của tôi có họ luôn đồng hành. Họ cũng giống tôi, khi mang tiền đi tặng những người có hoàn cảnh khó khăn, họ thấy vui như chính mình nhận được số tiền đó”, chị kể.
Trong căn phòng nhỏ gọn gàng, chị Nhung vẫn đang cần mẫn ghi chép tỉ mỉ những nhà hảo tâm đã mua bút, vở ủng hộ để cùng nhóm bắt đầu chuyến trao quà cho các em học sinh nghèo vào năm học mới. Chị nói càng cho đi nhiều hơn chị lại càng gặp nhiều điều may mắn trong cuộc sống. Bởi lẽ, chị quan niệm “may mắn không tự nhiên có được, mà đến từ tình yêu và những trái tim biết sống vị tha”.
Bình luận (0)