Chỗ ở của vợ chồng nghệ sĩ Quang Phùng chỉ có khoảng không gian chật hẹp khoảng 4 m2 để sinh hoạt và làm việc. Ông ở tuổi 90 vẫn ngồi biên tập hơn 100 đầu sách ảnh của chính mình; xung quanh toàn ảnh tư liệu ảnh của nửa thế kỷ cầm máy.
Ước khoảng 100 tập sách ảnh này là rất nhiều câu chuyện, nhiều đề tài của ký ức Hà Nội cũ từ thế kỷ 20 và Hà Nội thời nay. Khi phải sống trong giai đoạn giãn cách xã hội, không được chống gậy đi chụp loanh quanh hồ bằng hai chân và một cây gậy thì nghệ sĩ Quang Phùng ngồi biên tập cho từng cuốn sách ảnh, kể câu chuyện của thời đại mình sống.
Bà Chín - vợ ông, nói chuyện thật dịu dàng: “Ông lão nhà tôi vẫn làm việc 4 tiếng ban đêm và 4 tiếng ban ngày, khổ là muốn ngả lưng thì phải dọn dẹp để co chân nằm xuống”. Mỗi tấm ảnh đều có câu chuyện về Hà Nội, về những phố có cây lim trắng hay cây sao đen, phượng vĩ; về hồ Gươm thuở còn đầy kim tiêm và bát hương vứt xuống...". Được biết hồi năm 2013, nghệ sĩ Quang Phùng từng nhận được giải thưởng Bùi Xuân Phái.
|
Ký ức quý giá về Bùi Xuân Phái, Văn Cao
Ông cũng chưa bao giờ ngừng kể chuyện Hà Nội qua ảnh, ông còn bộ ảnh về ký ức nằm sâu trong bảo tàng phố, ngõ. Đó là một ngõ nhỏ Yết Kiêu nơi có cầu thang cũ, lá sấu vàng hay lá dâu da xoan rơi trên góc cầu thang. Ngày xưa, nhiếp ảnh gia Quang Phùng từng hỏi họa sĩ Bùi Xuân Phái: “Anh thích chỗ nào nhất ở ngôi nhà này, hay cái cầu thang nhà anh?”. Và Bùi Xuân Phái chỉ ra góc hẹp cầu thang nơi có lá dâu da xoan và lá sấu vàng rơi xen kẽ: “Tôi thích ngồi chỗ đó”. Chỉ có nghệ sĩ Quang Phùng ghi lại nơi nghỉ thích nhất của nhạc sĩ tài hoa Văn Cao, ở góc cầu thang bước lên ngôi nhà, là cả một ký ức của tác giả Tiến quân ca với nhiều câu chuyện cảm động khác. Ông Quang Phùng tiếp: “Là tôi giữ ký ức bằng ảnh”. Một chỗ ngồi thích nhất của nhạc sĩ Văn Cao trong ngôi nhà lại chính là góc bậc thang lưng chừng dốc. Văn Cao ngồi đó để nghĩ ngợi, thư giãn và tiếp tục sáng tác nhạc hoặc thơ.
Rồi nghệ sĩ Quang Phùng dọn dẹp mãi mới tìm trong thư mục tập ảnh chụp về cái ngõ hẹp liêu xiêu ở phố Thuốc Bắc - nơi mà danh họa Bùi Xuân Phái năm xưa từng đi làm thuê, chuyên khuân vác ở hậu đài sân khấu cốt để kiếm đủ 5 cái bánh mì cho bữa trưa gia đình mới bước về nhà. Trong mắt ông, ngõ trong hội họa Bùi Xuân Phái những hôm không kiếm được 5 cái bánh mì luôn liêu xiêu, ngõ càng vênh cong và hẹp vì những ám ảnh trong ký ức kiếm sống của người họa sĩ tài hoa, một thuở cơ hàn.
Trong câu chuyện của nghệ sĩ Quang Phùng dường như không để ý có dịch bệnh dính dáng đến công việc của ông, kể cả điều kiện vật chất khó khắn, không gian sống không thể chật hơn. Hai chỗ nằm của vợ chồng già là hai cái ghế cách nhau có một bước chân phải luôn đi nghiêng người. Quanh năm bà Chín và ông Phùng chỉ được ngủ gập gối, vì không có chỗ duỗi chân. Không thể không ngậm ngùi cho không gian sống ở Hà Nội, một ngôi nhà bé tẹo ở trong xóm Hạ Hồi. Ấy vậy mà khi tôi đến, bà Chín bảo hãy chờ để lấy cho cái băng nghe nhạc của Trần Anh Tú (Tú xỉn) hay lắm; âm nhạc không lời luôn chảy trong lòng bà lão 80 tuổi, còn ảnh nghệ thuật chiếm hết tâm trí nghệ sĩ 90 tuổi Quang Phùng. Ông bà chấp nhận vui vẻ với nhiều năm chỉ nằm co như một dấu hỏi không có hồi đáp. Để thực hiện cái đích đam mê của mình, nghệ sĩ Quang Phùng vẫn cặm cụi soi kính lúp cặp vào mắt kính để biên tập những bộ sách ảnh của mình.
Ông kể những câu chuyện về Hà Nội bằng ảnh, có thể “sau 20 hoặc 30 năm nữa, người ta mới mở sách ảnh của tôi ra làm tư liệu lịch sử, sách ảnh sống lại ở con ngõ góc phố, hồ, và cửa ô, tôi tin thế!”. Rồi còn có cả những câu chuyện văn hóa khác mà ông ghi được ở Mỹ, ở Nhật và các nước Đông Nam Á; ảnh chân dung văn nghệ sĩ ông chụp, chưa từng công bố…
Những ngày giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, có thể có người chán nản, trầm cảm, tôi ngỡ nghệ sĩ già Quang Phùng bỏ cuộc. Nhưng bà Chín - vợ ông tâm sự: “ Ông lão nhà tôi vẫn cặm cụi, làm tuyển ảnh cho sau này, chả thấy ông ngơi tay”. Đó cũng là một cách sống đẹp. Không phải chỉ có cách sống đẹp của nhà hảo tâm hay cách sống đẹp của "bầu ơi thương lấy bí cùng", mà có cả cách sống đẹp của một người ở ẩn, người cầm máy chuyên nghiệp, mong để lại những câu chuyện của Hà Nội mà thời gian, người đương thời đã lướt qua.
Và nghệ sĩ Quang Phùng lặng lẽ biên tập sách ảnh, lưu giữ lại những hình ảnh quá khứ cho đến hơi thở cuối, vì cái đích đam mê và mong muốn để lại cho đời sau những quyển sách ảnh ký ức Hà Nội có giá trị riêng. Đó là cách sống thật đẹp. Cách tiêu thời gian thật có ích của đời người!
|
Bình luận (0)