Cách đây mấy năm, vào chiều 29.8.2013, ngọn núi Voang Mo Ơn cao hàng chục mét phía sau Trung tâm hành chính xã Ba Giang bất ngờ đổ ập xuống hàng ngàn khối đất, đá, vùi lấp Trạm y tế xã Ba Giang đang xây dựng, trong đó có cả những tảng đá nặng hàng tấn. Rất may, không có thiệt hại về người.
Đến tháng 11.2017, khi khảo sát khu vực ngọn núi Voang Mo Ơn, chính quyền địa phương phát hiện núi đã bị nứt rất lớn. Vết nứt trên núi dài 100 m, rộng đến 150 m. Hai bên vết nứt có hàng loạt tảng đá lộ ra, trong đó có một tảng đá rộng 5 m, cao 3 m, gối đầu trên một tảng đá nhỏ, có thể lăn xuống bất cứ lúc nào.
|
“Tảng đá này còn ngái ngủ, nhưng nó cựa mình là lăn thẳng vào trụ sở UBND xã Ba Giang. Chưa kể xung quanh vết nứt là các mạch nước ngầm cứ chảy, mưa lớn nước đổ về hướng Trường tiểu học - THCS Ba Giang có 300 học sinh và gần đó là UBND xã, Trạm y tế xã Ba Giang với 80 cán bộ, nhân viên. Mùa mưa, cán bộ và giáo viên, học sinh ở đây vừa làm việc, vừa dạy - học nhưng mắt lúc nào cũng ngó lên núi”, bà Nguyễn Thị Vân, Trưởng phòng NN-PTNT H.Ba Tơ, cho biết.
Theo một lãnh đạo Trường tiểu học - THCS Ba Giang, nguy cơ sạt lở từ vết nứt trên núi Voang Mo Ơn làm cho giáo viên và học sinh của trường rất lo, bởi chỉ cần núi lở, chắn chắc đất, đá sẽ vùi lấp toàn bộ ngôi trường.
Bà Trần Thị Thanh Thúy, Chủ tịch UBND xã Ba Giang, cho biết mấy ngày qua trời mưa lớn, núi Voang Mơ Ơn có hiện tượng sạt lở nhẹ, nước trên núi bắt đầu chảy xuống nên cán bộ và dân ở đây rất lo lắng. Nếu chính thức vào mùa mưa bão năm 2019 thì không biết sẽ thế nào.
|
Theo bà Nguyễn Thị Vân, huyện đã có kế hoạch di dời toàn bộ trụ sở UBND xã, trạm y tế, trường học ở xã Ba Giang để tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra. Qua khảo sát, số kinh phí để di dời khoảng 112 tỉ đồng. Huyện đã báo cáo và xin kinh phí nhưng đến nay chưa được bố trí.
“Trong khi chờ kinh phí, mùa mưa năm nay, H.Ba Tơ chỉ đạo cho xã Ba Giang thấy mưa gió lớn xảy ra vài ngày là chủ động cho học sinh nghỉ học, khuyến cáo người dân không đi lại qua vùng nguy hiểm này để đảm bảo tính mạng. Ngoài ra, H.Ba Tơ cũng chỉ đạo cho chính quyền xã Ba Giang dùng biện pháp mạnh, không cho khai thác, cấm đào bới, xâm lấn núi Voang Mo Ơn, để hạn chế thấp nhất nguy cơ sạt lở núi”, bà Vân cho biết.
Hàng loạt điểm sạt lở núi
Theo UBND H.Ba Tơ, ngoài nguy cơ sạt lở luôn đe dọa thì tại xã Ba Giang còn có 35 hộ ở các làng người Hrê cũng nằm trong điểm sạt lở nguy hiểm. Ngoài ra, nếu tính toàn huyện thì có 18/20 xã đều có điểm sạt lở núi với 155 hộ, khoảng 500 khẩu bị đe dọa, trong đó nhiều nhất là ở thôn Nước Lá, xã Ba Vinh 67 hộ; thôn Làng Dút, xã Ba Nam 18 hộ; thôn Gọi Re, xã Ba Xa 25 hộ.
Các vùng này chưa có điều kiện, kinh phí di dời dân nên H.Ba Tơ chỉ đạo ngành chức năng cập nhật thời tiết và thường xuyên thông báo cho người dân chủ động phòng tránh thiên tai. Những vùng dễ bị chia cắt, chính quyền xã chủ động dự trữ lương thực và các nhu yếu phẩm ít nhất 7 ngày, đảm bảo cung cấp cho dân không bị thiếu ăn tại chỗ.
|
Bình luận (0)