Người Sài Gòn chen chân ăn bánh canh cua 'Bạch Tuyết'

Lưu Trân
Lưu Trân
18/04/2018 09:33 GMT+7

Dù không phải là món ăn phổ biến như bánh mì, cơm tấm... nhưng bánh canh cua vẫn có sức hút riêng biệt và được nhiều người Sài Gòn ưa thích.

Nhắc đến ẩm thực Sài Gòn, đa phần mọi người sẽ nghĩ ngay đến những món như: cơm tấm, bánh tráng trộn, gỏi cuốn… Tuy nhiên, có một món ăn thuộc dạng “lai tạp” với nhiều phiên bản khác nhau cũng được đông đảo người thành phố mê tít chính là bánh canh cua.
VIDEO: Người Sài Gòn chen chân ăn bánh canh cua "Bạch Tuyết" 
Muốn ăn món này không hề khó, cứ xách xe chạy một vòng ngoài đường thể nào cũng bắt gặp vài ba quán. Nhưng chỉ ra một quán bánh canh cua thật sự “đỉnh” thì nhiều người đồng tình rằng nên đến bánh canh cua “Bạch Tuyết”.

Quán nằm tại số 87 Trần Khắc Chân (phường Tân Định, quận 1). Ấn tượng đầu tiên khi đến quán này là thực khách sẽ bị choáng ngợp bởi sự đông đúc.
Đông đến nỗi, không gian quán mặc dù khá rộng nhưng lại trở nên nhỏ bé. Khách hàng luôn tấp nập ra vào, không có một chiếc bàn hay ghế trống nào trong thời gian quá một phút.
Nói một chút về cái tên Bạch Tuyết, dĩ nhiên nhân viên phục vụ trong quán không phải “bảy chú lùn”, bà chủ cũng không có “làn da trắng như tuyết" hay "mái tóc dài, đen như gỗ mun”… “Đơn giản chỉ là bà chủ tên Tuyết thôi”, một thực khách tên Hồng Minh lý giải.
Quán bánh canh cua này không hề có tên hiệu, cái tên “Bạch Tuyết” là do thực khách ăn quen rồi tự đặt ra để gọi cho vui.
“Đầu tiên là vì bánh canh cua ở đây ngon, nước dùng thơm, ngọt, nhưng kiểu ngọt thanh chứ không phải ngọt lịm đâu. Thịt cua, tôm rồi trứng nữa thì đầy cả một tô. Thêm nữa là tôi vốn bị dị ứng với bột ngọt, nhưng ăn ở đây mấy năm rồi chẳng hề hấn gì nên tôi rất an tâm là bà chủ nấu sạch sẽ, không dùng bột ngọt”, thực khách tên Hạnh An trả lời chúng tôi về câu hỏi “Tại sao chấp nhận đứng đợi 15 phút để được ăn bánh canh ở đây?”.
Thịt cua xào thơm nức mũi Ảnh: Lưu Trân
Chị Tuyết (44 tuổi, chủ quán) cho biết: “Tôi phụ mẹ bán bánh canh từ nhỏ, rồi mẹ chỉ cho cách nấu luôn. Tính ra là tôi theo cái nghề này cũng 35 năm hơn rồi, ngày trước gia đình tôi bán bên khu chợ Bà Chiểu, còn quán hiện tại là tôi mới chuyển về được gần 8 năm”.
Tôm được bóc vỏ sẵn Ảnh: Lưu Trân
Theo lời chị Tuyết, từ tờ mờ sáng là hai vợ chồng chị đã dậy lo đi chợ mua nguyên liệu. “Đi mua thì hai người đi thôi, chứ lúc về là cả nhà cùng nhau làm, mỗi người một tay rửa sạch, sơ chế này kia thì mới kịp để chiều bán. Nhưng riêng phần nêm nếm gia vị, nấu nướng thì chỉ mình tôi làm thôi vì tôi muốn mỗi tô bánh canh đến tay thực khách đều đảm bảo vệ sinh, an toàn và ngon”, chủ quán chia sẻ.
Chả cua, thịt heo luộc cắt lát Ảnh: Lưu Trân
Bật mí về cách nấu bánh canh mang hương vị đặc trưng, chị Tuyết cho biết: “Bánh canh cua thì cua sẽ là nguyên liệu chính rồi, nhưng nếu làm không khéo sẽ có mùi tanh, khó ăn, vậy nên sau khi làm sạch thì tôi sẽ đem hấp cho chín rồi bắt đầu tách thịt cua ra, ướp với các loại gia vị cơ bản và không được thiếu đầu hành lá băm nhuyễn. Để một chút cho thịt cua ngấm đều gia vị thì đem xào sơ qua để thịt được săn lại, không nên xào lâu hoặc mạnh tay vì phần thịt cua rất dễ bị nát”, bà chủ nói.
Nồi nước lèo luôn đậm đặc với nhiều đầu hành lá, hương thơm tỏa ra thơm lừng Ảnh: Lưu Trân
Về phần nước lèo bánh canh, đây là nước được hầm từ xương ống và thịt đùi heo, theo như lời chủ quán thì “nước lèo được chia thành nhiều nồi, mỗi nồi sẽ có lượng xương, thịt và nước cố định chứ không hầm tất cả trong một nồi lớn, như vậy thì mình sẽ dễ dàng canh được thời gian vừa đủ để nước ngọt, xương cũng không bị hầm quá lâu dẫn đến có màu hơi đen”. Một điểm lưu ý nữa là trong quá trình hầm xương phải nhớ vớt lớp bọt trên bề mặt để nước lèo được trong.
Bánh canh cua đầy đủ có giá 40.000 đồng/tô Ảnh: Lưu Trân
Chủ quán là chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (44 tuổi) Ảnh: Lưu Trân
Khi có khách gọi món, chủ quán sẽ cho sợi bánh canh vào tô trước, tiếp tục xếp lên các thức ăn kèm gồm: tôm, trứng cút, thịt cua, chả cua… rồi chuyền tô bánh sang cho người đảm nhiệm việc trông coi nồi nước lèo. Người này dùng cái vá to, múc một vá đầy nước lèo nóng hổi chan vào tô bánh, cho thêm nhúm hành lá cắt khúc nhỏ, là xong, còn phần đem ra cho khách thưởng thức sẽ do các nhân viên phục vụ thay phiên nhau làm.
Bánh canh cua được ăn cùng với quẩy chiên giòn, nóng hổi Ảnh: Lưu Trân
Tô bánh canh cua nghi ngút khói bên cạnh một đĩa quẩy nóng giòn, cứ phảng phất mùi thơm kích thích vị giác đến độ chỉ muốn ăn liền. Nước lèo bánh canh sền sệt, thức ăn kèm được gia vị vừa ăn, chỉ cần vắt một lát chanh để làm dậy vị, không phải nêm thêm nước mắm.
Vì lượng khách quá đông nên nước lèo bánh canh liên tục được cho vào bao sẵn để kịp phục vụ khách mua mang đi Ảnh: Lưu Trân
Miếng chả cua to, chất lượng, hương vị đậm đà Ảnh: Lưu Trân
Được biết, sợi bánh canh của quán cũng do gia đình chị Tuyết tự làm, bánh canh bột gạo có pha thêm bột lọc nên khi ăn sẽ không bị quá dai, cũng không quá bột.
Quán luôn trong tình trạng "quá tải" dù đã mở thêm một gian nữa, nhiều khách chấp nhận đứng đợi từ 10 - 15 phút để có chỗ ngồi Ảnh: Lưu Trân
Khi tôi hỏi về doanh thu, chị Tuyết hoàn toàn không né tránh hay ngại mà thẳng thắn trả lời: “Quán tôi mỗi ngày bán tầm 600 tô đổ lại. Quán phía trước không đủ chỗ cho khách ngồi nên tôi phải thuê thêm một gian rộng ngay hẻm kế bên để chia bớt lượng khách qua. Khách đến đông vậy, công nhận làm rất mệt, nhưng tôi thấy vui và mãn nguyện lắm. Công sức mình bỏ ra được đền bù xứng đáng và rõ rệt nhất chính là việc khách ghé đến ủng hộ nhiều, lâu dài”.
Quán mở bán từ 2 giờ chiều đến 9 giờ tối mỗi ngày, riêng ngày 15 âm lịch hằng tháng nghỉ bán Ảnh: Lưu Trân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.