Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, số ca mắc Covid-19 mới qua xét nghiệm RT-PCR trong ngày 13.12 tại TP.HCM là 917 ca. Như vậy, tính đến hết ngày 14.12, TP.HCM đang cách ly, chăm sóc và điều trị là 80.186 ca mắc Covid-19, giảm 6.000 ca so với lúc cao điểm nhất. Trong đó, có 12.150 bệnh nhân đang điều trị ở bệnh viện tầng 2, tầng 3, đa phần lựa chọn tự điều trị, cách ly tại nhà do không có triệu chứng nặng.
Vậy, với những gia đình có người nhiễm Covid-19, họ sống chung với F0 như thế nào?
Nhiều người nhiễm Covid-19 chọn cách ly, điều trị tại nhà vì có các triệu chứng nhẹ |
CAO AN BIÊN |
Dù trong nhà vẫn 5K 24/24
Phát hiện có các triệu chứng nhiễm Covid-19, bà Nguyễn Thị Mai (63 tuổi, ngụ P.14, Q.5) lập tức báo với y tế phường để được kiểm tra sức khỏe ngay trong ngày 27.11. Kết quả, bà Mai là F0, các thành viên trong gia đình đều âm tính với Covid-19. Vài ngày sau, chồng bà cũng trở thành F0. Thấy 2 vợ chồng chỉ cảm, sốt thông thường, biểu hiện bệnh nhẹ, bà Mai quyết định cách ly, điều trị tại nhà thay vì đến bệnh viện để chăm sóc y tế.
Nhà rộng rãi, bà Mai và chồng cách ly trong một tầng riêng và được 2 con gái chăm sóc chu đáo. Ngay từ lúc phát hiện bệnh, phường lập tức phát túi thuốc, đưa vợ chồng bà vào một nhóm Zalo điều trị F0 của phường nên ai nấy thấy tinh thần rất thoải mái, không lo lắng hay sợ hãi.
Gia đình bà Mai cách ly tại nhà, mỗi ngày đều vệ sinh sạch sẽ |
CAO AN BIÊN |
Hằng ngày, chị Nguyễn Thảo Nguyên (33 tuổi, con gái bà Mai) đều dậy sớm nấu thức ăn cho ba mẹ, cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên họ sớm vượt qua Covid-19. Dù chị em chị Nguyên không nhiễm bệnh, nhưng “ai ở phòng nấy”, hạn chế tiếp xúc với nhau tuyệt đối và chỉ trò chuyện với nhau qua mạng xã hội.
“Ở nhà, nhưng ai nấy đều tuân thủ 5K tuyệt đối 24/24, không một phút lơ là vì đang sống chung với F0 mà. Thậm chí, gia đình tôi đeo khẩu trang suốt, có ngủ mới dám tháo ra thôi. Nhờ như vậy mà tôi cùng em gái vẫn bình thường, không bị lây bệnh dù sống cùng nhà với ba mẹ”, chị Nguyên nói thêm.
Mỗi ngày, chị tranh thủ dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ nhất có thể. Vì dùng chung một nhà vệ sinh ở tầng trệt nên sau mỗi lần sử dụng thì thành viên nào cũng khử khuẩn tất cả các ngõ ngách, tay nắm để giữ an toàn cho người sau. Chị Mai tâm sự thời gian đầu, sinh hoạt, làm việc khi trong nhà có F0 là hết sức khó khăn vì mọi thứ đều đảo lộn, tuy nhiên dần dà các thành viên đều thích nghi và dần quen.
Nhiều người dân TP.HCM thích nghi với việc "sống chung với F0" |
cao an biên |
“Tôi là giảng viên của một trường đại học ở TP.HCM, mùa này cũng chủ yếu làm việc tại nhà nên công việc không bị ảnh hưởng nhiều, tôi vừa có thể làm việc vừa chăm sóc ba mẹ. Hơn 15 ngày sống chung với F0 khác với tưởng tượng của tôi trước đó, tôi nghĩ sẽ kinh khủng lắm, đường nào cũng có thể bị nhiễm. Nhưng giờ tôi nghĩ chỉ cần 5K tốt là không sao”, chị nêu quan điểm.
Sau 7 ngày điều trị Covid-19 tại nhà, bà Mai mừng nói bà đã test nhanh âm tính, sức khỏe của chồng vẫn rất ổn định. Người phụ nữ hy vọng cả nhà sẽ sớm khỏi bệnh, trở lại với nhịp sống của Sài Gòn.
Covid-19 sáng 15.12: Cả nước 1.443.648 ca nhiễm | Có thể chặn Omicron bằng 3 mũi vắc xin? |
Không “chạnh lòng” vì có láng giềng, chính quyền địa phương
Hơn 7 ngày qua, bà Nguyễn Thị Thu Xuân (62 tuổi, Q.Bình Thạnh) chăm sóc cho chị gái của mình đang là F0 điều trị tại nhà. Thoạt đầu, khi hay tin chị gái nhiễm Covid-19, còn bà thì không, bà có chút lo lắng cho sức khỏe của chị. Vì nhà rộng rãi, đủ điều kiện cách ly cũng như sức khỏe vẫn tốt, chị bà Xuân được cách ly trong một phòng riêng. Bà Xuân chu toàn mọi việc trong nhà cũng như chăm sóc thuốc thang, ăn uống cho chị, quyết tâm cùng chị “chiến đấu với Covid-19”.
“Chị em 5K ngay ở trong nhà, hạn chế tiếp xúc tối đa để không lây chéo nhau. Tôi mà bệnh nữa khi khổ lắm, làm F1 chăm sóc cho chị vậy cũng là đỡ lắm rồi”, bà Xuân nói.
Bà Mai xúc động vì chính quyền địa phương, hàng xóm quan tâm khi "sống chung với F0" |
CAO AN BIÊN |
Suốt thời gian tự cách ly tại nhà chăm sóc cho chị gái, bà xúc động vì mình không cô đơn. Hàng xóm, chính quyền địa phương thường xuyên thăm hỏi, động viên và hỗ trợ nhiệt tình, từ thuốc thang đến đồ ăn thức uống.
“Ban đầu ở nhà có F0, tôi chạnh lòng vì sợ người ta kỳ thị. Nhưng giờ khác rồi, mọi chuyện không như tưởng tượng. Có sự động viên của mọi người, sức khỏe của chị cũng dần tốt nên chị em tôi thấy thoải mái vô cùng, mong cho sớm hết bệnh để được ra ngoài”, bà hy vọng.
Bà Trần Thị Ngọc Huệ (Trưởng KP3, P.12, Q.Bình Thạnh) tâm sự các ca nhiễm Covid-19 ở khu phố khi điều trị tại nhà đều được chính quyền địa phương theo dõi sát sao và hỗ trợ nhiệt tình. Bà cũng cho biết thời điểm này, hàng xóm của các F0 đều rất thông cảm và giúp đỡ, không kỳ thị hay sợ hãi.
Thân nhân người nhiễm Covid-19 vừa phải chăm sóc người thân, vừa giữ mình không bị nhiễm Covid-19 |
cao an biên |
“Không chỉ F0 mà những người sống cùng F0 cũng cần phải được quan tâm và hỗ trợ. Chúng tôi có lập nhóm trên mạng xã hội để hỏi thăm tình trạng F0 và gia đình, hướng dẫn người dân cách ly tại nhà với F0 sao cho an toàn. Họ cần hỗ trợ gì cứ nhắn lên group là chính quyền sẽ có mặt”, bà Huệ nói thêm.
Trong khi đó, ông P.Đ.Vũ (47 tuổi, TP.Thủ Đức) cũng vừa chăm sóc vợ vượt qua Covid-19. Ông tâm sự ban đầu ông cứ nghĩ chỉ cần sống cùng F0 là sẽ bị nhiễm, nhưng nhờ thực hiện đúng hướng dẫn của y tế phường đã giúp ông tránh được Covid-19 và chăm sóc tốt cho vợ.
“Dưới quê gọi lên hỏi vợ tôi F0, sao tôi không bị. Tôi cũng ngạc nhiên vì trước đó cũng chuẩn bị sẵn tâm lý! Nhưng tôi nghĩ vì mình tiêm đủ liều vắc xin, sức khỏe tốt, thực hiện 5K ngay cả khi chăm sóc F0 nên Covid-19 không tấn công được”, ông bày tỏ.
Bình luận (0)