Núi Đại Bình, H.Bảo Lâm, Lâm Đồng không quá xa H.Bảo Lộc - vùng đất cao nguyên quá nổi tiếng với trà, cà phê và khí hậu mát lạnh mỗi khi tối về hoặc sáng sớm. Nhưng, không phải ai cũng biết ngọn núi này có những điều gì đặc biệt đang đợi chờ. Chúng tôi đi xe Thành Bưởi, tới trạm Bảo Lộc thì xe trung chuyển chở tới tận chân núi. Mỗi người một chiếc ba lô cho chuyến đi bộ vượt rừng (trekking)
lên Đại Bình săn mây, ngắm hoa và sống chậm, rời xa thành phố ồn ào, xô bồ.
Con đường dẫn lên núi dài khoảng 2,5 km, càng lên cao càng nhỏ hẹp, dốc, nhiều đoạn dốc gần 20% khiến người leo núi phải chuẩn bị kỹ thể lực và những trang phục như giày, áo, nón phù hợp. Sau cơn mưa lớn đêm qua, đường đất bị cuốn trôi xuống nhiều mảng, khiến dốc càng trơn trượt hơn. Nhiều người thở dốc, đứng nghỉ mệt vội gọi cho người chở hành lý và khách xuống “cứu bồ” để chở nốt lên tới đỉnh. Anh Thảo, người đồng hành với chúng tôi trong hành trình đi rừng và chở hành lý cồng kềnh lên núi kể: “Xe máy ở đây phải “độ” thêm mới đi được. Đi nhiều là quen. Tôi chạy xe phăm phăm. Vợ tôi, hai đứa con tôi, 25 và 18 tuổi đều chạy xe máy chẳng ngán gì”.
Nơi ngủ lều rất "chill" của chúng tôi
|
Sáng sớm, khói bếp tỏa trên mái gỗ
|
Khung cảnh bình yên buổi sớm
|
Con đường lên núi Đại Bình xanh xanh những cây trà, cà phê
|
Nhưng hành trình gập ghềnh nào cũng cho người trong cuộc nhiều trải nghiệm đáng giá. Dù dốc trơn trượt nhiều lần xém ngã nếu không có cây gậy lấy ở bên đường chống theo. Không khí trong lành, hít thở căng tràn vào là mùi đất, mùi cỏ cây, mùi gió. Hai bên đường xanh mướt cây cà phê, trà. Những vạt hoa dại hoang hoải trong nắng chiều. Xen giữa bạt ngàn trà và cà phê, lấp ló một mái nhà nhỏ xinh. Nhẩn nha trong nắng chiều, chúng tôi dần bước tới lưng chừng núi. Thấp thoáng một gian nhà tre. Mùi khói. Cơm chiều đã tới rồi.
Những con chó nhỏ thấy tiếng xe máy của anh Thảo từ xa đã chạy lại đón, quẫy đuôi rối rít. Con chạy trước, con đi sau hít hít cái mũi vào gấu quần người khách, để phân biệt khách tới nghỉ ở nhà tre hay người đi làm vườn. “Nếu là khách từ thành phố
đi leo núi, nó không cắn đâu. Nó mừng và quấn quýt lắm. Người đi làm rẫy mà vào đây là nó cắn ống quần lôi ra cửa”, anh Thảo cười.
Ta cứ đi tìm hạnh phúc, nhưng rồi nó ở ngay đây
Núi Đại Bình hấp dẫn hơn với những người từ thành phố muốn đi “trốn”, ở ẩn, để sống chậm giữa thiên nhiên như chúng tôi là thế. Nó có những mái nhà tre trúc và không gian để người leo núi được cắm trại qua đêm nằm ở gần đỉnh núi. Nó có muôn sắc hoa bình dị. Nó có gian bếp ấm cúng và người dân địa phương nồng nhiệt.
Với người đi
du lịch trải nghiệm, yêu thích
thể thao, nếu ban ngày khám phá bản thân qua những chặng trekking mệt nhoài, còn gì vui thích hơn là buổi chiều về được tắm nước nóng từ bình nắng lượng mặt trời, ăn một bữa cơm nóng hổi được nấu từ người bản địa, thưởng thức ly cà phê thơm phưng phức giữa sương giăng mờ của núi và dựng lều cắm trại ngủ giữa những vạt hoa mua tím ngát?
Sắc hoa cẩm tú cầu trên núi
|
Sương ùa vào lều lúc sáng sớm
|
Anh Thảo đi chặt một buồng chuối chín cây mang về
|
Nơi uống cà phê sáng thú vị
|
Sống chậm lại giữa thiên nhiên
|
Vợ chồng chị Ka Ngôl (thường được gọi là chị Mun) và anh Não Ngọc Thảo, cùng 44 tuổi, người dân tộc Châu Mạ giúp chúng tôi chuẩn bị bữa tối nóng sốt với cháo cá, gà nướng, thịt ba rọi heo hướng, thịt má heo nướng, rau củ quả luộc chấm nước sốt trứng, cơm trắng bốc khói nghi ngút. Bữa sáng hôm sau có bún măng vịt. Trưa sau nữa lại có rau rừng xào, cá chiên, sa lát với đủ loại rau tươi ngon và thịt chiên. Ai cũng ăn uống no nê, chuyện trò rôm rả.
Gian bếp của khu cắm trại được ghép bằng đủ thứ gỗ tre mộc mạc, giản dị luôn đỏ lửa. Một buồng chuối hương đã chín rục, nhiều trái khô lại được treo gần bếp. Kế đó anh Thảo mới đốn thêm một buồng chuối mới chín cây, trái nào trái nấy mũm mĩm, căng tròn. Những chú chó, mèo chạy lăng xăng.
Những bữa ăn đầy màu sắc giữa núi rừng
|
Biển mây ở đỉnh núi vào sáng sớm
|
Thành phố hiện đại lùi về sau lưng, không còn bụi xe, tiếng ồn, không còn hối hả lo tắc đường, đón con, đi làm, trễ học, chúng tôi pha những ly cà phê thơm, kê chiếc bàn gỗ giữa vườn hoa, mang đàn ghi ta để cùng hát lên giữa núi. Để rồi sáng tinh sương hôm sau, lại leo dốc trên đường mòn, để đi săn mây, ngắm mặt trời mọc, hứng mặt trời trong lòng bàn tay và ngỡ ngàng vì mình chinh phục được đỉnh Đại Bình.
Sống chậm bằng cách lên núi, săn mây, ngắm hoa, chúng tôi tìm về sự tĩnh lặng và rồi sốc bởi cảm giác hạnh phúc mình đang có. Không chỉ vì cơm ngon. Không chỉ vì cảnh đẹp. Không chỉ vì đôi tay tài hoa của chị Mun, anh Thảo, mà bởi ở giữa núi rừng, có sự bao la của đất trời, khi người ta đã vượt đường rừng để lên cao 1.000 m so với mặt nước biển, người ta càng trân quý những điều bình dị mà mình đang có...
Bình luận (0)