Người thầy giàu lòng nhân ái của làng hoa

Nguyễn Hữu Nhân
Đồng Tháp
29/05/2024 09:00 GMT+7

Năm 1973, gia đình tôi có thêm một người khách. Mỗi chiều, vị khách này đến chơi, uống trà, nói chuyện cùng ba tôi, xin được tắm giặt nhờ rồi về. Thi thoảng ở lại dùng cơm.

Ông chính là thầy Nguyễn Văn Mốt, quê huyện Lai Vung, Đồng Tháp, kém hơn ba vài tuổi. Ba kể, ba đã có thời gian dạy học ở quê thầy. Lúc nhỏ, cảnh nhà thầy thiếu thốn, lại có đến 8 anh chị em, nên khi lên Sài Gòn học sư phạm rồi đi dạy, phải nương tựa nhà chùa, giống ba…

Thầy Mốt tại Bếp ăn tình thương Bệnh viện Sa Đéc

Thầy Mốt tại Bếp ăn tình thương Bệnh viện Sa Đéc

TGCC

Trong những buổi tâm tình ấy, người thầy đó hay nói đến tâm nguyện giúp đỡ cho những người nghèo có bữa cơm ấm lòng, có thuốc uống lúc ốm đau, học sinh nghèo không phải bỏ học. Tôi ngạc nhiên lắm.

Ngày đất nước thống nhất, thầy tham gia Ban khởi nghĩa tiếp quản tỉnh Sa Đéc, làm công tác mặt trận rồi về Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị của tỉnh Đồng Tháp. Thầy càng có điều kiện thực hiện tâm nguyện của cuộc đời. Năm 1990, thầy vận động thành lập Trung tâm Dạy nghề cho phụ nữ nghèo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Năm 1991, thầy tham gia hình thành nhà tình thương lo ăn học cho hàng trăm trẻ có hoàn cảnh khó khăn từ các huyện thị trong tỉnh. Năm 1993, thầy góp công sức để thành lập Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật, cùng chăm sóc, giáo dục hòa nhập cho trẻ trong và ngoài địa phương.

Thầy chia sẻ, trong một lần đến thăm người quen ở Bệnh viện Sa Đéc, thầy nhói lòng vì thấy nhiều gia đình do thiếu hụt tiền bạc, khi đến đây để chăm lo cho người nhà đang điều trị phải "dựng" bếp lửa nấu ăn tạm ở các góc tường khuất hành lang chứ không đủ tiền đăng ký cơm ở căn tin được. Việc làm này của bà con thiếu vệ sinh, không an toàn, dễ gây cháy nổ lại gây phân tâm cho người bệnh và người nuôi bệnh. Thầy Mốt nảy sinh sáng kiến xây dựng Bếp ăn tình thương để giúp người bệnh qua cơn khó khăn. Thầy kiên trì tham mưu với Mặt trận Tổ quốc các cấp với niềm tin sẽ thực hiện được vì đã có nguồn lực và nhân sự rồi.

Hoạt động dựa vào sức dân, rõ ràng, hiệu quả, chắc chắn được ủng hộ. Ngày 24.7.1992, bếp ăn từ thiện Bệnh viện Sa Đéc đi vào hoạt động. Buổi đầu, bếp cung cấp cơm cháo, nước sôi… Thầy cùng nhiều đồng nghiệp trực tiếp đến hỗ trợ bếp ăn và tiếp nhận đóng góp của các nhà hảo tâm, minh bạch, công khai, tôn trọng pháp luật. Năm 2023, bếp ăn đã phục vụ hơn 211.000 suất cháo trắng, hơn 730.000 suất cơm, hơn 400.000 lít nước, hơn 20.200 kg gạo, hiến 312 đơn vị máu… (theo báo cáo tại hội nghị tổng kết Bếp ăn tình thương Bệnh viện Sa Đéc 2023).

Thầy tâm tình: "Làm việc thiện tôi thấy có nhiều niềm vui. Không gì bằng chia sẻ khổ đau với người hoạn nạn".

Năm 2000 thầy nghỉ hưu, bước vào những hoạt động mới. Năm 2006, thầy đề xuất xây dựng Nhà hỏa táng từ thiện và mô hình Thọ từ thiện để bà con khó khăn giải quyết việc hậu sự cho người thân. Thầy được cử làm Phó ban điều hành Nhà hỏa táng Sa Đéc – nơi giúp giảm áp lực về quỹ đất và vấn đề môi trường cho chính quyền.

Thầy Mốt thường nói: "Nghĩa tử là nghĩa tận. Công trình từ thiện này luôn hướng đến cộng đồng, không có phân biệt gì".

Suất cơm trưa cho học sinh vượt khó đến trường

Suất cơm trưa cho học sinh vượt khó đến trường

TGCC

Nghỉ hưu, Thầy Mốt được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP.Sa Đéc. Thầy trích một phần lương hưu giúp các em học sinh có bữa ăn trong thời gian thi tuyển. Khi ngành giáo dục thực hiện việc học 2 buổi/ngày, nhiều học sinh nhà xa, thiếu thốn phải ăn xôi, bánh mì thay cơm. Biết chuyện, thầy Mốt đến UBND thành phố trình bày ý tưởng lập "Bếp ăn khuyến học, tiếp sức học sinh nghèo vượt khó đến trường". Chính quyền đồng ý, bếp ăn ra đời, bà con ủng hộ, học sinh ấm lòng.

Bí thư Tỉnh ủy lúc bấy giờ là ông Lê Minh Hoan (nay là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trong một lần đi chúc tết, đã biếu bếp ăn 10 triệu đồng và một nghìn cuốn vở cùng lời đề tặng "Một trái tim vàng thổi bùng tri thức/Một bếp lửa hồng, hun đúc tương lai". Một tủ sách khuyến học cũng được thành hình nơi đây giúp các em học sinh thuận lợi trong học tập. Không ít học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Đình Chiểu, THPT Sa Đéc, Nguyễn Du được hỗ trợ những bữa ăn trưa tại đây trong một thời gian dài...

Không quên những người yếu thế tại địa phương, thầy Mốt cùng các đồng nghiệp là giáo viên hưu trí sáng lập nên "Bếp ăn dành cho người bán vé số". Bếp hoạt động từ thứ hai đến thứ bảy. Mỗi người bán vé số đăng ký với đại lý mình nhận vé bán hằng ngày để được tặng một thẻ ăn cơm trưa mà bà con gọi vui là thẻ "AT… ăn". Chưa phải là quá ngon nhưng những bữa cơm như thế đã làm giảm đi chi phí hằng ngày cho nhiều người và tạo tình cảm quan tâm trong cộng đồng. Nhiều người lớn tuổi đã không giấu được sự biết ơn đối với thầy Mốt và cộng sự. Anh Lê Tấn Đạt (ngụ P.2, TP.Sa Đéc, 56 tuổi) đã bán vé số hàng chục năm qua nói: "Tôi được ăn cơm miễn phí tại bếp ăn này từ lúc bếp hoạt động ngày đầu đến nay là 7 năm. Gần như bữa cơm nào cũng có thịt cá. Giá thành mỗi phần cơm ban đầu khoảng 12.000 đồng, bây giờ tầm 20.000 đồng. Ngày nào, anh chị em bán vé số như tôi và các em học sinh khó khăn đến ăn cơm - khoảng 50 người. Tình nguyện viên phục vụ vui vẻ lắm, có thể ăn tại chỗ hay mang về cũng được".

Người thầy giàu lòng nhân ái của làng hoa- Ảnh 3.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Tháp trao tặng bằng khen cho thầy Nguyễn Văn Mốt

TGCC

Tin tưởng và được thuyết phục bằng việc làm không vụ lợi, chăm lo cho người khó khăn thiếu thốn, nên đã có những nhà hảo tâm cho mượn cơ sở vật chất để làm bếp ăn hỗ trợ người nghèo, học sinh khó khăn. Đặc biệt có người tặng thửa đất diện tích tầm 70m2 (như ông Huỳnh Tấn Lợi ở P.2, TP.Sa Đéc) để làm nhà trọ học cho học sinh ở xa và ghi chú rõ trong trường hợp Hội Cựu giáo chức không có điều kiện xây dựng, quản lý nhà trọ, hội có thể bán đất, nhập vào quỹ chung chăm lo cho cựu giáo chức và học sinh nghèo.

Thầy bày tỏ tâm tư của mình: "Con cháu thấy tôi tuổi cao, khuyên tôi nghỉ ngơi, đóng góp cho xã hội như thế là quý lắm rồi. Nhưng tôi nghĩ khác, ai cũng chỉ có một cuộc đời, tôi tận tâm tận lực cho đến khi nào hết sức mới thôi. Ai rồi cũng phải chết nhưng chết đi phải để lại điều có ích cho xã hội, cho cuộc đòi. Con cháu nhìn vào tấm gương của mình mà sống tốt hơn. Tôi nghĩ vậy nên làm hoài không biết mệt".

Gần đây, sức khỏe có giảm sút, thầy không thể cùng chiếc xe thân yêu rong ruổi khắp nơi như trước. Nhưng ở thầy nhiệt huyết vẫn còn, mối quan tâm, thương cảm đối với những người yêu thế, những học sinh gia đình khó khăn vẫn như ngày nào. Và cộng đồng vẫn tiếp tục ủng hộ hoạt động thiện nguyện của thầy như ngày đầu. Thầy đã làm đúng những gì đã nói với ba tôi 50 năm trước. Thầy Nguyễn Văn Mốt xứng danh là người thầy giàu lòng nhân ái của làng hoa Sa Đéc.

Người thầy giàu lòng nhân ái của làng hoa- Ảnh 4.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.