Vì Nhà Bè là một huyện vùng ven và đường sá chưa được đầu tư xây dựng tốt như các quận, huyện nội thành nên từ khi sinh ra và lớn lên, cô Phương đã gắn bó với những con đường quê gồ ghề, nhấp nhô đá sỏi với những bến đò nhỏ ở những nơi có các nhánh sông chảy ngang.
Đến tuổi đi học, quãng đường đến trường của cô xa và vất vả. Cô đạp xe đạp đi về và nhiều đoạn qua sông, rạch thì phải đi bằng ghe, bằng đò. Từ cấp 1 lên cấp 3 và thậm chí tới khi cô học ĐH Sư phạm TP.HCM thì quãng đường đến trường vẫn vậy, chỉ có bớt đi đôi chút ổ voi, ổ gà, đường sá được xây mới và rải bê tông nhiều hơn, đây đó đã có những cây cầu được xây để thay cho những bến đò ngang ngày nào.
Nhận thấy hết những thiệt thòi của những đứa học trò vùng sâu vùng xa, cô Phương càng quyết tâm học tập vì cô biết chỉ có con đường học vấn mới có thể giúp mình đổi đời, từ đó mới có thể giúp đỡ người khác. Cứ vậy, ngày ngày, cô Phương vẫn đi đi về về trong ước mơ và quyết tâm học cái chữ để có thể thay đổi cuộc sống cho mình và gia đình, từ đó mới có thể tìm cách giúp đỡ cho những mảnh đời khó khăn xung quanh.
Tốt nghiệp ĐH Sư phạm TP.HCM, cô Phương về công tác ở một trường cấp 3 ở quê hương. Đồng lương ít ỏi của nhà giáo đã không thể cáng đáng được với những áp lực của cuộc sống và nặng gánh gia đình. Được 3 năm, cô Phương phải gạt nước mắt xin nghỉ việc để đi làm công nhân ở nhà máy may tại Khu chế xuất Tân Thuận nhằm có thu nhập tốt hơn để phụ giúp gia đình.
Trực tiếp tham gia làm việc cùng với rất nhiều đồng nghiệp đến từ các tỉnh miền Tây, cô Phương được nghe những câu chuyện về sự khó khăn, thiếu thốn của cuộc sống, sự lam lũ của những mảnh đời và sự vất vả trong giao thông đi lại ở miền đất phương Nam thân thương ấy. Trái tim yêu thương và giàu tình cảm của cô cứ rộn ràng và đầy xúc cảm khi nghe những chia sẻ rất đỗi thân tình ấy. Ước mơ và mong muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa cho những vùng đất xa xôi còn nhiều thiếu thốn luôn thường trực trong lòng cô, thôi thúc cô Phương ngày ngày.
Nhờ tinh thần ham học hỏi ngoại ngữ và chăm chỉ làm việc, cô Phương đã nhận được sự yêu quý và tin tưởng từ chuyên gia nước ngoài tại xí nghiệp, được truyền thụ các kinh nghiệm về may mặc, kinh doanh các sản phẩm đồ lót, từ cao cấp để xuất khẩu đến hàng nội địa bình thường. Vừa làm vừa mày mò học hỏi, mấy năm sau, cô xin nghỉ việc và đứng ra thành lập công ty riêng, chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm đồ lót chất lượng cao để xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản – Công ty Lovely, có trụ sở và nhà xưởng sản xuất ở Nhà Bè. Cô tiến hành thu nhận công nhân; đứng ra lo tìm các đơn hàng; thuê lực lượng thiết kế giàu kinh nghiệm để cải tiến mẫu mã cũng như chất lượng sản phẩm. Cô cũng rất chú ý đến phúc lợi xã hội và các chế độ dành cho người lao động của công ty mình như lương, thưởng, ngày nghỉ… Ai làm việc với cô đều có sự hài lòng với đãi ngộ của công ty cũng như thu nhập cá nhân. Nhìn những nụ cười của các công nhân khi vui vẻ làm việc trong xưởng hay khi tan ca làm, cô như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục lèo lái và phát triển công ty ngày một lớn mạnh hơn.
Nhờ cần cù, chịu khó và nghiêm túc trong công việc, sau hơn 1 năm thành lập, Công ty Lovely đã xây dựng được vị trí nhất định trong ngành sản xuất và xuất khẩu đồ lót. Công ty đã chinh phục được một thị trường khó khăn như Nhật Bản, đơn hàng ngày một nhiều với lợi nhuận ngày một tăng. Lúc này, cô Phương quyết tâm phát triển thêm thị trường nội địa bằng cách thành lập thêm Công ty Huy Bảo. Nhờ có kinh nghiệm từ trước với Lovely nên cô Phương đã nhanh chóng vận hành trơn tru và tìm được thị trường bền vững cho công ty con sinh sau đẻ muộn này. Cô không chỉ phụ giúp được cho kinh tế gia đình mà cô đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động với chế độ thỏa đáng, thu nhập tốt, đều đặn hằng tháng.
"Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình"
Đến lúc này, khi kinh doanh đã đi vào guồng, gia đình và thu nhập cá nhân đã ổn, cô Phương bắt đầu bắt tay vào thực hiện tâm nguyện giúp đỡ những mảnh đời khó khăn xung quanh của mình. Từ 2014, cô đã trích từ thu nhập của mình để hằng tháng đi làm thiện nguyện ở các tỉnh miền Tây. Cô kêu gọi mọi người tham gia những chuyến đi xây cầu giao thông nông thôn; hô hào mọi người cùng đi mua sắm rồi phân chia các phần quà cho các chuyến thiện nguyện về các tỉnh còn nhiều khó khăn. Cô động viên và kêu gọi mọi người tham gia, đóng góp sức lực của mình cho những chuyến đi từ thiện đó, nhưng kinh phí để thực hiện thì hoàn toàn là mình cô đứng ra chi trả, không để cho ai phải đóng góp thêm. Cô ra của, lo phương tiện đi lại và mọi người ra công, góp sức, hàng ngàn những chuyến đi thiện nguyện rất vui và ý nghĩa đã ra đời từ đó.
Tính đến nay, nhóm thiện nguyện do cô Phương đứng đầu đã xây dựng được 15 cây cầu, 50 căn nhà tình nghĩa cho bà con nghèo vùng sâu vùng xa thuộc các tỉnh như Cà Mau, Hậu Giang, Trà Vinh, An Giang, Sóc Trăng. Giữa năm 2024, nhóm sẽ tiến hành đi khảo sát để xây thêm cầu ở Đồng Tháp. Cô ưu tiên cho việc xây cầu vì không muốn có trẻ em nào phải vất vả và nguy hiểm để đến trường trên những chuyến đò ngang chòng chành và tạm bợ như mình ngày xưa nữa.
Hằng năm, vào dịp tết, cô và nhóm từ thiện đều về các vùng quê nghèo ở miền Tây để tặng quà. Mỗi phần quà có đủ các nhu yếu phẩm với trị giá 500.000 đồng. Trong mỗi chuyến đi đó, cô Phương còn mua số lượng lớn dược phẩm, vận động thêm một đoàn bác sĩ đa khoa và điều dưỡng đi theo (cô trả tiền công đầy đủ) để tiến hành khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí. Ngoài ra, mỗi bà con khó khăn đến thăm khám (theo danh sách địa phương lập từ trước) còn được tặng kèm phong bì "lì xì" 200.000 đồng.
Thấy Nhà Bè quê mình vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn vì kinh tế địa phương chưa phát triển như các quận, huyện khác, cô Phương đứng ra thành lập một phòng khám từ thiện tại đây để tất cả bà con khó khăn đều có thể đến thăm khám, lấy thuốc miễn phí. Cô lại còn chu đáo tặng thêm 5kg gạo cho bà con khi ra về. Cô làm tất cả mọi việc chỉ để không còn ai phải rơi vào hoàn cảnh không được khám chữa bệnh, không được điều trị và đói kém vì nghèo khó.
Năm 2024, khi miền Tây rơi vào hạn hán và xâm nhập mặn, cao điểm là tháng 4, tháng 5, cô Phương đã tổ chức những chuyến xe tiếp nước ngọt cho bà con. Tuần cuối tháng 4 vừa qua, 2 xe bồn chứa 30 khối nước mỗi xe đã đi đến Tiền Giang để tiếp nước. Đoàn đã phải tranh thủ đi từ khuya, ai ai cũng mệt vì thiếu ngủ, nhưng nhìn những nụ cười lấp lánh trong ánh nước sóng sánh được bơm vào các xô, thùng, mọi vất vả như bay đi đâu hết. Cô Phương và các thành viên trong đoàn như được tiếp thêm sức lực để có thể có thêm nhiều chuyến xe nước 0 đồng này về với bà con.
Trong cuộc sống bộn bề và quay cuồng ngày nay, khi mà mọi giá trị đều đa phần bị quy ra lợi ích vật chất, tấm lòng lương thiện và giàu nhân ái, biết cảm thông và chia sẻ với những mảnh đời yếm thế của cô Phương thật đáng trân trọng và nên được lan tỏa rộng rãi cho nhiều người biết để có thể chung tay góp sức cùng cô làm việc thiện. Đúng là một tấm lòng vàng của nàng giám đốc gốc nông dân Phạm Thị Ngọc Phương.
Bình luận (0)