Người tiêu dùng sẽ không được giảm 50% thuế giá trị gia tăng

Anh Vũ
Anh Vũ
04/05/2020 14:55 GMT+7

Với lý do sắc thuế này “đánh” trực tiếp vào người tiêu dùng , các bộ, ngành đã bỏ đề xuất giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng .

Trước đó, góp ý cho dự thảo Nghị quyết tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp bởi tác động của dịch Covid-19, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho rằng, doanh nghiệp hiện nay đang rất cần vốn lưu động để duy trì sản xuất, kinh doanh. Việc phải đóng 10% thuế giá trị gia tăng (GTGT) và phải đợi đến cuối năm mới được hoàn trả sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, cũng khó để thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng đối với sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung ứng.
Vì vậy, Ban IV và các hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị giảm thuế suất GTGT từ 10% xuống 5% để giảm chi phí cho người tiêu dùng, nhằm kích cầu cho các ngành trong và ngay sau dịch.
Tuy nhiên, dự thảo mới nhất nghị quyết về các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 do Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng đã không đưa đề xuất này vào. Lý do, theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, khi lấy ý kiến, Bộ Tài chính đánh giá thuế GTGT là thuế gián thu - người tiêu dùng phải trả thuế, chứ không phải doanh nghiệp.
“Đối với doanh nghiệp, toàn bộ thuế GTGT đầu vào được khấu trừ với thuế GTGT đầu ra khi xác định số thuế phải nộp, nên không ảnh hưởng đến chi phí”, Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Giảm thuế giá trị gia tăng sẽ gián tiếp giúp doanh nghiệp hồi phục

Ảnh Ngọc Thắng

Bên cạnh đó, vẫn theo Bộ Tài chính, đề xuất hoàn thuế GTGT trong năm 2020 cho một số ngành nghề bị ảnh hưởng như hàng không, du lịch cũng không phù hợp với quy định của luật Thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt…
Quan điểm này của Bộ Tài chính cũng như Bộ Kế hoạch - Đầu tư không nhận được sự đồng tình của dư luận.
Theo các chuyên gia, thuế GTGT “đánh” trực tiếp vào túi tiền của người tiêu dùng. Cụ thể, khi mua sắm một sản phẩm, dịch vụ hàng hoá, khách hàng phải trả 10% thuế suất, nếu giảm 5% sẽ có tác dụng kéo giá cả hàng hoá, dịch vụ giảm theo. Từ đó, có thể kích cầu mua sắm nội địa, giúp doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho, hồi phục và phát triển trở lại sau dịch.
Việc này đặc biệt có ý nghĩa khi mà người tiêu dùng đang bị giảm thu nhập, thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, và nhất là trong bối cảnh xuất khẩu hàng hoá gặp khó khăn do Việt Nam đang phải đóng cửa biên giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.