Tiến sĩ văn hóa Trần Long (giảng viên khoa Văn hóa học, trường ĐH KHXH & NV, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết xông đất đầu năm là phong tục của cha ông ta từ lâu đời. Người Việt xưa tin rằng xông đất đầu năm ảnh hưởng đến vận mệnh của gia chủ trong suốt một năm, có ý nghĩa quan trọng như vậy nên rất thận trọng trong chọn người xông đất đầu năm.
Cứ sát Tết, người ta lại tìm trong họ hàng, làng xóm hoặc danh sách bạn bè xem có ai hiền lành, cuộc sống suôn sẻ, đặc biệt là hợp tuổi để nhờ xông đất.
Thời gian xông đất tốt nhất là ngay sau giao thừa hoặc buổi sáng sớm ngày mùng Một Tết. Thông thường, người được nhờ đến xông đất sẽ ăn mặc gọn gàng, chỉn chu, mang theo một chút quà nhỏ hoặc một phong bao đỏ lì xì để mang tới trao cho gia chủ.
|
Ngoài ra, người tới xông đất cũng thường nói những câu lời hay ý đẹp để chúc mừng gia chủ năm mới làm ăn phát tài, vạn sự như ý. Đặc biệt, những người có tang hay gia đình đang lục đục, có chuyện buồn thì không đến nhà người khác xông đất trong ngày Tết.
Ý nghĩa xông đất ngày Tết
Có thể nhờ người bên ngoài hoặc nhờ chính người thân trong gia đình xông đất. Việc chọn người xông đất thể hiện khát vọng của gia chủ về năm mới mọi việc may mắn, an khang thịnh vượng.
Một sư thầy tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết tục xông đất thể hiện mong muốn hướng tới những điều tốt lành của người dân Việt. Có một số gia đình đến sáng mùng Một là đóng chặt cửa, đợi đúng người mình nhờ xông đất đến thì mới mở cửa để tránh những điều phiền phức trong năm.
Chính vì quan niệm đó, sáng mồng Một Tết, người ta thường kiêng đi chúc Tết sớm mà dành thời gian để đi chùa, vì sợ xông đất lỡ mang lại điềm gỡ cho gia chủ thì bị quở trách. Người lớn thường dạy trẻ con nên ở nhà vào sáng mồng Một hoặc chơi ngoài đường chứ không vào nhà ai chơi kẻo làm ảnh hưởng đến vận may của gia đình đó.
Ngày nay, nhiều người không còn mang nặng quan niệm người xông đất quyết định vận mệnh cả năm như thời xưa.
Người xưa lì xì thế nào?
Theo một chuyên gia văn hóa, tục lì xì có nguồn gốc từ Trung Hoa. Ông bà, cha mẹ lì xì cho con cháu để chúc mừng tuổi mới, mừng mọi điều tốt lành trong năm mới. Trong phong bao lì xì, có khi chỉ là tờ giấy đỏ kèm những câu chúc.
|
Tuy nhiên, dần dần theo thời gian những tờ giấy đỏ kèm câu chúc được thay bằng những tờ tiền may mắn. Không chỉ vậy, mang ý nghĩa chúc sức khỏe, bình an, con cháu cũng mừng tuổi, lì xì ông bà, cha mẹ bằng những phong bao đỏ như vậy.
Có người cho rằng lì xì là phiên âm của từ “lợi thị” trong tiếng Trung, nghĩa là được lợi, được tiền và may mắn. Do vậy, người Trung Quốc tin rằng tiền lì xì là tiền đem lại may mắn, những điều an lành, tốt đẹp cho trẻ em dịp đầu xuân mới.
Ngày trước, lì xì ở Trung Quốc vốn là vòng xâu đỏ gồm 100 cắc tiền đồng, biểu hiện cho lời chúc sống lâu trăm tuổi.
Bên cạnh đó, cũng có câu chuyện được truyền miệng với nhau rằng, ngày trước đêm giao thừa, yêu quỷ xuất hiện xoa đầu những đứa trẻ đang ngủ làm chúng bị giật mình, sợ hãi, sốt cao. Vì thế, trong thời khắc chuyển giao sang năm mới, cha mẹ phải thức để canh con mình khỏi cái xoa đầu của yêu quỷ.
Và vào đêm giao thừa, vợ chồng già hiếm muộn ngoài 50 tuổi mới có một cậu con trai nên rất lo sợ, đúng lúc đó có 8 vị tiên đi qua thấy thương cậu bé nên đã hóa thành 8 đồng tiền vàng. Vợ chồng già bỏ 8 đồng tiền vào tờ giấy đỏ đặt dưới gối của con. Nửa đêm, yêu quỷ đến định xoa đầu cậu bé thì 8 đồng tiền vàng lóe sáng khiến chúng sợ hãi bỏ chạy.
|
Câu chuyện trên được vợ chồng già kể với nhiều người trong làng nên dần dần ngày Tết ai cũng lì xì cho con nhỏ với mong muốn năm mới bình an.
Số tiền trong mỗi phong bao lì xì mang ý nghĩa tượng trưng cho điều may mắn. Nhưng hiện nay, việc lì xì đang bị bóp méo ít nhiều khi người ta đặt nặng giá trị vật chất của các phong bao này, xem đó là một dịp để thăm hỏi, biếu xén củng cố cho các mối quan hệ.
Bình luận (0)