Theo số liệu điều tra mới nhất trong năm 2019 do Viện Dinh dưỡng quốc gia công bố, tình trạng thừa cân béo phì lứa tuổi học đường đang ở mức báo động với 29% học sinh thừa cân béo phì.
Đây là con số có được từ kết quả điều tra nghiên cứu trên 5.000 học sinh tại 75 trường tiểu học, THCS, THPT thuộc 25 xã, phường tại các tỉnh, thành do Viện thực hiện trong năm học 2017 - 2018. Tỷ lệ này lên đến 49% tại khu vực thành thị.
Với người trưởng thành từ 18 - 69 tuổi, theo kết quả tổng điều tra các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế tiến hành năm 2015, có đến 57,2% ăn ít rau/trái cây; 28,1% thiếu hoạt động thể lực; mức tiêu thụ muối cao gần gấp 2 lần mức khuyến nghị.
Bộ Y tế cho biết, dinh dưỡng không hợp lý, lười vận động làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm (đái tháo đường, béo phì, ung thư, gout...).
Để kiểm soát nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm, mỗi người cần chú trọng tăng lượng tiêu thụ rau xanh, trái cây; ăn giảm mặn (không nên quá 5 gr muối/người/ngày, tương đương với 8 gr bột canh, hoặc 25 ml nước mắm, hoặc 35 ml xì dầu). Cần duy trì 150 phút hoạt động thể lực cường độ trung bình mỗi tuần hoặc tương đương.
Bình luận (0)