Nguy cơ mắc bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn

Liên Châu
Liên Châu
03/09/2024 08:06 GMT+7

Phế cầu khuẩn là nguyên nhân thường gặp gây ra các bệnh viêm phổi cộng đồng, đồng thời là nguyên nhân gây ra tỷ lệ các ca nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới và tử vong cao nhất.

1,6 triệu người chết mỗi năm do bệnh phế cầu khuẩn

Hội nghị khoa học về gánh nặng bệnh tật của phế cầu được Hội Y học dự phòng VN tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Nguy cơ mắc bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn- Ảnh 1.

Nguy cơ mắc bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn- Ảnh 2.

Viêm phổi có đặc điểm chung là xuất hiện bóng mờ phế nang và đông đặc phổi hoặc mô kẽ trên hình ảnh chụp X-quang

ẢNH: TƯ LIỆU HỘI HÔ HẤP VN

Theo Hội Y học dự phòng VN, phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) là nguyên nhân thường gặp gây ra các bệnh viêm phổi mắc phải ở cộng đồng (Community-Acquired Pneumonia, CAP), viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm tủy xương, viêm khớp nhiễm trùng và nhiễm khuẩn huyết trên toàn thế giới. Người lớn tuổi, trẻ em và người suy giảm miễn dịch dễ mắc các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra. Ngoài ra, người lớn tuổi thường mắc các bệnh mạn tính, như đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Chronic Obstructive Pulmonary Disease, COPD) và bệnh tim mạn tính, càng có nguy cơ mắc thêm bệnh phế cầu khuẩn.

Theo nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật toàn cầu, năm 2021, thế giới có khoảng 344 triệu ca nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới và 2,18 triệu ca tử vong do tình trạng này. Trong đó, phế cầu khuẩn là nguyên nhân gây ra tỷ lệ các ca nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới và tử vong cao nhất, ước tính có 97,9 triệu ca nhiễm và 505.000 ca tử vong. Tại VN, tỷ lệ tử vong do viêm phổi năm 2021 là 18,2/100.000 dân.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính mỗi năm trên thế giới có 1,6 triệu người chết do bệnh phế cầu khuẩn, trong đó có đến 600.000 - 800.000 người lớn, chủ yếu do viêm phổi, viêm màng não và nhiễm trùng huyết.

Hút thuốc lá và nghiện rượu làm tăng nguy cơ

Theo các báo cáo tại hội thảo, các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh phế cầu khuẩn ở người trưởng thành bao gồm: tuổi tác, đặc biệt là người trên 65 tuổi, và tình trạng suy yếu miễn dịch như: người mắc ung thư huyết học, suy thận mạn, hoặc đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, người nhiễm HIV. Các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, bệnh phổi mạn tính, đái tháo đường, và bệnh gan mạn tính cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn (Invasive Pneumococcal Disease, IPD) cao gấp 2 - 5 lần; bệnh phổi mạn tính có nguy cơ mắc IPD cao gấp 5 - 17 lần; ung thư có nguy cơ mắc IPD cao gấp 23 - 38 lần…

Hút thuốc lá và nghiện rượu cũng làm tăng nguy cơ do hút thuốc lá làm suy yếu hệ miễn dịch và gia tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, còn nghiện rượu làm suy giảm chức năng gan và hệ miễn dịch.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế về chẩn đoán và điều trị viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn, Streptococcus pneumoniae là một trong các nguyên nhân gây viêm phổi thường gặp.

Tác nhân gây viêm phổi có thể xâm nhập vào phổi qua đường hô hấp (khi hít phải vi khuẩn ở môi trường bên ngoài, hít phải vi khuẩn từ ổ nhiễm khuẩn của đường hô hấp trên), đường máu (thường gặp sau nhiễm khuẩn huyết do S.aureus, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, viêm tĩnh mạch nhiễm khuẩn)… và một số nguyên nhân khác.

Phòng bệnh

  • Cần điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn vùng tai mũi họng, răng miệng, quản lý hiệu quả các bệnh lý nền của bệnh nhân.
  • Cần giữ ấm cổ ngực trong mùa lạnh, loại bỏ kích thích có hại (rượu bia, thuốc lá).
  • Tiêm phòng cúm; tiêm phòng phế cầu theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.