Nguy cơ thất thoát hàng nghìn tỉ đồng, Bắc Ninh vẫn im lặng

Anh Vũ
Anh Vũ
24/08/2020 10:50 GMT+7

50 lô biệt thự được “xẻ” ra bán trái phép, hơn 10 ha đất một trường đại học tại Bắc Ninh bị chiếm dụng, có dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng trong sử dụng đất, nguy cơ thất thoát ngân sách nhà nước hàng nghìn tỉ đồng.

Thanh tra Bộ TN-MT sẽ vào cuộc

Như Thanh Niên đã phản ánh, là đơn vị thành viên của Hội Khoa học kinh tế VN (VEA), Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được thành lập và xây dựng theo mô hình tư thục. Cơ sở chính của HUBT và VEA đặt tại P.Vĩnh Tuy, Q.Hai Bà Trưng (TP.Hà Nội). Từ năm 2007, UBND tỉnh Bắc Ninh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư “Dự án (DA) Đầu tư xây dựng khu liên hợp khoa học - đào tạo” cho chủ đầu tư là VEA. DA xây dựng cơ sở 2 của HUBT, có tổng vốn đầu tư khoảng 461 tỉ đồng.
Năm 2008, UBND tỉnh Bắc Ninh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (số AL644599) cho VEA tại xã Đình Bảng, H.Từ Sơn (nay là P.Đình Bảng, TX.Từ Sơn, Bắc Ninh) với diện tích 199.343,4 m2 (gần 20 ha).
Mặc dù đất DA được giao không thu tiền sử dụng đất để xây dựng cơ sở vật chất giáo dục, nhưng ngay trong khuôn viên trường đã “mọc” lên 3 tòa biệt thự. Xung quanh các tòa biệt thự này còn 47 lô đất diện tích 500 m2/lô cũng được cấp cho các nhà khoa học.
Với giá giao dịch mỗi mét vuông đất hơn 30 triệu đồng, khu đất 20 ha trên có giá trị khoảng 6.000 tỉ đồng, riêng 50 lô biệt thự có giá khoảng 750 tỉ đồng. Theo các chuyên gia, nếu khu đất này được đấu giá, ngân sách đã có thể thu về hàng nghìn tỉ đồng, đủ xây hàng trăm cây cầu, bệnh viện, trường học cho bà con vùng cao... trong khi, tại dự án này, nhà nước cấp đất không thu bất cứ đồng nào từ tiền sử dụng đất. 
Liên quan đến vụ việc, Thanh Niên đã nhiều lần liên hệ và gửi công văn đến UBND tỉnh Bắc Ninh, chủ đầu tư, tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, tất cả vẫn im lặng. Chúng tôi đã chuyển toàn bộ thông tin, tài liệu đến thanh tra Bộ TN-MT đề nghị phối hợp vào cuộc.
Bước đầu, đại diện thanh tra Bộ TN-MT nhận định có một số dấu hiệu liên quan đến sai phạm trong việc xây dựng trái phép 3 biệt thự và đặc biệt là việc sử dụng đất chưa đúng mục đích. Đồng thời, khẳng định thời gian tới sẽ triển khai các trình tự, thủ tục thu thập, nghiên cứu và tiến hành các bước kiểm tra theo đúng quy định của luật Thanh tra sau khi nhận được phản ánh từ các cơ quan báo chí.

Toà biệt thự sang trọng phủ đầy canh xanh

Ảnh Anh Vũ

Chia đất theo học hàm, học vị

Lật lại chủ trương đầu tư dự án, tài liệu cho thấy, DA có vai trò quyết định rất lớn của gia đình ông Trần Phương, Chủ tịch VEA. Năm 2005, ông Phương đã chủ trì cuộc họp, sau đó đã ban hành nghị quyết với mục tiêu biến dự án trở thành hình mẫu về xã hội hoá lĩnh vực giáo dục, đặt mục tiêu thành lập một làng khoa học tầm cỡ và chia đều “thành quả” cho ai tham gia xây dựng.
Tiêu chí xét đối tượng được hưởng “thành quả” của DA này như chia “miếng đất” béo bở theo học hàm, học vị. Đầu tiên là các đơn vị do VEA thành lập và bảo trợ (viện nghiên cứu, trung tâm, công ty triển khai…). Thứ hai là các hội viên có học hàm cao từ giáo sư đến phó giáo sư, rồi học vị tiến sĩ khoa học đã đóng góp vào hoạt động của hội và các vị Uỷ viên Ban chấp hành T.Ư khoá III.
Thứ 3 là một tỷ lệ nhỏ 20% có học hàm, học vị thấp hơn giáo sư, tiến sĩ nhưng làm việc tích cực trong công việc của hội và tham gia vào việc triển khai dự án này.
Ngoài ra, để được sở hữu lô biệt thự trên, mỗi suất đóng số tiền 1 tỉ 30 triệu đồng. Đáng chú ý, dù biết đây là đất công nhà nước cấp giao không thu tiền sử dụng đất, tuy nhiên ông Trần Phương đã ban hành Quyết định “Giao quyền quản lý đất tại Khu liên hợp Khoa học - Đào tạo” cho hàng loạt cá nhân.
Năm 2017, chính ông Trần Phương đã ký ban hành Quyết định số 17/2017/HKD-QĐ thu hồi “sổ đỏ” con này do trái với các quy định của pháp luật.

Khuôn viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ cơ sở 2 tại Bắc Ninh trên diện tích rộng 20 ha

Ảnh Anh Vũ

Về phía tỉnh Bắc Ninh, dù phát hiện sai phạm nhưng các quyết định xử lý của tỉnh này có quá nhiều sự bất thường. 3 toà biệt thự bị lẽ ra phải cưỡng chế nhưng hiện vẫn ngang nhiên tồn tại.
Đặc biệt, việc sử dụng đất sai mục đích không bị xử lý, không thu hồi. UBND tỉnh Bắc Ninh thậm chí còn chấp nhận cho VEA điều chỉnh quy hoạch dự án, ký lại hợp đồng thuê đất. Theo nhiều chuyên gia, đây là những dấu hiệu cho thấy có sự “tiếp tay” bao che cho những sai phạm của chủ đầu tư.
Trao đổi với Thanh Niên, bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khoá 13, đặt vấn đề: “Ai đã phê duyệt dự án này, việc sử dụng sai mục đích đất là trách nhiệm của ai? Tại sao đất nhà nước cấp để xây Khu liên hợp khoa học - giáo dục anh lại “xẻ” ra để xây biệt thự. 50 căn biệt thự với số tiền theo giá thị trường lên tới hàng trăm tỉ đồng, cả khu đất rộng cả chục héc ta giá trị hàng nghìn tỉ đồng như vậy là quá khủng khiếp!”.
Theo bà An, tỉnh Bắc Ninh phê duyệt dự án, chủ đầu tư triển khai thì tất cả phải có trách nhiệm thực hiện đúng với chủ trương nhà nước ủng hộ, hỗ trợ cho mục tiêu giáo dục.
“Nếu UBND tỉnh Bắc Ninh không trả lời báo chí, dư luận tôi đề nghị cơ quan cấp trên là Chính phủ vào cuộc. Trước tiên là Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phụ trách cần có ý kiến, cần kiểm tra lại dự án để làm rõ. Tiếp đó, đề nghị thanh tra chuyên ngành Bộ TN-MT, rồi Thanh tra Chính phủ vào cuộc. Phải xử lý nghiêm chứ không thể để vô pháp như vậy được”, bà An đề nghị.
Gia đình ông chủ tịch hội thao túng dự án?
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, người có vai trò lớn nhất trong triển khai dự án là ông Trần Phương, Chủ tịch VEA. Ông Phương đứng ra ký các quyết định của T.Ư Hội VEA về chủ trương đầu tư dự án, cấp quyền sử dụng đất cho các cá nhân…
Còn ông Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VEA tích cực đứng ra đốc thúc, triển khai dự án. Ông Thái cũng là người nhiều lần tham dự các cuộc họp với Bắc Ninh và ký các văn bản. Tuy nhiên, sau khi dự án có những sai phạm thì ông Vũ Tuấn Việt - nhân vật “giấu mặt” mới là người trực tiếp đứng ra đi lo xử lý các thủ tục, dù cá nhân này không giữ vị trí lãnh đạo trong VEA.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Đức Quang, Trưởng phòng Quản lý trật tự đô thị, TX.Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nói: “Từ khi xảy ra sai phạm thì chúng tôi vẫn làm việc với ông Việt, song cũng không biết ông Việt là ai. Thấy ông này đứng ra xử lý, còn sau đó văn bản thì do các ông lãnh đạo Hội ký”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Việt là con trai của ông Vũ Tuấn Anh, Phó thư ký VEA (ông Vũ Tuấn Anh là con trai của Chủ tịch VEA, Trần Phương).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.