Nguy cơ xăng giả gây cháy xe như thế nào ? Làm sao để nhận biết ?

Lê Nam
Lê Nam
27/03/2021 13:39 GMT+7

Liên quan đến đường dây 200 triệu lít xăng giả vừa bị triệt phá, 'cơ chế' của nguy cơ cháy xe nếu chẳng may đổ nhầm xăng giả được chuyên gia giải thích như thế nào?

Những ngày qua, dư luận rúng động khi thông tin về đường dây làm giả 200 triệu lít xăng vẫn đang được mở rộng điều tra với hàng loạt cây xăng bị phong tỏa, khám xét.
Tính đến ngày 25.3, Công an Đồng Nai phối hợp với C02 cùng các lực lượng chức năng đã ra quân triệt phá nhiều "chi nhánh" của đường dây sản xuất xăng giả ở nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía nam, gồm: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ, TP.HCM và Bình Phước. 

Xăng giả: Không phải vấn nạn mới

Chiều 25.3, trao đổi với PV Thanh Niên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết vấn nạn xăng giả "đã xuất hiện và được cảnh báo từ lâu, ít nhất cách đây cả 20 năm".
“Cụ thể là ở đường ống dẫn khí từ giàn khoan vào nhà máy xử lý ga Dinh Cố hoặc nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ cách đây nhiều năm. Lúc đó condensate (xăng nhẹ) đọng lại, nhiều người đục vào đường ống đó để lấy condensate pha vào xăng”, ông Dũng nói.

[VIDEO] PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ: Có phải cháy xe là do xăng giả?

Hiện nay condensate cũng là chất mà nhiều công ty thu gom và bán. Mục tiêu chính là làm xăng công nghiệp, pha với sơn, chất phụ gia, tẩy rửa là chính. Do giá thành rẻ nên nhiều người lợi dụng yếu tố đó để pha vào xăng, cũng theo ông Dũng.
Ông Dũng cho biết xăng giả còn pha thêm cả chất phụ gia không chính thống. “Acetat chì là chất mà trước thời điểm 2017, người ta pha vào xăng để tăng chỉ số octan lên, nhằm chống kích nổ. Từ 2007 trở đi, nước mình cấm sử dụng Acetat chì vào xăng và pha bằng chất phụ gia khác để tăng chỉ số octan. Nhưng hiện nay nhiều người sử dụng chất phụ gia không phép để pha vào xăng hoặc thậm chí trộn nhiều loại xăng khác nhau với giá thành thấp để tạo ra xăng giả. Như vậy xăng giả đã tồn tại nhiều năm nay rồi chứ không phải đến giờ này mới phát hiện” PGS.TS Đỗ Văn Dũng nhận xét.

Thiệt hại nặng nề, trực tiếp cho người tiêu dùng

Cũng trong chiều 25.3, trao đổi với PV Thanh Niên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết nếu sử dụng phải xăng giả sẽ để lại nhiều hậu quả trực tiếp đối với động cơ máy móc.
“Thứ nhất là hiện tượng cháy xe thường xuyên xảy ra vừa qua. Bởi vì sao? Do các ống cao su trong hệ thống dẫn nhiên liệu của ô tô và xe máy tính toán để chịu được xăng thật chứ không phải xăng giả. Chính vì vậy, khi đổ xăng giả, các gioăng cao su bị nở ra sẽ xảy ra tình trạng rò rỉ xăng. Khi xăng rò rỉ chỉ cần một tia lửa điện là phát cháy” ông Dũng phân tích. 

Hàng chục chiến sĩ CSCĐ phong toả cây xăng số 679 đường Nguyễn Kiệm (P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM) vào ngày 25.3 để phục vụ công tác điều tra đường giây 200 triệu lít xăng giả mà Công an Đồng Nai vừa triệt phá

NGỌC DƯƠNG

Ông Dũng lấy ví dụ về một vụ cháy chung cư ở Q.8, nguyên nhân xác định cũng vì một chiếc xe máy bị rò rỉ xăng dưới hầm xe, khi gặp một tia lửa điện đã dễ dàng bốc cháy, nhanh chóng lan ra các xe khác.
“Thứ đến, xăng giả tác động đến kết cấu làm tuổi thọ động cơ hao mòn rất nhanh. Giả sử một số xe được khuyên dùng xăng từ A95 trở lên, mà xăng giả pha vào thì chỉ số octan thấp hơn. Chắc chắn mình gặp phải xăng giả thì xe xảy ra hiện tượng kích nổ, gây ra sóng áp suất rất mạnh. Từ đó gây cong dên, mòn pít tông và xếp bạc... rất nhiều hiện tượng xảy ra làm cho xe thay vì chạy từ 10 - 15 năm thì tuổi thọ ngắn đi nhiều” PGS.TS Đỗ Văn Dung cung cấp thêm thông tin.

Sử dụng xăng giả sẽ làm “nhiều hiện tượng xảy ra làm cho xe thay vì chạy từ 10 - 15 năm thì tuổi thọ ngắn đi”

Lê Nam

 “Cái thứ ba tác động rất lớn. Đó là hiện nay 100% ô tô và một số xe gắn máy sử dụng bộ lọc khí thải, hay còn gọi bộ trung hòa khí tải. Trong đó các các chất platinum, palladium, rhodium - để các chất độc từ động cơ sinh ra thì tác dụng với nhau để sinh ra những chất không độc và thải ra môi trường nhằm bảo vệ môi trường”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói, đồng thời nhấn mạnh bộ lọc khí thải này này rất đắt tiền, trị giá khoảng 5.000 đô la, thấp nhất cũng phải 1.000 đô.
“Khi sử dụng phải chất phụ gia không đúng, khí thải mang chất phụ gia không đúng sẽ vô hiệu hóa tác dụng bộ lọc, thậm chí làm hư hỏng hoàn toàn. Từ đó mình hứng chịu việc ô nhiễm môi trường, gây lãng phí lớn bộ lọc khí thải” ông Dũng cho hay.

Cây xăng bị phong tỏa ở Gò Vấp liên quan thế nào với đường dây 200 triệu lít xăng giả?

PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng còn thông tin, hiện nay nhiều hãng xe chỉ bảo hành với điều kiện ràng buộc là sử dụng nhiên liệu chuẩn. Như vậy, nhiều xe không may đổ trúng xăng giả vào thì các bộ phận bên trong bị hư hại hoặc giảm tuổi thọ rất nhanh… Và khi đó, hãng cũng không thể bảo hành xe cho người tiêu dùng.
Không chỉ ô tô, xe máy mà các máy móc công nghiệp nếu sử dụng xăng pha, xăng giả kém chất lượng cũng gây những tác động tương tự như ô nhiễm môi trường, gây tác hại trực tiếp tới chi tiết, cơ cấu trong máy móc bên trong.

Vì sao khó phát hiện, xử lý xăng giả ?

Khi xuất hiện thông tin về đường dây xăng giả cực lớn được cơ quan chức năng triệt phá, nhiều người tiêu dùng đã hoang mang không biết mình đã sử dụng xăng giả, xăng kém chất lượng lần nào chưa? Việc sử dụng xăng giả sẽ gây tổn hại tới động cơ xe như thế nào?
PGS.TS Đỗ Văn Dũng phân tích: “Cục Đo lường chất lượng cũng kiểm tra, hoặc các đoàn công tác của Bộ Công thương cũng thường kiểm tra, nhưng các cơ sở sản xuất hoặc buôn bán xăng giả giấu kĩ, rất khó phát hiện. Đặc biệt khi đo thì chỉ số octan thấy đúng, nhưng bên trong phụ gia làm tăng chỉ số octan lại chất hoàn toàn khác và gây độc hại tới môi trường, như chì chẳng hạn".

Một khu vực bồn chứa xăng của đường dây sản xuất xăng giả

CAĐN

"Ngày trước chúng ta còn đo lượng chì trong không khí khi xăng bị pha phụ gia có chì vào. Hàm lượng chì sẽ tồn tại trong khí quyển hoặc bám vào cỏ. Thậm chí cỏ nhiễm chì thì bò ăn, chì nhiễm trong sữa cũng rất nguy hiểm. Khi kiểm tra thì khó để phát hiện còn khi phát hiện thì hậu quả rất nghiêm trọng môi trường, chưa kể tác hại đến vấn đề xe cộ” ông Dũng chia sẻ thêm.

Phong tỏa cây xăng Phúc Lộc Thọ liên quan đường dây 200 triệu lít xăng giả

Vậy làm cách nào để nhận biết chiếc xe của mình đổ phải xăng kém chất lượng?
Ông Dũng khẳng định động cơ yếu đi là một trong những dấu hiệu dễ nhận biết nhất. “Khi đổ xăng giả sẽ xảy ra hiện tượng róc máy, xe phát ra tiếng cọc cọc. Nhất là khi đang chạy số cao rồi chở nặng, người dùng kéo ép ga không trả số thấp hơn thì ngay lập tức sẽ nghe tiếng cọc cọc cọc trong động cơ và đó là hiện tượng kích nổ đang xảy ra do xăng không đúng chất lượng”, ông Dũng nói.
Mặc dù đường dây sản xuất hàng trăm triệu lít xăng giả đã bị triệt phá, nhiều nghi phạm liên quan đã bị khởi tố, bị bắt giam, cơ quan chức năng vẫn đang mở rộng điều tra, nhưng những thiệt hại và hệ lụy mà người tiêu dùng phải gánh chịu là rất khó để xác định và thống kê.
Người tiêu dùng có quyền đặt câu hỏi "Bao giờ thì vấn nạn xăng giả mới chấm dứt ?".

"Tiền tấn" trong đường dây xăng giả cực lớn: 4 máy đếm tiền 5 tiếng mới xong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.