Bị cáo “không có minh chứng gì”
Cựu Phó phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La “mất tích” ?Một trong những người làm chứng quan trọng được HĐXX triệu tập đến phiên tòa là ông Nguyễn Minh Khoa, nguyên Phó phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, trong ngày hôm qua, chủ tọa phiên tòa cho biết ông Khoa không đến tòa theo giấy triệu tập. HĐXX đã có quyết định dẫn giải ông Khoa nhưng ông này đã đi khỏi nơi cư trú.
Theo cáo trạng, ông Khoa là người gửi thông tin của 5 thí sinh cho bị cáo Lò Văn Huynh, nguyên Trưởng phòng Khảo thí Sở GD-ĐT Sơn La. Bị cáo Lò Văn Huynh khai ông Khoa đã “cảm ơn” 1 tỉ đồng.
|
Theo bị cáo Yến, ngày 20.7.2018, bị cáo được mời đến cơ quan điều tra, sau đó bị giữ lại 3 ngày khiến bị cáo bị “khủng hoảng tinh thần”. Một số biên bản ghi lời khai với biên bản tự khai của từng buổi có những nội dung không đúng với lời khai của bị cáo. Chẳng hạn, sáng 23.7.2018 bị cáo khai nhờ “xem điểm” nhưng điều tra viên lại ghi là nhờ “nâng điểm”. Ngoài ra, theo bị cáo Yến, một số bản tự khai của bị cáo được chép từ tài liệu do cơ quan công an cung cấp nhưng điều tra viên yêu cầu xóa từ “chép” để thay vào bằng từ “ghi”. Tuy nhiên, khi HĐXX công bố bút lục bản cung: “Tôi đã đọc biên bản, công nhận là đúng. Ký tên Trần Xuân Yến” và hỏi thêm: “Bị cáo có căn cứ gì về việc điều tra viên ép cung không?”, bị cáo Yến trả lời “không có minh chứng gì”.
Lãnh đạo có con được nâng điểm đồng loạt phủ nhận
Cũng trong phiên xét xử hôm qua, khi được triệu tập làm chứng trước tòa, tất cả lãnh đạo có con được nâng điểm tại kỳ thi THPT quốc gia đều phủ nhận nhờ nâng điểm và khai không rõ lý do vì sao chỉ nhờ xem nhưng lại được nâng với số điểm rất cao bất thường.
Ông Phan Ngọc Sơn, Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Sơn La, khai dù không tham gia nhiệm vụ gì tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, nhưng do có quan hệ với ông Trần Xuân Yến nên đã nhờ xem điểm. “Người làm cha mẹ đều mong muốn con được xem điểm trước. Biết anh Yến làm ở hội đồng thi, tôi có nhờ xem điểm để xem con tôi có vào được trường kinh tế không. Tôi nhờ xem chứ không có đưa thông tin nào khác. Khi website công bố điểm tôi mới biết điểm của cháu”, ông Sơn nói. Theo ông Sơn, con ông được 27 điểm 3 môn thi và đã đỗ vào ĐH Kinh tế quốc dân theo đúng nguyện vọng. “Với áp lực của xã hội, cháu đã chủ động xin thôi học. Sau khi chấm thẩm định, cả 3 môn thi bị hạ điểm. Trong đó, điểm toán giảm 2,2 điểm, lý 2 điểm, hóa 3,25 điểm, tổng cộng 7,45 điểm”, ông Sơn nói thêm.
Ông Đỗ Kim Quang, Giám đốc VNPT tỉnh Sơn La, cũng khai “chỉ nhờ xem điểm không hiểu sao lại được nâng điểm”. “Tôi có mối quan hệ với ông Hoàng Tiến Đức, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La. Trong cuộc họp ở tỉnh, tôi có gặp anh Đức và nhờ anh xem giúp kết quả trước cho cháu Đỗ Minh Hoàng là con trai tôi. Cháu đăng ký 5 - 6 nguyện vọng nên tôi nhờ anh Đức xem trước để kịp thời thay đổi nguyện vọng”, ông Quang thừa nhận và cho biết dù được 24,4 điểm nhưng sau khi Bộ GD-ĐT chấm thẩm định con ông đã bị đánh tụt xuống 19 điểm.
Tương tự, ông Lê Trọng Bình, Phó chủ tịch UBND TP.Sơn La, cũng kể: “Tôi có quen biết với anh Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng phòng Giáo dục THPT Sở GD-ĐT Sơn La, từ trước và anh Nguyễn Minh Khoa, nguyên Phó phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La... Sau kỳ thi, tôi có nhờ anh Khoa và anh Hà xem điểm cho con của mình là thí sinh Lê Trọng Tấn và cháu Trần Quang Minh, nhưng sau đó không thấy các anh thông tin lại. Tôi chỉ nhờ xem chứ không có thông tin gì khác”. Cũng giống như con của các lãnh đạo vừa nêu, điểm của con ông Bình được nâng lên 27, đủ đỗ vào Học viện An ninh, nhưng khi chấm thẩm định đã bị hạ điểm. Cả con và cháu ông Bình đều bị trả về địa phương do không đủ điểm.
Bình luận (0)