Bóng đá Việt Nam đang có những chuyến xuất khẩu cầu thủ ra nước ngoài, thi đấu ở những giải bóng đá hàng đầu thế giới như Văn Hậu ( Heereenven - Hà Lan ) như đã từng chơi tại Bỉ ( STVV-Công Phượng ) hay khu vực như Văn Lâm , Xuân Trường (Thái League) hoặc trước đó là Công Vinh ( Bồ Đào Nha ) Huỳnh Đức ( Lifan- Trung Quốc) .... đó là bước tiến trong chất lượng đào tạo khi các cầu thủ khẳng định được vị trí, được tầm ảnh hưởng đến các giải vô địch quốc gia khác.
Nhưng ít ai biết đến những người đi tiên phong lại đến từ bộ đôi cầu thủ trẻ của CA TP. HCM cuối thập niên 90 thế kỷ trước Thái Dương và Nguyễn Việt Thắng. Nếu chân sút Việt Thắng là cái tên nổi bật sau này thì Thái Dương có lẽ ít người nhớ đến. Sau khi thi đấu Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc trong màu áo tỉnh Cần Thơ, cậu bé sinh năm 1982 Thái Dương khăn gói lên Trung tâm huấn luyện quốc gia 2 Thủ Đức theo chúng bạn bước vào con đường đào tạo.
Anh được tập trung vào đội tuyển U.16 Việt Nam trong khoảng thời gian 1996 dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên kì cựu Hồ Thu. Chỉ sau 2 năm anh cùng người đồng đội Nguyễn Việt Thắng được đội bóng Công an TP.HCM lấy về và đăng kí thi đấu tại giải các đội mạnh khi mới bước qua tuổi 16 .
Ở cái tuổi đó mọi thứ còn rất mới mẻ, nhất là khi được chọn xuất ngoại thì với cầu thủ Việt Nam cứ như tờ giấy trắng. Năm 1999, dưới sự giới thiệu của HLV trưởng Công an TP.HCM lúc bấy giờ là Acossi, đội bóng cho 2 cầu thủ trẻ Thái Dương và Việt Thắng đi tập huấn tại Bastia (Pháp) với mục đích sẽ chuyển nhượng nếu vượt qua được kì tập huấn.
Chân ướt chân ráo ở mảnh đất lạ, bỡ ngỡ trước bóng đá đỉnh cao và đặc biệt là rào cản ngôn ngữ khiến cả 2 phải sớm về nước. Thái Dương nhớ lại “Chúng tôi phải nhanh chóng quay về do không đáp ứng yêu cầu chuyên môn của CLB Bastia, mặc dù trình độ đội bóng này khi đó chỉ ở đẳng cấp khá. Họ đã đưa ra bài tập cường độ cao với yêu cầu chuyên môn rất khắt khe mà chúng tôi thì gần như chưa được trang bị gì.
Chỉ sau một vài buổi tập chúng tôi cảm thấy lạc lõng vì mình thiếu kiến thức nền tảng nên cảm thấy không thể nào trụ được. Có ở lại thì cũng mất rất nhiều thời gian phải học ngoại ngữ, hòa nhập với môi trường văn hóa mới khi đó mới hy vọng theo kịp các bạn đồng lứa ở CLB Bastia”.
|
Đúng là những trải nghiệm thực tế từ môi trường bóng đá đỉnh cao đã giúp cho Thái Dương và Việt Thắng vỡ ra rằng ra nước ngoài học hỏi, để mở mang kiến thức không phải cứ “nhắm mắt” lên đường là được mà cần phải có sự trang bị đầy đủ nhiều yếu tố cấu thành.
Thái Dương nói “Đi một ngày đàng học một sàng khôn quả rất đúng, giúp cho chúng tôi nghiệm ra rằng phải có sự chuẩn bi nghiêm túc, chứ không thể nghĩ đơn giản ra nước ngoài rồi mọi thứ đâu sẽ vào đó”. Chính bài học vỡ lòng đầu tiên thất bại này của cầu thủ trẻ Việt Nam đã mở ra một hướng đi căn cơ hơn cho đến tận sau này của bóng đá nội trong định hướng xuất khẩu cầu thủ.
Trở về Công an TP.HCM thi đấu cho đến khi giải thể với cái tên Ngân Hàng Đông Á –Thép Pomina, Thái Dương luân chuyển qua khá nhiều đội bóng, từ Bưu Điện đến Bình Dương, Gạch Đồng Tâm Long An xuôi ra Bắc với Hà Nội ACB, cập bến Đồng Tháp và kết thúc sự nghiệp tại đất cố đô Hoa Lư Ninh Bình mùa giải 2012, có thể nói con đường của Thái Dương khá lận đận.
Cầu thủ xuất thân từ vị trí trung vệ này, có thể đá tiền vệ và từng được coi là 1 trong số những cầu thủ trẻ tiềm năng nhất bóng đá thời bấy giờ, là 1 trong những cầu thủ trẻ tuổi nhất được đôn lên đội 1 và thi đấu ở giải quốc nội sớm nhất, nhưng cuối cùng khép lại sự nghiệp quần đùi áo số không để lại nhiều ấn tượng nếu không muốn nói là khá lặng lẽ.
|
Không thành công trên sân cỏ nhưng “máu” bóng đá vẫn cuồn cuộn nên ngoài công việc hiện tại của 2 vợ chồng là kinh doanh sản phẩm tiêu dùng sinh học Amway, Thái Dương cũng mở trung tâm bóng đá cộng đồng tại quê nhà Cần Thơ của mình, Anh tâm niệm “Cuộc sống cho tôi một công việc tốt nên tôi muốn làm điều gì đó vẫn gắn chặt đời mình với bóng đá. Tôi hy vọng sẽ góp phần tìm ra một lứa tài năng đóng góp cho bóng đá Cần Thơ và Việt Nam”.
Qua chuyện xuất ngoại bất thành 20 năm trước của Thái Dương, có thể thấy bóng đá Việt Nam dù chưa có được những thành công từ các bản hợp đồng này nhưng con đường muốn rộng lớn, muốn thành đường thì phải có người mở, có người dọn đường. Chúng ta rút ra nhiều bài học và kiên định theo con đường đang đi, biết đâu sau này bóng đá Việt Nam sẽ mở ra 1 trang mới đầy hứa hẹn và chất lượng hơn .
|
Bình luận (0)