Nhà báo mê làm việc thiện

13/07/2022 09:00 GMT+7

Cuộc đời này tuy còn nhiều cái xấu, cái ác, nhưng người tốt thì ở đâu cũng có. Cái chân lý “hoa thơm lấn cỏ dại” ấy được khẳng định qua hành trình của hàng trăm hàng vạn nhà thiện nguyện.

Một trong những người nêu cao tấm gương sống đẹp, tỏa sáng lòng tử tế, để lại nhiều dư âm tốt đẹp, lan tỏa trong cộng đồng, đó là anh Tôn Thất Lang.

Anh Tôn Thất Lang trao tiền cho cô gái cụt tay gặt lúa mướn

tgcc

Anh Tôn Thất Lang sinh năm 1946 tại Thừa Thiên - Huế. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh công tác tại trạm Y tế xã Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Năm 1990, anh chuyển về Cần Thơ kết duyên với Hội Văn nghệ Hậu Giang (nay là Cần Thơ). Hiện nay anh là hội viên Hội Nhà văn TP. Cần Thơ, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Là nhà văn nhưng anh dành thời gian để viết báo nhiều hơn. Do vậy anh đi đó đi đây rất nhiều. Có thể nói hơn 20 năm cầm bút với bút danh Tùng Huyên, Thụy Mẫn… anh đã đặt chân lên hầu hết các vùng núi non, biển đảo và các tỉnh Đồng bằng Tây Nam Bộ. Nhờ vậy mà anh đã gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người kém may mắn như ốm đau, tật nguyền.

Trong suốt quá trình cầm bút anh thường gắn bó với các đề tài văn hóa, xã hội và du lịch, đặc biệt là đi sâu tìm hiểu về những số phận nghiệt ngã, những mảnh đời bất hạnh như những em bé bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, những phụ nữ tật nguyền, những anh thương binh tàn nhưng không phế, những người khuyết tật bẩm sinh, những cụ già cô đơn cho tới những em bé mồ côi không nơi nương tựa. Chính vì vậy mà bạn bè đồng nghiệp gọi anh là “nhà báo của những người bất hạnh”. Anh nói “Viết về họ là để chia sẻ, động viên, giúp những mảnh đời cơ cực vượt lên số phận, đồng thời tạo điều kiện cho họ hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng”.

Anh Tôn Thất Lang trao tiền cho người nghèo

thiên lộc

Thời gian cộng tác cho các báo, hầu như lúc nào anh cũng xông xáo và miệt mài, ngoài những bài ký sự, phóng sự, anh còn viết khá nhiều về những mảnh đời khốn khó, đặc biệt là những người ốm đau, bệnh nặng không tiền cứu chữa để nhờ báo chí lên tiếng đánh thức các nhà hảo tâm ra tay giúp đỡ. Mỗi nhân vật anh đề cập đến đều có hoàn cảnh khác nhau, không ai giống ai nhưng đều lan tỏa nghị lực sống. Tính đến nay, anh đã “gõ cửa” không biết bao nhiêu gia đình có hoàn cảnh khó khăn, số phận hẩm hiu, nhằm xoa dịu nỗi đau và mang đến cho họ chút niềm tin yêu và hy vọng. Chính anh đã tự nguyện làm cầu nối giữa những người nghèo khổ qua các chuyên mục “Nhịp cầu nhân ái”, “Tấm lòng vàng”, “Sống vì cộng đồng”…trên các trang báo Sài Gòn Giải Phóng, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Tiền Phong, Cần Thơ... Mỗi bài viết, mỗi dòng chữ của anh đều thấm đậm tình người, mang một thông điệp “Từ trái tim đến trái tim”. Nhờ vậy mà ngọn lửa nhân ái lan tỏa mỗi ngày, hàng trăm mảnh đời dang dở do anh đưa lên mặt báo đã được các nhà thiện nguyện hết lòng ủng hộ. Chính số tiền đó đã giải quyết cho nhiều gia đình có hoàn cảnh bế tắc vươn lên trong cuộc sống; nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo vượt qua cơn nguy hiểm.

Điển hình như em Huỳnh Thị Ái Vân, bị bệnh ung bướu từ năm 11 tuổi phải qua 4 lần xạ trị và nhiều lần hóa trị. Nhờ số tiền vận động của anh mà em Vân mới vượt qua bệnh tật và tốt nghiệp đại học khoa Sư phạm, mở ra một tương lai sán lạn. Như hai chị em song sinh Nguyễn Quế Trân và Nguyễn Mỹ Trân ở Trà Ôn (Vĩnh Long), cha bệnh nặng, hoàn cảnh gia đình bi đát, nhờ có sự tương trợ của anh mà họ thoát khỏi cảnh đời nghiệt ngã . Còn như hoàn cảnh của em Trần Thị Yến Nhi ở Trà Ôn (Vĩnh Long) thật vô cùng éo le, em đã đậu hai trường Đại học nhưng không được đến trường vì bị cha mẹ bỏ rơi. May nhờ có người cô ruột bảo bọc và các nhà hảo tâm hỗ trợ nên em vượt qua được nghịch cảnh, tự phấn đấu vươn lên. Hoặc như em Trương Ngọc Lan Phương ở Tam Bình (Vĩnh Long), nhà nghèo, cha mẹ bệnh nặng, mặc dù là con gái nhưng em phải leo dừa mướn kiếm tiền mua sách vở. Vậy mà em vẫn đậu vào Đại học, thành đạt nhờ sự cưu mang của các “ông bụt đời thường” chẳng khác nào ngọn lửa trái tim mang đến cho họ tình thương bao la, góp phần xây dựng xã hội nhân văn hơn, tốt đẹp hơn.

Thầy hiệu phó trao tiền cho em Huỳnh Thị Ái Vân do anh Tôn Thất Lang vận động quyên góp

tgcc

Ngoài những cảnh đời bi đát, anh còn giới thiệu những nhân vật dị dạng, tật nguyền nhưng có biệt tài như Ba anh em mù cùng vươn lên trong cuộc sống; Cô gái viết bằng chân, thêu may, bơi xuồng, ăn uống cũng bằng chân; Ông già mù chuyên trèo cây, đốn cây mướn; Người đàn bà cụt tay cắt lúa mướn; Người khuyết tật sử dụng kềm, kéo, vít sửa ra dio, tivi đều bằng miệng… Chuyện cảm động nhất là những ngọn lửa sống đẹp được thắp lên từ mọi miền đất nước, cụ thể như: Lão nông từ thiện chuyên bắt cầu, làm đường; Chùa Bửu Trì vừa là mái ấm của trẻ mồ côi, vừa là bóng mát của những người già cô đơn; Bà lái đò trên dòng sông Đông Thuận, hơn 20 năm đưa rước học trò, nay đã có nhiều em thành tài…

Trong lần nhận giải Cuộc thi “Vươn lên và hội nhập” do báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức, anh phát biểu “Tôi muốn tuyên dương những tấm gương vượt khó, những người có tật có tài để thắp sáng niềm tin và mong được nhiều người chia sẻ, cảm thông và hỗ trợ”.

Anh không những đặt chân đến nhiều nơi mà còn thường xuyên tìm đến các học sinh nghèo khó, các em cô nhi, cứ nghe nói nơi nào có người bất hạnh là anh tìm đến làm nhịp cầu để nối thêm vòng tay nhân ái với những nhà thiện nguyện. Nhiều khi nhận được tiền, tòa soạn lại nhờ anh lặn lội đường xa mang tiền đến tận nơi trao cho người được giúp đỡ. Nhiều trường hợp bệnh nhân ở xa trên vài chục cây số anh vẫn lặn lội, bất kể trời nắng hay mưa vẫn mang tiền đến giao cho đối tượng dưới sự giám sát của chính quyền địa phương. Công việc của anh tuy thầm lặng, ngỡ chừng như bé nhỏ nhưng mang một ý nghĩa vô cùng cao cả. Anh cho biết, mỗi lần nhận được tiền, gia đình người nhận mừng vỡ òa, nhiều người lau nước mắt. Anh nói thấy người sung sướng mình cũng vui lây. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Tính anh thương người, giúp đỡ người vì cộng đồng là như vậy. Nhưng có điều khiến cho nhiều người nhói lòng là hoàn cảnh gia đình anh không may có đứa con gái tên Tôn Nữ Thị Minh bị tai biến nặng phải ngồi xe lăn trên 10 năm nay. Hiện nay anh đã vượt tuổi 75, chị cũng lớn tuổi, sức khỏe ngày càng suy giảm, lại không lương hưu nên gia cảnh bộn bề trăm nỗi lo toan, thiếu trước hụt sau. Vậy mà anh vẫn tâm nguyện giúp người như giúp mình. Nhà thơ Võ Quê, người đồng hương cũng là bạn thơ với anh đã ngậm ngùi chia sẻ: “Anh giúp đời, ai giúp anh?”. Nhà báo Vũ Thống Nhất đã viết về anh như sau: “Dẫu xây chín bậc phù đồ/ Sao bằng cứu khổ giúp cho một người”. Có một người đàn ông, suốt 15 năm ròng, bằng ngòi bút của mình, đã lặng lẽ “gõ cửa” trên một trăm mảnh đời thiệt thòi, bất hạnh”.

Mặc dù tuổi cao, suốt ngày lo toan vất vả, nhưng lúc nào bạn bè cũng thấy anh cầm máy ảnh, cởi ngựa sắt đi khắp các nẻo đường để phỏng vấn, viết bài, tiếp tục con đường thiện nguyện mà anh đã chọn. Anh thường nói với bạn bè một cách chân tình: “Ngày nào còn đủ sức, đi được, viết được là tôi còn chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh”.

Ngoài những bài báo và sáng tác văn học ra, anh còn xuất bản nhiều tác phẩm văn, thơ và ký sự, trong đó có ba cuốn viết về người khuyết tật, gồm một cuốn in riêng “Những cảnh đời, những tấm lòng”, NXB Văn nghệ, 2007 và 2 cuốn in chung “Gõ cửa cuộc sống” và “Những con tim hội nhập”.

Tấm lòng của anh sáng như trăng sao, cuộc sống của anh đẹp đẽ vô ngần.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.