“Một trăm mốt” - con số khởi đầu
Tôi bước vào hàng hương. Trước mắt tôi, một bà cụ ngoài thất tuần, người nhỏ thó nở nụ cười hồn hậu thay lời chào. Người đó là mệ Tuyết. Mệ đang nói chuyện với một vài người và bắt ghế cho tôi ngồi cạnh. Một hồi, tôi mới biết mệ đang chia sẻ về từ thiện cho trẻ ung thư.
Đại úy Nguyễn Văn Tân trong một chuyến từ thiện |
Tác giả cung cấp |
Mệ Tuyết tâm sự bằng giọng thanh mảnh và đầy cốt cách hoàng tộc: “Mệ có một người anh trai bị ung thư đại tràng. Những ngày ấy, không khí ảm đạm bao trùm trong căn nhà mệ. Vì ai nấy nghĩ rằng sớm muộn gì anh mệ cũng chết. Nhưng may mắn, đến nay anh vẫn sống. Rồi cũng trong dòng họ mệ, rất nhiều người bị ung thư và qua đời. Nên mệ hết sức thương những người bị ung thư”.
Rồi mệ hồi tưởng lại lần đầu tiên đi từ thiện. Cách đây 8 năm, một người bạn nữ của mệ đi khám và nhận kết quả ung thư. Sau đó, mệ khuyên đi xuống Bệnh viện T.Ư Huế để xét nghiệm lại. Ngày lấy kết quả, mệ Tuyết xuống thăm bạn để xem thế nào. Khi bà vừa bước vào, người bạn kia đã mừng rỡ chạy ra như chim sổ lồng và ôm chầm lấy bà, reo lên: “Tuyết ơi, tao không bị ung thư”. Hai người mừng mừng tủi tủi và quên khuấy xung quanh lắm những ánh mắt hằn sâu nỗi buồn.
Mùi hương khói nghi ngút từ một am thờ trong bệnh viện đánh thức mệ. Mệ buông người bạn ra, đảo mắt và bắt gặp một gương mặt buồn rười rượi. Một người phụ nữ chừng hơn 20 tuổi đang bế một đứa bé khóc ngằn ngặt. Bế lên cũng khóc, bỏ xuống cũng khóc. Khi mệ hỏi thì mới hay đứa bé bị ung thư giác mạc, một mắt sưng to và một mắt đã mổ lấy ra. Nghe đến đây, lòng mệ Tuyết như có dao cắt, kim châm. Mệ xúc động kể: “Lúc ấy, mệ chỉ còn một trăm mốt nghìn thôi con. Mệ không ngần ngại móc ra và đưa cho người mẹ, bảo đi mua đồ ăn cho cháu. Mệ nghĩ rằng, nếu đó là con cháu của mệ, có lẽ mệ sẽ phải chết theo nó”.
Cũng chính từ những ngày đó, mệ Tuyết bắt đầu nghĩ nhiều hơn về bệnh nhân ung thư. Rồi cứ thế, khi nào dư dật, mệ lại mua bánh trái, bỏ bì thơ để động viên những em bé, những người bị ung thư.
Nụ cười hồn hậu và nếp sống giản dị của mệ Tuyết |
Năng lượng của tình thương
Số tiền mệ Tuyết đi từ thiện hoàn toàn nhờ vào tiền lãi bán hương. Mệ rất rạch ròi và có sáng kiến. Mỗi ngày, mệ sẽ dành một lượt khách để lấy tiền lãi bỏ vào quỹ. Mà đã chọn lượt khách đó, thì dù lãi 5 - 10 triệu, mệ cũng không động đến một xu.
“Đã hứa với người ta thì phải rõ ràng, con à. Họ linh lắm. Con có thấy ở làng hương này ai buôn bán được như mệ không? Không phải mệ huênh hoang đâu, mà có người âm phù hộ cho mệ đó. Từ khi làm từ thiện, mệ buôn bán đắt đỏ. Nhiều khi khách xếp hàng dài như cái sớ Táo Quân. Rứa mà người ta vẫn chờ để chụp hình. Một phần cũng vì ủng hộ mệ là ủng hộ cho bệnh nhân ung thư, đồng tiền bỏ ra có ý nghĩa. Còn đến những hàng khác, chụp hình xong, trả tiền là hết rồi”, mệ cười.
Mệ kể lại, có những lần ế chầy ế thiu, chỉ cần thắp hương khấn anh linh bệnh nhân ung thư thì mở mắt ra là xe con, xe cha, khách ta, khách Tây vào vây kín quán. Chính vì thế mà mệ mới buôn bán được và có thêm tiền để từ thiện cho các bé.
Những ngày “bóng ma Covid” đổ bộ vào Huế, ai nấy “bế quan tỏa cảng” nhưng mệ vẫn kiên trì bán hương. Bán hương để có tiền tiếp tục từ thiện. Khi mọi người khó khăn và “thân ai nấy lo”, mệ vẫn không để “đường dây” từ thiện bị đứt quãng. Mệ tâm sự: “Thời điểm đó, ai cũng khó khăn. Như vậy thì những bệnh nhân ung thư có khó khăn hay không? Chính vì vậy mà mệ phải quyết tâm, bằng mọi cách để giúp đỡ họ. Có những người thân nhân quá nghèo khó, mệ còn giúp đỡ cả thân nhân luôn”.
Nhiều khi mệ Tuyết chỉ ăn một ổ bánh mì chấm với sữa. Ai hỏi, mệ lấy lý do đã già nên ăn đơn giản nhưng thực chất, mệ ăn uống khắc khổ để dành phần cho những trẻ ung thư. Mười mấy năm qua, mệ vẫn âm thầm, không “đao to búa lớn” như vậy. Hữu xạ tự nhiên hương, nhiều tấm lòng vàng ở Hà Nội, Quảng Trị, Kiên Giang, có người ở chí mũi Cà Mau cũng tìm về làng hương. Họ đến để tìm một trái tim dào dạt tình thương.
Nhiều năm trở lại đây, biết được mệ Tuyết bán hương làm từ thiện, nhiều sinh viên, giảng viên, bác sĩ…ở Huế và các tỉnh thành cũng đã đồng hành cùng mệ. Người góp công, kẻ góp của. Từ “một trăm mốt nghìn” từ thiện và lúc có lúc không, đến nay, mệ Tuyết đã đều đặn hằng tháng đến thăm các bệnh nhân ung thư, đặc biệt là trẻ em. Số tiền ủng hộ đến nay đã lên năm mươi triệu đồng cho mỗi lần từ thiện. Mệ Tuyết bỗng rưng rưng nhớ lại một kỷ niệm buồn và cũng là động lực để mệ làm từ thiện: “Lần đầu tiên đi cho quà, mệ không đủ tiền và bánh kẹo để cho hết. Mệ nhớ như in, có 7 đứa ở phòng 508 gọi mệ: “Mệ ơi, con chưa có”. Mệ bật khóc, con à. Và mệ hứa, sẽ trở lại cho quà. Lúc đó mệ cho mỗi đứa một trăm nghìn và bánh kẹo. Nhưng sau đó mệ đâm lo vì mình không còn tiền. Nhưng kỳ diệu thay, ngay hôm sau mệ bán được bốn bức tranh. Ông họa sĩ còn tặng thêm mệ tám trăm nghìn để mua quà. Từ đó đến nay, mệ không dám bỏ sót người nào mỗi lần mệ đi từ thiện”.
Đại úy Nguyễn Văn Tân (sinh năm 1991, quê Hà Nội) hiện công tác ở cơ quan công an H.A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế, người đồng hành trong các chuyến từ thiện cùng mệ Tuyết chia sẻ: “Qua một vài lần ghé vào quán của mệ, trò chuyện với mệ, tôi cảm thấy khâm phục và trân quý vô cùng tấm lòng và nghị lực của mệ. Thấy công việc ý nghĩa, tôi cũng chung tay. Nhưng chẳng qua cũng chỉ góp sức nhỏ với mệ để làm cầu nối với nhà hảo tâm thôi. Vả lại mệ cũng già yếu, đi lại khó khăn bởi tật ở chân, nên giúp mệ đi trao quà cũng là điều nên làm. Công việc ý nghĩa mà”.
Hỏi về nguồn động lực để tuổi cao mà mệ vẫn làm từ thiện, mệ chỉ trả lời đơn giản mà bằng cả trái tim: “Tình thương, con à. Con thấy không, trẻ em ung thư, nó hồn nhiên cười đùa. Khi mệ cho bánh, nó còn chạy theo ôm chân mệ. Nó không biết nó kề cận cái chết. Đáng thương lắm. Còn người lớn, khi biết mình ung thư, tiếng cười trên môi họ tắt lịm từ lâu và nỗi tuyệt vọng thường trực bên trong con người. Cũng thật đáng chia sẻ. Mệ xem họ như con cháu và giúp đỡ bằng hết tấm lòng. Bây giờ, có thể mệ không ăn, nhưng mệ không thể nào không dành tiền cho những hoàn cảnh như thế”.
Tiếng những hạt mưa vỡ trên mái tôn thưa dần, trời quang đãng. Những lượt khách lại nườm nượp vào quán mệ. Mệ phải cắt ngang câu chuyện bằng tiếng rao mời đon đả: “Con ơi, vào chụp ảnh đi con”. Bấy giờ, tôi mới hiểu, vì sao chỉ bán hương, cho chụp hình miễn phí nhưng mệ vẫn có khả năng làm từ thiện dù không xuất hiện ở báo đài.
Tôi đứng dậy chào mệ ra về. Nụ cười hồn hậu và dáng đi xiêu vẹo của một bà lão bị tật ở chân còn lưu lại trong tôi. Và đâu đây, hương trầm còn thoảng theo chặng đường tôi về, hương thơm của lòng từ thiện.
Bình luận (0)