Nhà giáo tiêu biểu, phó giáo sư luật nói về thầy trò thời công nghệ

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
20/11/2024 15:42 GMT+7

Một phó giáo sư luật vừa được vinh danh nhà giáo tiêu biểu, cho rằng giảng viên thời nay phải giỏi công nghệ mới có thể truyền tải kiến thức hiệu quả cho sinh viên.

Nhà giáo tiêu biểu dư hơn 40.000 giờ nghiên cứu khoa học

PGS-TS Lê Huỳnh Tấn Duy (43 tuổi), Phó trưởng khoa Luật hình sự, Trưởng bộ môn luật tố tụng hình sự, Thư ký Hội đồng khoa học và đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, vừa được vinh danh nhà giáo tiêu biểu năm 2024.

PGS-TS Lê Huỳnh Tấn Duy là một trong số ít các phó giáo sư Việt Nam chuyên về luật tố tụng hình sự và thi hành án hình sự.

Nhà giáo tiêu biểu, phó giáo sư luật nói về thầy trò thời công nghệ- Ảnh 1.

Nhà giáo tiêu biểu, PGS-TS Lê Huỳnh Tấn Duy chuyên về luật tố tụng hình sự và thi hành án hình sự

ẢNH: NVCC

Được biết, để được danh hiệu nhà giáo tiêu biểu, PGS-TS Duy đã có nhiều thành tích xuất sắc trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Ông đã chủ biên, đồng chủ biên, tác giả biên soạn của 8 sách chuyên khảo, sách tham khảo và một sách hướng dẫn học tập phục vụ hoạt động đào tạo ĐH và sau ĐH. Đồng thời, công bố 52 bài báo khoa học và chương sách, trong đó có 6 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín.

Tại trường ĐH Luật TP.HCM, PGS-TS Duy đã hoàn thành xuất sắc công tác nghiên cứu khoa học, luôn vượt định mức giờ nghiên cứu hằng năm của giảng viên. Tính đến thời điểm hiện tại, số giờ nghiên cứu khoa học còn dư của PGS-TS Duy là 40.000 giờ.

Báo Thanh Niên trân trọng chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam

PGS-TS Duy từng được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 4 năm liên tục từ năm học 2019-2020 đến năm học 2022-2023 và kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục.

Không giỏi công nghệ, khó truyền tải kiến thức

Chia sẻ về việc dạy học trong bối cảnh hiện nay, PGS-TS Lê Huỳnh Tấn Duy cho rằng sự phát triển của khoa học và công nghệ đã có những tác động nhất định đến vai trò của người thầy ở bậc đào tạo ĐH.

"Người thầy từ chỗ chủ động, tích cực và chịu trách nhiệm truyền đạt tất cả kiến thức mình đang có về từng học phần cụ thể cho sinh viên đã đổi sang vai trò của một người hướng dẫn. Trong thời đại bùng nổ thông tin, không khó để người học tiếp cận một cách nhanh chóng với những kiến thức mới, đặc biệt là từ các nguồn tài liệu rất đa dạng và phong phú từ internet.

Tuy nhiên, để có thể chọn lọc, tổng hợp, phân tích, đánh giá và sử dụng thông tin một cách khoa học, có hiệu quả thì đòi hỏi người học phải có những kỹ năng nhất định. Vì thế, với kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn của mình, người thầy sẽ hướng dẫn, hỗ trợ sinh viên thực hành, sử dụng thành thạo những kỹ năng cần thiết đó", PGS-TS Duy nhận định.

Nhà giáo tiêu biểu, phó giáo sư luật nói về thầy trò thời công nghệ- Ảnh 2.

Nhà giáo tiêu biểu, PGS-TS Lê Huỳnh Tấn Duy (giữa) bên các học trò

ẢNH: NVCC

Những tiện ích từ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực giáo dục nói chung, theo ông Duy, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người thầy trong việc đổi mới, kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy tích cực theo hướng phát huy năng lực tự học, sáng tạo và khả năng học tập suốt đời của sinh viên.

"Giảng viên có thể sử dụng các ứng dụng hiện đại giúp tạo nên các bài giảng điện tử sinh động, thu hút sự chú ý của người học. Đối với lĩnh vực pháp lý, người thầy có thể giúp sinh viên hình thành tư duy phản biện qua việc hướng dẫn họ tìm kiếm, bình luận và đánh giá các quan điểm khác nhau về những vấn đề còn tranh cãi được công bố trên internet.

Ngoài ra, chủ trương chuyển đổi số trong giáo dục đòi hỏi người thầy phải thay đổi phương pháp giảng dạy, nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin để đảm bảo chất lượng dạy học trực tiếp và trực tuyến", ông Duy cho hay.

Về mối quan hệ thầy-trò, PGS-TS Duy, cho rằng ngày nay thầy trò dễ dàng hơn trong việc trao đổi thông tin bằng việc sử dụng điện thoại thông minh, email và các ứng dụng mạng xã hội khác. Điều này giúp sinh viên có thể mạnh dạn trình bày những khó khăn trong quá trình học tập với người thầy và nhanh chóng nhận được những lời tư vấn hữu ích. Qua đó, mối quan hệ thầy trò phần nào trở nên gần gũi hơn.

Tuy nhiên ngược lại, nếu quá lạm dụng công nghệ thông tin mà bỏ qua việc tiếp xúc trực tiếp có thể làm giảm hiệu quả truyền đạt hoặc dẫn đến những sự nhìn nhận, đánh giá không đúng về nhau; không tạo được sự gắn kết giữa thầy và trò.

"Vì vậy nên có sự cân bằng giữa việc trao đổi qua các thiết bị, ứng dụng liên lạc và việc tiếp xúc trực tiếp để duy trì mối quan hệ thầy trò", PGS-TS Duy chia sẻ thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.