Chị Mzung (sinh năm 1982) là một nhà hoạt động và
làm phim về môi trường. Cuối năm 2018, chị quay về Việt Nam sau một thời gian dài rong ruổi với những thước phim môi trường ở nhiều nơi trên
thế giới. Mục đích ban đầu là thực hiện hai bộ phim trong chuỗi thể nghiệm về đề tài môi trường. Nhưng khi tiếp xúc với môi trường Việt Nam, chị nghĩ bản thân phải làm điều gì đó thực tế hơn để hiểu cặn kẽ cơn lốc ô nhiễm ở quê hương mình.
Lối sống thực hành
Không Gian Tái Chế Mzung Space (trước đó là Mzung Tea House) là một trong số những dự án chị Mzung đang thực hiện tại Việt Nam. Được xây dựng vào giữa năm 2019, đây là
không gian tái chế mà hầu hết các vật dụng nội thất và trang trí đều được làm từ đồ bỏ đi và nhặt về từ bãi rác.
Không gian đậm chất nghệ thuật này được tạo nên từ việc tái chế đồ cũ
|
Chiếc ghế này được nhặt về, làm sạch và khoác lên lớp áo mới
|
Góc đọc sách yên tĩnh tại không gian chung của Mzung
|
“Ở đây tôi đề cao giá trị tinh thần bền vững, kiến tạo một thế giới bằng tri thức, suy tưởng và tâm hồn rộng mở. Ở không gian của Mzung thường xuyên tổ chức các lớp học, workshop đa dạng với phương cách tiếp cận bằng nghệ thuật, phim ảnh, tranh vẽ, mỹ thuật và tái chế”, chị chia sẻ.
Dự án xây dựng này để lại cho chị nhiều cảm xúc nhất trong năm qua. Chính vì những ngày tháng lăn lộn trên 4 công trình tái chế đã cho chị nhiều cơ hội được làm việc với người trẻ Việt Nam sau nhiều năm đứt quãng khi chị làm việc ở nước ngoài. Họ khiến chị có niềm tin với điều mình làm là đang tạo ra giá trị và không hề vô nghĩa.
Đối tượng chị nhắm đến cho các hoạt động môi trường là học sinh, sinh viên. Họ là những người trẻ đề cao lối sống thực hành 3R: Reduce (Tiết giảm) - Reuse (Tái sử dụng) - Recyle (Tái chế). Các bạn không chỉ biết tận dụng từng mảnh gỗ ép nhỏ, giấy bìa, vải, da… bỏ đi thành những tác phẩm có giá trị sử dụng, mang túi vải và hộp đi chợ. Các bạn còn
lan tỏa điều đó đến các diễn đàn.
Chị cho biết: “Xương sống của không gian này là môi trường và bảo tồn nhưng mô hình tôi xây dựng đó là làm việc với người trẻ. Tôi đã có 3 lứa tình nguyện viên và đã làm cùng nhau công việc nhặt rác và tái chế những loại rác nội thất khó phân hủy. Họ không những cùng tôi đi nhặt rác mà còn thể hiện sự hào hứng với từng món đồ nhặt được để thay đổi nhận thức người dân. Một phần bãi rác tự phát ngay nơi chúng tôi sống đã không còn ai mang bỏ bàn, ghế, sofa, tủ… vì họ học được bài toán kinh tế từ chúng tôi”.
Những ai từng bước vào không gian Mzung Space, nhìn thấy thái độ sống đó ở khắp nơi cũng tự động hiểu được vấn đề nguy cấp của môi trường. Đây là tín hiệu đáng mừng từ cộng đồng. Không phải người dân quá thờ ơ với môi trường, chỉ đơn giản họ chưa hiểu đúng và tìm được cách làm phù hợp cho bản thân.
Những vật dụng bị bỏ đi, về với chị chúng được hồi sinh một lần nữa
|
"Tết lý tưởng là không ai bị áp lực về tài chính"
Với đặc thù công
việc làm phim, chị Mzung gần như không có năm nào đón Tết cùng với gia đình. Không bận làm phim, chị cũng đang chạy một dự án môi trường ở quốc gia nào đó. “Vì là phụ nữ Việt, lại muốn mỗi nơi tôi tới đều phải là nhà của mình, nên bếp của tôi rất đầy đủ nguyên liệu châu Á. Tôi nấu cơm hàng ngày vừa để chăm sóc
sức khỏe vừa để không để mình lạc trong cảm giác nhớ quê hương”, chị tâm sự.
Chị vốn không phải là người thích thú với những ngày lễ, những tiệc tùng, lễ kỷ niệm đông người, nhưng Tết lại là một điều đặc biệt với những người thường di chuyển như chị. Tết là
văn hóa của các quốc gia châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng. Tết mang đến cả không gian và thời gian để mọi người lắng đọng, tha thứ và hy vọng. Nhưng, những quan điểm cũ kỹ và thói quen hưởng lạc của người Việt khiến Tết trở nên xấu xí.
Tranh tại Mzung Space do chị Mzung thực hiện trên những chất liệu bỏ đi như vải, bìa
|
Những hình ảnh được nhiếp ảnh gia Tăng A Pảu chụp lại trên hành trình làm phim của chị Mzung và tặng lại chị
|
Ngoài tranh, ảnh, sách luôn là người cảm hứng với chị. Vì thế, Mzung Space có một không gian đọc sách riêng
|
Chị và các bạn tình nguyện viên đi thu nhặt vật dụng bỏ đi và dọn rác do người dân vứt tại bãi đất trống
|
“Một cái Tết lý tưởng với tôi đó là cái Tết không ai còn bị áp lực về tài chính trang trải cho 3 ngày mồng và 1 tuần nghỉ ngơi hiếm hoi của người Việt. Để có thể ‘sum vầy, đầm ấm’, thì trước đó họ phải lao đi kiếm tiền đến kiệt sức để những ngày Tết tha hồ sắm sửa đủ đầy. Vì quan niệm cũ kỹ và thói quen hưởng lạc này mà chủ nghĩa tiêu thụ đã có cơ hội lên ngôi ở Việt Nam”, chị thở dài nói.
Các cơn lốc mua sắm “xả hàng”, “giảm giá”, “đại giảm giá”, “Black Friday”… đã quần thảo từ không gian mạng đến các chuỗi cửa hàng mua sắm sầm uất. Người ta nô nức đổ tiền mua sắm đồ mới rồi đẩy đồ cũ ra khỏi nhà. Khi mang đồ đạc mới về nhà đồng thời sẽ kéo theo khối lượng bao bì, vỏ hộp, băng keo, xốp chống giảm sốc đi kèm.
Người dân kéo chúng ra thùng rác, chất đầy ụ. Xe tải lớn thì kéo ra bãi rác khổng lồ, nằm chờ. Trong khi đó, các tập đoàn công ty lớn đạt được mục đích của họ là kích cầu mua sắm với đủ chiêu thức quảng cáo và đẩy trách nhiệm môi trường về phía các tổ chức môi trường phi chính phủ và nhân viên thu gom rác.
Từ một cô gái sợ bẩn, sợ rắn rết, chị trở thành người chịu được nhiều áp lực, luôn suy nghĩ tích cực và mê rắn như người ta mê mèo
|
Lý giải nguyên nhân, nhà làm phim cho biết: “Người Việt đã quên mất văn hóa của họ là ăn chắc mặc bền, cần kiệm và giản dị. Ngày nay mọi thứ trở nên quá dễ dàng chọn lựa, khiến họ chỉ muốn nhanh và tiện. Khi đất nước lâm vào cảnh ô nhiễm bởi cơn lốc rác nhựa thì động thái của họ rất chậm rãi. Nếu chậm thêm vài năm nữa, Việt Nam sẽ trở thành bãi rác khổng lồ nổi tiếng thế giới".
Những chuyến đi đem đến cho chị nhiều trải nghiệm, nhiều mối quan hệ mới
|
Dự án Trả lại Đà Lạt xanh do chị khởi xướng với hoạt động đầu tiên là tháo dỡ nhà kính, nhà lồng
|
Ngoài làm phim, chị Mzung còn là một nghệ sĩ đa tài, thử sức trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật
|
“Ý thức” là từ được nhắc đến nhiều nhất trong các diễn đàn, “thay đổi ý thức” là giải pháp và người ta truyền tai nhau, nhưng chế tài vẫn là điều mà chị và những người hoạt động môi trường trông đợi nhất.
Chị bộc bạch: “Tôi vẫn lần mò trong bóng tối để hiểu cộng đồng. Với hàng loạt đối tượng người trẻ mà tôi đang quan sát và cọ xát, đôi khi họ khiến tôi tràn đầy hứng khởi và hi vọng, nhưng không lâu sau đó tôi lại đầy hoang mang khi nhìn thấy rác bay đầy cổng một
trường đại học”.
Mặc dù vậy, giải pháp hiện tại của chị vẫn là
giáo dục người trẻ để chính họ sẽ trở thành kênh truyền thông gia đình. Việc họ góp tiếng nói đến một phần xã hội nhỏ sẽ khiến cho sự thay đổi bắt đầu từ dưới lên.
Bình luận (0)