Nguy cơ tham nhũng, “lợi ích nhóm” rất cao
Sáng 25.9, Tạp chí Cộng sản phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức hội thảo Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới.
“Phương thức lãnh đạo thông qua công tác quản lý, xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ còn không ít yếu kém, sơ hở, chưa chặt chẽ. Trong điều kiện Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, đội ngũ đảng viên nắm giữ hầu hết các vị trí chủ chốt trong bộ máy nhà nước, có quyền lực rất lớn và nguy cơ tha hóa quyền lực, quan liêu, tham nhũng, “lợi ích nhóm” rất cao”, ông Thành nêu.
Ông Thành cũng chỉ rõ hàng loạt bất cập: việc “nhất thể hóa” nhiều chức danh vẫn chỉ ở cấp địa phương và rất khó khăn khi “nhất thể hóa” ở cấp T.Ư, đặc biệt ở các chức danh mang tính “then chốt”. Cơ chế giới thiệu, bầu cử trong Đảng với ứng cử, bầu cử của Nhà nước vẫn có những chỗ chưa liên thông, để bảo đảm “ý Đảng” hợp với “lòng dân” dựa trên nguyên tắc cạnh tranh dân chủ.
Kiểm soát các nguồn lực, trước hết là nguồn lực kinh tế, bảo đảm phục vụ đúng đường lối của Đảng vẫn là khâu yếu, phương thức không rõ ràng, nên ở nơi này hay nơi khác có tình trạng “chệch hướng bản cục bộ”, phân tán nguồn lực, tham nhũng, lãng phí.... Theo ông Thành, đây chính là những lực cản, những điểm nghẽn mạch cần cấp bách sửa chữa và khắc phục để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới.
“Bí thư do đại hội bầu thì mọi thứ sẽ khác”
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, nhấn mạnh Đảng cầm quyền thông qua hệ thống pháp luật của nhà nước. Nhận thức sâu sắc vấn đề này, nên từ năm 1946, sau khi thành lập chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ tới việc soạn thảo bản Hiến pháp đầu tiên. “Nhà nước pháp quyền chính là điều kiện tốt nhất để thực hiện sự lãnh đạo của Đảng trong điều kiện một đảng cầm quyền như ở nước ta. Càng hoàn thiện nhà nước pháp quyền thì càng tạo điều kiện để củng cố vai trò cầm quyền của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng đất nước”, ông Phúc chia sẻ.
Từ bài học trong công tác cán bộ của Hà Giang, Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh chia sẻ kinh nghiệm nhận xét, đánh giá cán bộ, đảng viên cả về “định tính” lẫn “định lượng” tại tỉnh này. “Tỉnh Hà Giang có nhiều khó khăn nhưng chính trị Hà Giang ổn định vì sức đề kháng của hệ thống chính trị Hà Giang rất tốt. Tôi nói như vậy chắc là nhiều người nghĩ tới chuyện năm 2013 trên Facebook nói về chuyện gia đình làm quan và vừa rồi là gian lận thi cử. Việc đó không sao, phải đối mặt với thực tế, vượt qua nó thôi. Nhưng điều tôi đang nói ở đây là có thật”, ông Vinh chia sẻ.
|
Nhấn mạnh chất lượng đảng viên, tổ chức Đảng trong việc tạo nên “sức mạnh” của Đảng, GS-TS Nguyễn Văn Huyên, nguyên Viện trưởng Viện Chính trị học, cho rằng tình trạng ngại học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, tri thức dẫn đến học để đối phó, học để có bằng cấp, để tìm cơ hội “chui” vào các cương vị trong Đảng, Nhà nước đang là nguy cơ làm thoái hóa sức mạnh và sức chiến đấu của Đảng. Do đó, theo GS-TS Huyên, để Đảng mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên phải là một hạt nhân trí tuệ, tài năng của Đảng.
Hiến kế đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, PGS-TS Lê Minh Thông, trợ lý Chủ tịch Quốc hội, đề nghị suy nghĩ để đổi mới phương thức bầu cử trong Đảng vì cho rằng, “có bầu cử tốt trong Đảng mới bầu cử tốt trong Nhà nước”. “Thực tiễn bầu cử HĐND các cấp và Quốc hội vừa rồi cho thấy, có những người được giới thiệu nhưng trượt, nhân dân không tín nhiệm. Vừa rồi chúng ta thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND nhưng nhiều nơi không thực hiện được. Trúng bí thư cấp ủy nhưng lại không trúng HĐND. Nhiều người từ cấp ủy sang nhưng nhân dân không tín nhiệm”, ông Thông chia sẻ.
Ông Thông đề nghị cần phải cung cấp các thông tin cần thiết cho đảng viên về nhân sự đại hội để tránh tình trạng râm ran tin đồn. “Chúng ta quy hoạch hơn 200 nhân sự vào diện ủy viên T.Ư khóa 13 thì 200 người đó phải được công khai để đảng viên biết để giám sát. Bộ Chính trị vừa quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền nhưng đảng viên muốn kiểm soát được thì phải biết thông tin, chứ không biết thì sao kiểm soát được?”, ông Thông nêu.
Một vấn đề khác cũng được ông Thông đề nghị “suy nghĩ” là việc bầu cử trực tiếp tại đại hội hay không. Theo ông, cần có tổng kết về đại hội bầu trực tiếp bí thư, để tiến tới bầu trực tiếp bí thư ở các đại hội, kể cả ở cấp cao nhất là Tổng bí thư. “Nếu bí thư do đại hội bầu thì mọi thứ sẽ khác. Như thế sẽ là người đứng đầu tổ chức Đảng. Vị thế sẽ rất khác”, ông Thông nhấn mạnh.
Bình luận (0)