GS - dịch giả Nguyễn Chí Thuật với sự cộng tác của nhà thơ Ba Lan Kalina Izabela Ziola đã chuyển ngữ những bài thơ của nhà thơ Trương Anh Tú. Tập thơ sẽ được Nhà xuất bản Ofcyna Wydawnicza G&P gửi đến thư viện của nhiều thành phố cũng như thư viện của nhiều trường đại học tại Ba Lan.
Nhân dịp này, từ Đức, nhà thơ Trương Anh Tú đã cùng trò chuyện với phóng viên Thanh Niên xoay quanh tập thơ này.
Những tín hiệu của cái đẹp
Anh đã “thai nghén” Hoa ban mai - Poranne Kwiaty như thế nào?
- Nhà thơ Trương Anh Tú: Tôi nghĩ có thể bắt đầu từ mối “nhân duyên” khi tôi và GS - dịch giả Nguyễn Chí Thuật cùng tham gia cuộc gặp gỡ Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc tại Hà Nội vào tháng 10. 2017 theo lời mời của Hội Nhà văn Việt Nam.
Sau cuộc gặp ấy, chúng tôi vẫn liên lạc với nhau, cũng như với một vài nhà thơ, nhà văn khác để trao đổi về văn chương và chuyện viết lách.
Nhà thơ Trương Anh Tú |
NVCC |
GS - dịch giả Nguyễn Chí Thuật thỉnh thoảng có gửi cho tôi những bản dịch thơ mà ông dịch từ các nhà thơ Ba Lan; ông trò chuyện cùng tôi về thơ ca, thỉnh thoảng đọc thơ tôi trên báo chí, qua Facebook… để sau đó tập thơ Những mùa hoa anh nói của tôi nằm trong “tầm ngắm” của ông để chuyển ngữ. Có thể giáo sư đã tìm thấy trong thơ tôi một giọng thơ - một tiếng nói thơ Việt đương đại mà ông cần giới thiệu với bạn đọc Ba Lan.
Tôi còn nhớ một buổi sáng, GS - dịch giả Nguyễn Chí Thuật có gọi cho tôi báo rằng, ông vừa dịch 10 bài thơ của tôi từ tập Những mùa hoa anh nói và gửi cho nhà thơ Kalina Izabela Ziola (lúc ấy tôi chưa từng biết nữ nhà thơ này) để bà đọc, cho ý kiến, có nên dịch thơ tôi không.
Rất vui là ngay sau đó nhà thơ Kalina Izabela Ziola đã nồng nhiệt tán thành việc chuyển ngữ, bà nói muốn được đọc tiếp những bài thơ của tôi; bà cũng đưa ra những ý kiến, sát cánh cùng GS Nguyễn Chí Thuật để tập thơ được hoàn thành một cách tốt nhất.
Tập thơ Hoa ban mai - Poranne Kwiaty đã được ra đời như thế, với khoảng 2/3 những bài thơ trong tập được chọn dịch từ tập thơ Những mùa hoa anh nói (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2018) và 1/3 các bài thơ còn lại là những bài thơ mới nhất của tôi.
Bìa tập thơ Hoa ban mai được xuất bản tại Ba Lan |
NVCC |
Trong số những bài thơ mới, có bài nào được anh viết trong khoảng thời gian dịch bệnh?
Tôi viết khá nhiều thơ trong thời gian đại dịch, trong số này có khoảng gần một chục bài thơ đã được giới thiệu trên nhiều tạp chí, nhật báo, trong đó có Báo Thanh Niên. Có thể chính những biến cố từ đại dịch trong thời gian này khiến chúng ta phải suy ngẫm nhiều hơn về sinh thái, về hành xử của con người với thế giới xung quanh.
Đa số những bài thơ tôi viết không nhắc đến chữ “Covid” mà nói nhiều đến đời sống, đến thiên nhiên, đến những tiếng gọi sâu thẳm của trái tim con người mà nếu lắng nghe chúng ta sẽ nghe thấy. Như bài thơ Song hành tôi đã viết những câu thế này: “Một trái đất/ Một bầu trời//Một đôi chân nhỏ/ Một con đường dài// Một đêm tối/ Một ban mai// Một bông hoa nở/ Một lời nở hoa”. Con người trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù trên “một con đường dài” hay trong “một đêm tối” thì ban mai vẫn ở phía trước, vẫn đánh thức chúng ta mỗi sáng và những bông hoa thì vẫn nở.
Hiểu rộng hơn, con người luôn phải vượt qua những khó khăn, thử thách bằng chính đôi chân của mình với niềm tin và ánh sáng. Với mỗi bài thơ, tôi đều muốn mang đến những tín hiệu của cái đẹp, mang đến nhiều tầng suy ngẫm để độc giả tự khám phá, cảm nhận.
GS - dịch giả Nguyễn Chí Thuật và nhà thơ Ba Lan Kalina Izabela Ziola |
NVCC |
Tâm hồn của một nhà thơ như anh có trở nên “mong manh” hơn khi đại dịch đến và nhất là lại ở nơi xứ người?
Ở châu Âu, nhìn chung tôi thấy người dân ít có tâm lý hoang mang hay quá sợ hãi trước đại dịch; đa phần họ bình tĩnh và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch do các cơ quan chức năng đưa ra; hầu hết mọi người đều xác định “sống chung với lũ”.
Cuộc sống luôn tiềm ẩn những rủi ro mà con người có thể phải gánh chịu. Nói đến cùng thì dịch Covid-19 cũng giống như những tai ương có thể ập đến như thiên tai, bệnh tật, tai nạn giao thông… mà con người dù muốn hay không đều phải đối mặt. Hoảng sợ hay phản ứng thái quá không đem lại sự bình tĩnh để có thể thực hiện những biện pháp phòng chống dịch đúng đắn và hợp lý.
Trong bài thơ Tình yêu không lời tôi đã viết: “Lặng những dòng sông/Hóa thành biển cả/Quên mình chiếc lá/Rơi về mùa xuân"... Những chiếc lá rơi vào mùa thu, đi qua mùa đông… để rồi mùa xuân sẽ đến. Sự sống luôn được tái tạo. Sự sống - cái chết luôn là một phần của đời sống. Quý trọng cuộc sống, cố gắng sống hết mình, sống có ích mới là ý nghĩa của sự sống.
Cần tiếng nói của thời đại, của đời sống
Hoa ban mai - Poranne Kwiaty là tập thơ song ngữ đầu tiên của anh?
- Đúng vậy, tập thơ Hoa ban mai - Poranne Kwiaty là tập thơ song ngữ đầu tiên của tôi. Song song với công trình dịch thuật của GS - dịch giả Nguyễn Chí Thuật, dịch giả Việt Phạm (từ Canada), dịch giả Nguyễn Thị Phương Trâm (từ Úc) cũng đã dịch một số bài thơ của tôi sang tiếng Anh.
Thạc sĩ giáo dục - dịch giả Võ Thị Như Mai (hiện là giáo viên tại Úc) - người từng viết một bài phân tích, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về ngôn ngữ/từ vựng được sử dụng trong tập thơ Những mùa hoa anh nói, cũng đã chuyển ngữ được khoảng hơn 20 bài thơ của tôi để giới thiệu với bạn đọc tiếng Anh.
Hy vọng trong thời gian tới, tôi có thể cùng các dịch giả hoàn thành những cuốn sách mới trong những ngôn ngữ khác.
Anh có ý định tự thử thách với việc tự chuyển ngữ những bài thơ của mình sang tiếng Đức?
Một câu hỏi rất thú vị và cũng là lời đề nghị mà một số bạn viết dành cho tôi. Tôi nghĩ là mình sẽ làm nhưng cần có thêm thời gian. Bản thân tôi đã dịch một vài bài thơ tiếng Đức sang tiếng Việt khi tôi thấy hay và cần thiết, nhưng để dịch từ tiếng Việt sang tiếng Đức tôi cần sự hợp tác, cần có tư duy của người Đức như là sự cộng tác của một nhà thơ có tiếng mẹ đẻ là tiếng Đức.
Thực ra, tôi nghĩ, đối với một nhà thơ, một người cầm bút thì điều thúc bách, quan trọng nhất là làm sao có thể viết ra những tác phẩm cất lên tiếng nói của thời đại, của đời sống. Một tác phẩm khi được ra đời trong một ngôn ngữ nào đó, nếu mang tính phổ quát của nhân loại, mang những trăn trở về thân phận con người, về chiến tranh và hòa bình, về tự do, về môi trường sinh thái, về trái đất chúng ta đang sống… thì tự thân tác phẩm đó đã mang những cánh cửa, những cầu nối để có thể đến với bạn đọc khắp nơi.
Hãy ngước nhìn những bông hoa ban mai mỗi sớm
Với tập thơ Hoa ban mai - Poranne Kwiaty anh muốn gửi gắm điều gì tới bạn đọc?
Trái đất - ngôi nhà chung của chúng ta đang sống vẫn đang đứng trước những nguy cơ bị hủy hoại. Bạo lực, xung đột, chiến tranh, thiên nhiên bị tàn phá, sự hủy hoại môi trường vẫn đang tiếp tục nặng nề. Nếu tiếp tục như thế con người sẽ không bao giờ vượt qua cái bóng của chính mình, sẽ đi đến bức tường không có lối thoát.
Chúng ta hãy ngước nhìn những bông hoa ban mai mỗi sớm, tưởng tượng là một thân cây, một bông hoa đang đứng giữa đất trời. Cái đẹp sự sống mang đến hy vọng. Thơ ca mang đến hy vọng. Thơ ca là một tấm gương, một con đường để chúng ta suy ngẫm, soi chiếu hiện thực, vượt qua hiện thực, bước trên hành trình vô tận của cái đẹp.
Dịch văn học, đặc biệt là dịch thơ là một công việc khó khăn và nhọc nhằn, đòi hỏi người dịch phải có sự bền bỉ, phải có những giây phút thăng hoa, xuất thần để đồng điệu cùng tác phẩm, như một quá trình đồng sáng tạo.
Trong quá trình dịch tập thơ Hoa ban mai, GS Nguyễn Chí Thuật có kể cho tôi những kỷ niệm khi ông tiếp xúc với tác phẩm, dành nhiều tâm sức, nhiệt huyết cho tập thơ. Ông gửi cho tôi những tấm ảnh chụp những bản dịch khi ông đọc thơ và xuất thần dịch ngay những bài thơ của tôi trên giấy.
Tôi thực sự vui và xúc động khi tập thơ Hoa ban mai được xuất bản ở Ba Lan - một đất nước có nhiều thành tựu về văn chương và nghệ thuật. Việc một dịch giả uy tín, có bề dày kinh nghiệm như GS - dịch giả Nguyễn Chí Thuật bỏ sức để dịch tập thơ Hoa ban mai là một niềm vui cho tôi - tác giả tập thơ, đồng thời cũng là một “chỉ số” tin cậy cho bạn đọc để có thể hình dung về thơ Trương Anh Tú, về giá trị tác phẩm.
Tôi tin rằng, tập thơ sẽ có thể mang đến cho bạn đọc những bông hoa ban mai đúng nghĩa - những bông hoa của tình yêu thương, lòng vị tha, của một thế giới biết yêu thương con người.
Bình luận (0)