Theo Báo cáo thị trường nhân lực ngành công nghệ thông tin (CNTT) năm 2019 của Tập đoàn nhân sự Navigos, mức lương trung bình của nhóm kỹ sư phát triển phần mềm liên quan AI là 1.844 USD/tháng (tương đương 43 triệu đồng). Nhân lực trong ngành AI còn nhận các chế độ ưu đãi khác như thưởng lương tháng 13, thưởng tết, thưởng theo các dự án...
Khó khăn trong tuyển dụng
Mặc dù trả mức lương khá cao nhưng các doanh nghiệp vô cùng khó khăn trong tuyển dụng. Ông Trần Hồng Thắng, Giám đốc Ban Quản trị dữ liệu (Ngân hàng VietinBank), cho hay: “Chúng tôi phải mất 4 năm mới tuyển dụng được 3 vị trí cần sử dụng công nghệ AI nhưng đều chưa đáp ứng được chuyên môn công việc. Thực tế, những người giỏi về công nghệ AI lại ít am hiểu các chuyên môn nghiệp vụ của ngành ngân hàng. Điều này dẫn đến việc các mô hình tính toán, phân tích rất tốt được tạo ra nhưng nghịch lý là những người tiếp nhận và sử dụng lại không chấp nhận, vì quá khó hiểu”.
Tai hội thảo Phát triển nhân lực AI trong lĩnh vực khoa học dữ liệu do Bộ KH-CN tổ chức mới đây, Giáo sư Nguyễn Thanh Thủy, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết nguồn cung cấp chuyên gia AI chủ yếu là tu nghiệp tại nước ngoài, từ một số trường ĐH danh tiếng về công nghệ. Một số doanh nghiệp lớn của VN cũng tung ra chính sách chiêu mộ tài năng AI nhưng số lượng vẫn không đáp ứng tốc độ phát triển nói chung.
“Theo Google Brain, nhu cầu nhân lực phục vụ AI là 1 triệu người, nhưng chỉ có khoảng 10.000 nhân lực chất lượng cao đáp ứng. Tại VN, dự báo trong năm 2019 sẽ thiếu 70.000 - 90.000 nhân sự công nghệ thông tin trên tổng nhu cầu 350.000 nhân lực toàn thị trường”, Giáo sư Nguyễn Thanh Thủy nói.
Theo Google Brain, nhu cầu nhân lực phục vụ AI là 1 triệu người, nhưng chỉ có khoảng 10.000 nhân lực chất lượng cao đáp ứng. Tại VN, dự báo trong năm 2019 sẽ thiếu 70.000 - 90.000 nhân sự công nghệ thông tin trên tổng nhu cầu 350.000 nhân lực toàn thị trườngGiáo sư Nguyễn Thanh Thủy, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) |
Ngành mũi nhọn trong tương lai
Để bắt kịp nhu cầu thị trường lao động chất lượng cao, một số trường ĐH đã bắt đầu mở thêm chuyên ngành đào tạo AI.
Tiến sĩ Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (ĐH Bách khoa Hà Nội), cho biết năm 2019 là năm đầu tiên trường tuyển sinh 2 ngành đào tạo liên quan đến AI với điểm số đầu vào 27 thuộc nhóm cao nhất trường. Ông Tùng cũng cho hay một công ty của Nhật Bản vừa tuyển 12 sinh viên chương trình kỹ sư công nghệ thông tin Việt - Nhật sang làm việc với mức lương 6.000 USD/tháng (tương đương hơn 130 triệu đồng/tháng).
Với 143 triệu điện thoại, máy tính đang sử dụng tại VN, Giáo sư Hồ Tú Bảo, Viện trưởng Viện John von Neumann (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhận định đây chính là cơ hội để phát triển nhân lực AI của VN.
“Việc tìm kiếm những bậc thầy đào tạo AI để phát triển nhân lực là yếu tố quan trọng, chúng ta cần tập trung nguồn lực bao gồm các chuyên gia trong và ngoài nước để xây dựng nền tảng AI vững mạnh. Các doanh nghiệp cần phối hợp với đơn vị đào tạo đưa giáo trình và khóa học ngắn hạn tạo ra lộ trình phát triển nhân lực AI chuyên nghiệp”, ông Bảo bày tỏ.
Còn Giáo sư Nguyễn Thanh Thủy cho rằng các trường ĐH đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin cần tìm mô hình đào tạo phù hợp, ngoài đào tạo văn bằng 2 tại các trường này, cần bổ sung các kiến thức AI vào chương trình của các trường ĐH về kinh tế và kỹ thuật.
Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy cho biết từ năm 2017 Chính phủ đã xác định AI là một trong những công nghệ đột phá, mũi nhọn, cần được triển khai, nghiên cứu. Gần đây, Bộ KH-CN cũng đã phê duyệt chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển ứng dụng công nghệ.
Ông Gaku Echizenya, Tổng giám đốc Navigos Group, cho biết: “Nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành công nghệ thông tin ngày càng tăng cao; để giải quyết vấn đề khan hiếm nhân lực có chuyên môn về AI, doanh nghiệp VN có thể chủ động đào tạo những nhân tài tiềm năng, đồng thời tạo cơ hội việc làm mới cho những nhóm nhân lực có chuyên môn ở những ngành không còn là xu hướng. Ngoài ra, nhằm thu hút và giữ chân nhân tài tốt hơn, có thể cân nhắc cải thiện môi trường làm việc phù hợp”.
Bình luận (0)