Không ngoa chút nào đối với một con người luôn có ý thức tiết kiệm điện trong nhà hay nơi mình đi, mình đến. Buồn thay cho sự quá lãng phí điện vẫn còn đang diễn ra.
Trước cửa nhà của một số gia đình, dù mặt trời đã lên cao nhưng đèn điện vẫn sáng. Dẫu biết rằng kinh tế gia đình họ khá giả, tiền điện cho một bóng đèn sáng ban ngày không thấm vào đâu. Song đối với gia đình hoàn cảnh khó khăn, đó là khoản tiền đáng suy nghĩ. Nhưng trên hết là ý thức tiết kiệm điện, tiết kiệm không chỉ cho mình mà cho cả cộng đồng. Rồi nhiều hộ kinh doanh cũng thế.
Có những hộ nguyên dãy bóng đèn nằm ngoài mặt đường vẫn sáng đèn, dù cho trời nắng chang chang, dãy đèn phản tác dụng không chỉ gây lãng phí mà còn làm cho khu vực đó nóng thêm. Xót nhất là nhìn thấy dãy đèn cao áp thắp sáng ban ngày.
Tuy nhiên, không phải lúc nào đèn đường sáng ban ngày cũng là sự lãng phí điện, bởi có những trường hợp đang sửa chữa, nâng cấp. Để sử dụng đèn đường hiệu quả, cơ quan chức năng cần sử dụng hệ thống tắt mở tự động. Tuy nhiên cũng cần linh hoạt theo thời tiết, theo mùa để điều chỉnh cho phù hợp. "Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng/Ngày tháng mười chưa cười đã tối", thời tiết mưa nắng, sương mù… là những yếu tố để chúng ta cần điều chỉnh phù hợp nguồn sáng để tránh lãng phí và đảm bảo an toàn cho người đi đường. Cần tiết kiệm điện từ cá nhân đến tập thể, từ trong nhà ra ngoài phố vì tiết kiệm điện không của riêng ai, là trách nhiệm của mỗi con người.
Bởi vậy, những dòng chia sẻ này, tôi xin kể về một người, là tấm gương sáng về tiết kiệm điện cho cộng đồng, cụ thể là khu phố chúng tôi. Đó là bác Nguyễn Ngọc Sơn, bộ đội về hưu.
Tấm gương sáng trong việc tiết kiệm điện vì cộng đồng
Con hẻm chúng tôi khá dài và rộng, được gắn hệ thống đèn đường mười mấy năm nay. Trước đây chưa có đèn đường nên ban đêm ánh đèn rất hạn chế, gây khó khăn trong quá trình đi lại, và có phần bất an khi kẻ trộm đột nhập. Chủ yếu ánh sáng từ trong các ngôi nhà hay vài bóng đèn gắn trước cổng của một số hộ gia đình chiếu sáng.
Sau đó tổ trưởng các tổ cùng người dân tổ chức họp và quyết định thắp sáng hẻm của mình. Và kể từ khi có đèn đường chiếu sáng, bác Nguyễn Ngọc Sơn trở thành "nhân vật chinh", là người chủ động tắt mở đèn mỗi ngày.
Mỗi buổi chiều, khi hoàng hôn buông xuống, bác Sơn ra cổng bật đèn. Mỗi sáng sớm, khi bình minh sắp đón chào ngày mới, bác lại ra cổng tắt đèn. Hình ảnh thân thuộc, thân thương ấy cứ diễn ra mỗi ngày. Một việc làm tưởng như giản đơn (bật công tắc lên, tắt công tắc xuống) nhưng không phải ai cũng làm được.
Điều kiện thuận lợi để bác làm việc này là ổ điện nằm ngay cổng nhà bác, bác lại là bộ đội về hưu. Song, đó chỉ là điều kiện "cần". Còn điều kiện "đủ" là ý thức của bác trong việc tiết kiệm điện cho tập thể. Nói thẳng, có nhiều người điều kiện "cần" tương đồng với bác, còn điều kiện "đủ", khó ai làm được như thế.
Bác rất có trách nhiệm trong việc tiết kiệm điện cho bà con. Mỗi khi bác về quê (dịp hè), bác thường "nhờ" chúng tôi mở và tắt đèn. Thực ra khi bác không ở nhà thì đó là trách nhiệm của chúng tôi, nhưng bác vẫn "nhờ" như thế. Điều đó khiến chúng tôi quý bác hơn và có trách nhiệm hơn. Hay mỗi khi đi thăm bà con ở TP.HCM, bác cũng hay dặn chúng tôi việc này. Ngoài ra, những dịp cuối tuần có tiệc, dù mệt nhưng bác vẫn cố dậy để tắt đèn rồi vào… ngủ tiếp. Thỉnh thoảng có giấc ngủ "no say", bác gái là người chủ động ra tắt đèn, hay chúng tôi tự ý thức bước đến tắt.
Có những lúc bác cũng buồn bởi khi bác ngủ quên, đèn đường vẫn còn chiếu trong lúc trời đã sáng nhưng một số người tập thể dục qua đó, dù biết chỗ tắt đèn nhưng họ vẫn… coi như không. Chẳng khác gì đó không phải là chuyện của mình. Thời gian gần đây, vì nhiều lý do nên nhiều người đã ý thức hơn, trời sáng thấy đèn chưa tắt nên họ đã chủ động… tiết kiệm điện. Đó cũng là điều đáng ghi nhận.
Bên cạnh tiết kiệm điện cho cộng đồng, bác Nguyễn Ngọc Sơn còn nhiệt tình trong một số công việc giúp hàng xóm khi gia đình có việc cần và cũng nhiều lần tham gia "vá đường" khi một số đoạn trong hẻm xuống cấp…
Bác Nguyễn Ngọc Sơn là tấm gương sáng trong việc tiết kiệm điện vì cộng đồng. Nếu không có bác, những hộ dân trong tổ sẽ phải đóng tiền điện cho việc thắp sáng đèn đường nhiều hơn. Chính nhờ việc làm của bác làm cho một số người ý thức hơn trong việc tiết kiệm điện, từ đó hình thành thói quen tiết kiệm điện từ "trong nhà ra phố". Bởi vậy, tiết kiệm điện là chuyện không của riêng ai!
Ngồi viết những dòng chia sẻ này thì đồng hồ cũng đã điểm qua ngày mới, tôi thầm cảm ơn bác Nguyễn Ngọc Sơn rất nhiều. Cảm ơn tấm gương sáng tiết kiệm điện cho cộng đồng và giúp nhiều người ý thức hơn và hình thành thói quen "biết mình biết ta" trong việc tiết kiệm điện. Đó là người đã lan tỏa sống đẹp, sống tử tế tới nhiều người. Việc làm của bác Nguyễn Ngọc Sơn thật đáng trân quý và ghi nhận.
99 triệu đồng và quà tặng cho Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen"
Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.
Cuộc thi viết về các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi "Tiết kiệm điện thành thói quen"). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6 - 31.8.2023. (Bài viết dự thi đăng báo sẽ được vào vòng trong và không chấm nhuận bút).
Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.
Bình luận (0)