Là người viết lách, tôi rất thận trọng với vấn đề bảo mật và quyền riêng tư. Tôi sử dụng một chương trình bảo mật cao khi liên hệ với các nguồn tin qua internet. Bởi không chỉ muốn bảo vệ bản thân mình, mà còn cả những nguồn tin của tôi nữa. Vậy nên tôi dùng một một phần mềm có phí từ một nhà phát triển rất nổi tiếng. Cho chắc ăn!
Vậy nên khi có ai đó mời tôi tham dự hội thảo trên web thông qua Zoom, ứng dụng gọi video đột nhiên trở nên rất phổ biến như hiện nay, tôi sẽ suy nghĩ đi suy nghĩ lại ít nhất là… ba lần. Cuối cùng thì tôi từ chối lời mời tham dự một hội thảo như vậy.
Do đó, khi nhận được một cái gọi là “Lời mời độc quyền” tham dự một hội thảo trực tuyến, tôi đã từ chối.
Không gì sai khi tiến hành hội thảo trên web, thông qua một nền tảng hội họp video trong thời đại dịch Covid-19 này. Nhưng vấn đề là hội thảo trực tuyến được tiến hành thông qua nền tảng Zoom. Mà tôi thì rất sợ các “zoombombers” vì, qua đó, họ có thể cài đặt những phần mềm độc hại vào máy tính của tôi; do vậy, sẽ phá hủy thông tin nhiều năm thu thập một cách cẩn thận của tôi. Đó là chưa kể đến những phiền toái khác.
Thật vậy, đã có nhiều bài báo nói rằng Zoom không an toàn trong sử dụng. Những nghị sĩ Mỹ đã được cảnh báo rằng không nên sử dụng Zoom, do sẽ bị rủi ro về bảo mật. Google cũng đã cấm nhân viên cài đặt phần mềm Zoom trên thiết bị của họ.
Và kể từ 10.4, Bộ Giáo dục Singapore đã không cho phép các trường sử dụng Zoom cho việc học qua mạng tại nhà. Vào hôm 7.4, Đài Loan thậm chí còn ra lệnh chính thức cấm việc sử dụng nền tảng Zoom trong trường học, công ty quốc doanh và cơ quan công quyền.
Còn tuần trước thì Citizen Lab của Đại học Toronto, Canada cho biết phần mềm Zoom dường như đã truyền và nhận các mã và giải mã từ một máy chủ ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Và máy chủ này có khả năng giải mã nội dung âm thanh, video được chia sẻ giữa những người dùng Zoom bên ngoài Trung Quốc. (Sau đó, Tổng giám đốc của Zoom đã lên tiếng xin lỗi vì đã “định tuyến nhầm lượng truy cập qua Trung Quốc”!)
Chuyện "kinh dị" về Zoom do người dùng kể lại cũng đã xuất hiện, như chuyện dưới đây từ micky.com.au, một trang tin tức trực tuyến của Úc: Dennis Johnson, một sinh viên bậc cao học, đã trở thành nạn nhân của sự quấy rối trực tuyến trên Zoom, sau khi những kẻ xâm nhập chiếm đoạt luận án tiến sĩ của anh, đăng những lời lẽ thù hận cùng hình ảnh khiêu dâm lên đó, trong lúc anh dùng ứng dụng Zoom. Đó là “zoombombing”, đã xảy ra với khoảng 40 người tham dự phần trình bày của Johnson, bao gồm bạn bè, gia đình, bạn học và thầy cô giáo đang đánh giá luận án của anh ấy…
"Cẩn tắc vô ưu". Vì vậy, không có lý do gì để sử dụng Zoom cả. Bảo mật và quyền riêng tư là điều tối quan trọng đối với tôi. Và hẳn với bạn cũng như thế.
Bình luận (0)