Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội về đích sớm

Chí Hiếu
Chí Hiếu
03/12/2019 06:25 GMT+7

Tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2019 sẽ hoàn thành, trong đó “nhiều mục tiêu đã cán đích sớm”.

Thông tin trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định khi kết luận cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 11 diễn ra hôm qua (2.12) và được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trao đổi lại trong buổi họp báo diễn ra sau đó ít giờ.

Xuất khẩu từ kinh tế trong nước gấp nhiều lần FDI

Hà Nội nói gì về thông tin “Nhà máy nước sông Đuống làm vỡ quy hoạch”?

Cũng tại cuộc họp báo, trước thông tin cho rằng Nhà máy nước sông Đuống làm vỡ quy hoạch và HĐND TP.Hà Nội không đồng ý việc bù giá nước cho dự án, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, việc đầu tư là đúng quy hoạch. “Theo các quy định về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, UBND cấp tỉnh quy định cụ thể về giá nước ở địa phương. Sau khi xem xét giá tiêu thụ, giá bán lẻ, UBND TP.Hà Nội có trao đổi với HĐND TP bằng văn bản để xử lý vướng mắc khi có chênh lệch giá nước bán lẻ và giá nước tiêu thụ. HĐND TP sau đó có văn bản ghi rõ: UBND TP xin ký kiến Thường trực HĐND TP về phương án giá nước, tạm thời trợ giá cho Nhà máy nước sông Đuống. Đây là thẩm quyền quyết định của UBND TP, đồng thời UBND TP rà soát làm rõ phương án giá nước sạch năm ngân sách 2019, báo cáo HĐND TP khi cần thiết. Do vậy, đây là các văn bản trao đổi chứ không phải là bác bỏ”.
 
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chính phủ thống nhất đánh giá tháng 11 và 11 tháng qua, nền kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tuy có tăng 0,96% so với tháng trước (chủ yếu do giá thịt lợn) nhưng bình quân 11 tháng chỉ tăng 2,57% so với bình quân cùng kỳ - mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua. Các lĩnh vực chủ yếu tiếp tục đà phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 tăng trưởng 2 con số (12,6%, là mức tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây). Tháng 11, lượng khách quốc tế đến VN đạt trên 1,8 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay; lũy kế 11 tháng đạt gần 16,3 triệu lượt người, tăng 15,4%. Xuất khẩu 11 tháng đạt trên 241 tỉ USD, tăng 7,8%, trong đó đáng mừng là khu vực trong nước tăng 18,1% - cao hơn nhiều so với khu vực FDI là 3,8%. Xuất siêu 9,1 tỉ USD, là năm thứ tư liên tiếp chúng ta xuất siêu. Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu của VN sẽ cán đích 500 tỉ USD. Thu hút đầu tư tiếp tục xu hướng tích cực.
Tuy nhiên, tình hình KT-XH cũng nổi lên một số vấn đề tồn tại, hạn chế, như: giá thịt lợn tăng rất cao, do nguồn cung thiếu hụt khi cả nước đã phải tiêu hủy 5,9 triệu con lợn do dịch tả lợn châu Phi. Sản xuất công nghiệp tháng 11 có dấu hiệu tăng chậm lại (tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước); 11 tháng năm 2019 chỉ tăng 9,3%, thấp hơn mức tăng 10% của năm 2018.
Xuất khẩu 11 tháng tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2017 và 2018. Trong khi đó, giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Cùng với đó, phát sinh nhiều vấn đề xã hội, môi trường, an ninh trật tự, như: dịch sốt xuất huyết với 250.000 ca mắc; xuất hiện một số bệnh lạ; an ninh trật tự diễn biến rất phức tạp với tội phạm có yếu tố nước ngoài gia tăng; buôn bán ma túy vẫn không giảm...
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo với các vấn đề nổi cộm hiện nay, như: có biện pháp kịp thời để bình ổn giá thịt lợn trong dịp cuối năm; tập trung ngăn chặn sự lây lan, phát tán, tiến tới khống chế dịch tả lợn châu Phi; tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án trọng điểm, nhất là các dự án ngành điện, bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt; đẩy nhanh công tác chuẩn bị để sớm triển khai các dự án trọng điểm ngành GTVT; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hình ảnh "đường lưỡi bò" trên các ấn phẩm sách báo, phim ảnh, hàng hóa, phần mềm; chỉ đạo thực hiện công khai, minh bạch việc lựa chọn sách giáo khoa giáo dục phổ thông...

An toàn vốn của nhiều ngân hàng đã sát ngưỡng

Bộ Xây dựng tính làm mẫu hợp đồng gắn trách nhiệm các bên khi mua condotel

   Về vấn đề liên quan đến loại hình căn hộ condotel, tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho hay, hiện cả nước có khoảng 30.000 căn hộ condotel và số giao dịch hiện đã giảm một nửa so với lúc cao điểm 2016 - 2017, sau những cảnh báo của Bộ cũng như chỉ thị về phát triển thị trường bất động sản lành mạnh hồi tháng 4. Tại chỉ thị, Thủ tướng đã giao các bộ hoàn thiện thể chế với loại hình này trong tháng 12 này. Theo đó, Bộ Xây dựng cần hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan. Bộ VH-TT-DL được giao ban hành quy chế quản lý kinh doanh loại hình này. Trong khi Bộ TN-MT được yêu cầu có văn bản hướng dẫn cụ thể về chế độ sử dụng đất và cấp quyền sử dụng đất. Về phần việc của Bộ Xây dựng, ông Hùng cho biết, Bộ có thể sẽ kiến nghị ban hành văn bản pháp luật, hướng dẫn mẫu hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp của condotel, trong đó quy định quyền và trách nhiệm của người bán và người mua.
 
Tại buổi họp báo, nhiều vấn đề nóng cũng đã được báo chí đặt ra với đại diện các bộ, ngành... Trả lời câu hỏi giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước trong bối cảnh Quốc hội không đồng ý đưa nội dung tăng vốn điều lệ cho 4 ngân hàng lớn vào nghị quyết kế hoạch KT-XH năm 2020, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận: Các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước trên 50% (như Agribank) đang có tỷ lệ an toàn vốn sát ngưỡng quy định tỷ lệ an toàn vốn. Do đó, nếu không được tăng vốn, các ngân hàng thương mại này sẽ phải hạn chế cấp tín dụng hoặc dừng cấp tín dụng. Điều này rất ảnh hưởng đến nhu cầu về vốn đầu tư trong phát triển KT-XH. “Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang tích cực thực hiện ý kiến của Bộ Chính trị trong việc tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng”, bà Hồng nói.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi liệu Chính phủ có giao cho Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) làm chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành như đề xuất ban đầu hay không, sau khi Quốc hội có nghị quyết, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nói: “Trong quá trình trình phương án khả thi cho Chính phủ, Bộ GTVT đã đề xuất, báo cáo Chính phủ về việc giao ACV làm chủ đầu tư và Chính phủ cũng đã báo cáo Quốc hội giao cho ACV làm chủ đầu tư. Nếu được giao trong thời gian tới, Bộ GTVT với tư cách là cơ quan tổ chức thực hiện dự án này sẽ tiếp tục rà soát và báo cáo Chính phủ tìm đơn vị có năng lực thích hợp với các hợp phần”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.