Nhiều combo hàng giá cao, chất lượng chưa đạt

Nguyên Nga
Nguyên Nga
28/08/2021 06:32 GMT+7

Nhiều người dân phản ánh, mua hàng theo combo đôi khi chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu, thậm chí giá thành một combo khá cao so với khả năng của người dân.

Giá trị đơn hàng cao và chất lượng chưa đồng đều

Ngày 27.8, một số người dân tại P.13, Q.Bình Thạnh phản ánh, 2 combo “đi chợ hộ” mà các khu phố giới thiệu tại địa phương có giá trị 350.000 đồng và 500.000 đồng nhưng chất lượng sản phẩm họ nhận lại không tương xứng và giá cả cũng cao hơn giá mua trong siêu thị. Trong đó, combo có tổng trị giá 350.000 đồng bao gồm: 20 quả trứng (80.000 đồng), 1 bó rau và 1 gói củ quả (100.000 đồng), 1.2kg thịt heo (170.000 đồng). Tượng tự, combo trị giá 500.000 đồng gồm 1 bó rau lá và gói củ quả (80.000 đồng/2kg), con gà thả vườn 1,2kg (170.000 đồng), 20 quả trứng (80.000 đồng) và 1.2kg thịt heo (170.000 đồng).
Chị Lương, cư dân quận Bình Thạnh nhận xét, tổng giá trị mỗi đơn hàng khá cao so với lượng hàng mua được, giá của từng mặt hàng cũng cao hơn hẳn so với giá mua trong những nhóm dân cư tại địa phương hay trong siêu thị. Cụ thể, giá trứng gà và trứng vịt không có thương hiệu lên đến 40.000 đồng/chục, trong khi người dân mua trứng gà ta chỉ 35.000 đồng/chục, trứng gà Ba Huân cũng chỉ từ 30.000 - 35.000 đồng/chục. Còn trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn bán theo giá bình ổn chỉ 26.000 đồng/ chục trứng gà và 32.000 đồng/chục trứng vịt. Một số người dân chụp hình cho biết combo 500.000 đồng chỉ có nửa con gà, không phải 1 con như trong combo ghi.

Combo trị giá 500.000 đồng của người dân ở Q.BT chia sẻ. Theo phản ánh, con gà ta giới thiệu trong combo là 1,2 kg, nhưng hàng đưa về là nửa con gà công nghiệp

Tương tự, cư dân tại P.12, Q. Bình Thạnh cũng phản ánh combo rau, trái cây, thịt gà, trứng, thịt heo được giới thiệu mua từ cửa hàng trong phường có tổng trị giá 580.000 đồng. Để mua đủ cho cả gia đình 4 người ăn trong 1 tuần, phải mua đến 4 combo như vậy mới đủ. Còn chị Hồng ở Q.12 lại phàn nàn, đặt mua combo rau củ và combo hàng thực phẩm khô, nhưng cuối ngày những hàng đồ khô có đủ, còn rau thì không có. Cụ thể, combo các mặt hàng: gạo, dầu ăn, nước mắm, mì gói thì được giao trong ngày, còn combo rau củ và thịt thì 3 ngày rồi chưa thấy “tăm hơi”.

Combo trị giá 300.000 đồng cũng được mua tại một phường ở Q.BT với sản phẩm có thương hiệu rõ ràng

Không chỉ một số combo được phản ánh giá cao, nhiều người dân cho biết, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm cũng đáng lưu tâm. Một số người dân tại khu vực đường Âu Cơ (Q.Tân Bình) phản ánh, sản phẩm thịt heo trong đơn hàng “đi chợ hộ” của họ được giao về chiều tối 26.8 đã bị bốc mùi, hôi thối, phải bỏ hoàn toàn. Các combo thực phẩm này được phân phối bởi Công ty Đ.T - một doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh hủ tíu, bún, bánh…

TP.HCM: Gần 200.000 ca Covid-19 cộng đồng, tổng cộng 99.955 bệnh nhân hồi phục

Điều chỉnh nhiều combo có giá thấp, vừa túi tiền người dân hơn

Sở Công thương TP.HCM cho biết, sau nhiều phản ánh của người dân, một số nhà bán lẻ đã kịp điều chỉnh combo hàng hóa để phù hợp với nhu cầu và túi tiền của người dân hơn. Theo đó, vẫn có những combo có giá trị cao gồm các sản phẩm như thịt bò nhập, gà, trái cây nhập loại tốt, rau củ bio… với tổng giá trị lên đến 1 triệu đồng hoặc hơn, nhưng có combo rau củ quả đơn thuần đủ dùng cho đến 2 ngày, giá dưới 100.000 đồng/combo. Phổ biến nhất là những combo giá từ 150.000 – 250.000 đồng/combo đủ thực phẩm tươi sống.
Theo lãnh đạo Sở này, sau phản ánh của người dân từ 26.8, Sở đã làm việc với một số quận huyện, các địa phương đã cho điều chỉnh lại các combo, tăng số lượng combo có giá trị thấp nhiều hơn để người dân có nhiều lựa chọn hơn. Với những đơn vị giao hàng kém chất lượng, quan điểm của chính quyền là phải ngưng chọn nhà cung cấp đó ngay. Một cán bộ trong nhóm mua hộ tại Q.Tân Bình thông báo, sau khi nhận được phản hồi từ người dân về chất lượng sản phẩm không tốt, phường đã cho ngưng ngay đơn vị cung cấp, tìm được nguồn từ cửa hàng tiện lợi VinMart trong khu vực, giới thiệu người dân đường link đặt mua hàng để họ cung cấp tận nhà.
Tương tự, người dân ở phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức cũng cho biết, việc đăng ký nhờ tổ dân phố đi chợ không đơn giản, bởi đa số người lớn tuổi, họ còn không nhanh nhẹn và công nghệ giỏi bằng giới trẻ, qua danh sách khu phố giới thiệu, người dân đặt hàng trực tiếp qua đường link của Co.opExtra và VinMart. Chị Thụy Anh, nhà ở đường 19, P. Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) cho hay, chị đặt mua hàng thực phẩm từ Co.opExtra, sau 3 ngày giao, giá như ngày thường, đặc biệt chất lượng sản phẩm y như khi chị tự đi mua.
Còn anh Chí (P.25, Q.Bình Thạnh) kể, sau 2 ngày "đi chợ hộ", bác tổ trưởng từ chối nhận tiền của cư dân chuyển khoản nhờ đi chợ nữa mà hướng dẫn người dân đặt mua hàng trực tiếp với cửa hàng Bách Hóa Xanh và VinMart trong khu vực. Anh Chí nói: "Bác tổ trưởng bảo họ giao hàng, trả tiền trực tiếp luôn, hoặc mình chuyển khoản cho cửa hàng, bác nhận tiền rồi cũng ngồi mua hàng hộ qua online vì nay cửa hàng khuyến khích không mua trực tiếp".
Theo một cán bộ phường 9, Q.Tân Bình, việc mua hàng hóa từ các siêu thị tuy giao chậm, nhưng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc bảo đảm chất lượng bữa ăn hàng ngày cho người dân để phòng chống dịch rất quan trọng, qua đó cũng khẳng định uy tín của chính quyền với người dân đang khó khăn trong đại dịch. Bởi nếu “đi chợ hộ” mua nhầm sản phẩm không tốt, áy náy vô cùng, nên nếu đã được giao, bằng mọi giá phải hoàn thành và bảo đảm chất lượng. Vị này kể, có hôm cả 100 đơn hàng mua hộ nhóm nhận về lúc 4 giờ chiều, trời mưa tầm tã, trong khu phố chỉ có vài ba anh em phụ giao, tất cả phân công nhau lội mưa giao cho kịp để bà con nấu bữa ăn tối.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.