Nhiều gia đình vì vợ chồng con cái nghỉ học, làm việc tại nhà nên lượng điện sử dụng tăng nhưng cũng khá nhiều người không thể giải thích được vì sao tiền điện tăng đột biến vậy. Có những trường hợp cùng số lượng người như vậy, sinh hoạt như tháng 2 nhưng tiền điện vẫn nhảy vọt.
Miền Nam nắng nóng hơn nên tiền điện tăng?
Bạn Thiên An (Q.Gò Vấp, TP.HCM), cho biết nhận hóa đơn tiền điện tháng 4 mà hết hồn vì tăng gấp đôi, lên 2,2 triệu đồng dù cũng với bấy nhiêu người và nếp sinh hoạt như trước. “Mới nhìn tôi tưởng là có 2 hóa đơn gửi cùng lúc, thật không hiểu vì sao lại tăng dữ vậy”, chị Thiên An chia sẻ.
Chị Hồng Oanh, nhà ở chung cư Ruby Garden (Q.Tân Bình, TP.HCM), cũng nhận được thông báo tiền điện kỳ tháng 4.2020 tăng gấp gần 1,5 lần so với kỳ tháng 3 mà không hiểu vì sao.
Chị Thanh Xuân (ở Nguyễn Phúc Nguyên, Q.3, TP.HCM) cho biết, mấy tháng trước khi xảy ra dịch Covid-19, tiền điện của gia đình tầm 1,1 - 1,3 triệu đồng/tháng. Tháng 2, do gia đình về quê dịp Tết, tiền điện chỉ còn 750.000 đồng. Đến tháng 3 lên 1,5 triệu đồng và tháng 4 vừa rồi nhận hóa đơn gần 2 triệu đồng. Chị Xuân nói: “Lạ thật, về mức độ dùng điện thì gia đình tôi tháng 3 và 4 gần như bằng nhau, chỉ 3 người, ít đi ra ngoài, không gia tăng thêm thiết bị điện, không tăng lượng quạt hay máy lạnh, luôn luôn có người ở nhà do từ sau Tết con cái nghỉ học đến nay”.
Thư “phúc đáp về hóa đơn tiền điện tháng 4” do Tổng Công ty Điện lực TP.HCM gửi đến khách hàng viết: “Tại nhiều khu vực, nhất là các tỉnh phía Nam, theo quy luật thời tiết thì tháng 3 bắt đầu chuyển sang nắng nóng. Điển hình tháng 3 năm nay còn có một số ngày nắng nóng gay gắt và kéo dài ở mức trên 35 độ. Trong thời gian này, các hộ khách hàng sử dụng nhiều thiết bị làm mát, nên tiêu thụ nhiều điện, nhất là máy lạnh. Bản thân các thiết bị làm mát cũng phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong phòng, nên càng tốn nhiều điện hơn”.
Rét nàng Bân mà tiền điện vẫn phi mã
Ngoài ra, Điện lực TP.HCM cũng dẫn số liệu trong thời gian giãn cách xã hội do ảnh hưởng dịch Covid-19, học sinh nghỉ học dài ngày khiến lượng điện tiêu thụ trên toàn quốc tháng 3 năm nay tăng tới 8,55%. Trong đó, Hà Nội tăng 17% và TP.HCM tăng 13%.
Tuy nhiên, lý do nắng nóng sử dụng điện tăng như cách lý giải của Tổng Công ty điện lực TP.HCM với hóa đơn thu tiền trong tháng 4 này cũng chưa thuyết phục khi tại nhiều tỉnh thành khác ở phía Nam hay tận Hà Nội dù không phải là địa phương đang vào mùa nắng nóng, hóa đơn tiền điện tháng 4 này vẫn tăng đột biến.
Chị Mỹ Hằng (Sóc Trăng) phản ánh: Gia đình có 3 mẹ con, thường sử dụng điện khoảng 800.000 đồng/tháng. Đến tháng 3 tiền điện tăng lên 950.000 đồng nhưng sốc hơn là sang tháng 4 vọt lên 1,49 triệu đồng. “Nhà tôi quanh năm suốt tháng xài chỉ có chừng đó bóng đèn và quạt. Tôi không có đi làm, nên dịch hay ko dịch vẫn ở nhà như thường. Tại sao tiền điện tăng khiếp vậy chứ!”, chị Mỹ Hằng đặt vấn đề.
Nhà anh Phạm Hoàng (Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, gia đình chuyển về nhà mới từ giữa tháng 2, tháng 3 bắt đầu sinh hoạt bình thường với hóa đơn điện là 670.000 đồng, sang tháng 4, tiền điện vọt lên 960.000 đồng. "Cũng chừng đó người, công việc của tôi dù có dịch hay không thì hằng ngày vẫn vào trang trại coi ngó chăn nuôi. Còn gia đình hai đứa nhỏ và vợ ở nhà suốt từ cả năm qua. Không hiểu sao điện tăng đột biến vậy", anh Hoàng nói.
Tương tự, chị Ngọc Thảo (Bình Thuận) cũng bất ngờ vì trong khi hóa đơn điện tháng 3 chỉ mới 250.000 đồng thì sang tháng 4 lại lên đến 600.000 đồng dù cả nhà vẫn tiết kiệm điện, tối đi ngủ chỉ mở cửa sổ cho thoáng mát.
Thậm chí, ngay tại Hà Nội, nơi đang chứng kiến đợt rét nàng Bân, hóa đơn tiền điện tháng 4 vẫn tăng 500.000 đồng một cách “gọn gàng” khi mọi sinh hoạt không thay đổi nhiều. Bà Minh Anh (Q.Ba Đình, Hà Nội) kể gia đình có sử dụng máy lạnh nhưng tháng nào nhiều nhất cũng không quá 1,5 triệu đồng/tháng. Thế nhưng tháng 4, hóa đơn điện lên tròn 2 triệu đồng. Nhận hóa đơn mà 2 vợ chồng bà “còn nghi nhà mình bị câu trộm điện”. Bà Minh Anh nói: “Tôi hiểu rất rõ ý thức tiết kiệm điện. Chủ động cắt bớt việc giặt máy, thức khuya, xem ti vi, máy lạnh, không dùng lò nướng… Đợt này nếu bù qua sớt lại, tôi nghĩ với ai không biết, chứ gia đình tôi tiền điện tháng này nhẽ ra phải giảm vì nhiều sinh hoạt sử dụng điện tôi cắt giảm tối đa. Còn làm việc online thì hai vợ chồng tôi làm việc tự do nên xưa nay làm online là chính rồi. Nếu nói miền Nam nắng nóng quá nên sử dụng điện tăng là phải thì miền Bắc và một số tỉnh miền Trung đang lạnh rét co ro thế này, tại sao tiền điện vẫn tăng?”.
Bình luận (0)