Nhiều quốc gia tạm ngưng sử dụng tiền mặt để giảm lây lan corona

10/03/2020 10:59 GMT+7

Sự lây nhiễm Covid-19 tràn lan khiến các tổ chức trên thế giới phải suy nghĩ về nguồn tiếp xúc gián tiếp mà hầu hết người dân đều “chạm” vào khi sinh hoạt hằng ngày: tiền mặt.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc vừa cho biết họ đã loại bỏ tất cả tiền giấy ra khỏi luồng lưu thông trên thị trường trong hai tuần và bắt đầu tiêu hủy (đốt) một lượng tiền trong số đó để giảm sự lây lan của virus qua các vật trung gian. Trung Quốc cũng tiến hành khử trùng kỹ các tờ tiền mà họ nghi lây nhiễm bằng tia cực tím và nhiệt độ cao. Họ cũng tiêu hủy một lượng tiền mà họ nghi có nhiều khả năng cao đang chứa virus như các nguồn tiền từ bệnh viện.
Ở châu Âu, bảo tàng Louvre tại Paris (Pháp) cũng cấm các giao dịch tiền mặt và chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng, một hành động cho thấy nỗ lực của cơ quan này để nhân viên an toàn và thoải mái hơn trong công việc hằng ngày.

[VIDEO] Mỹ cách ly những tờ USD từ châu Á để ngăn dịch Covid-19

Ngoài thẻ tín dụng hay thẻ từ ATM, hiện có rất nhiều lựa chọn thanh toán di động mà không cần tiếp xúc trực tiếp do Apple Pay, Samsung Pay và Google Pay cùng hàng loạt dịch vụ thanh toán khác cung cấp. Người dùng có thể dùng điện thoại thông minh hoặc đồng hồ thông minh của họ thanh toán tại các cửa hàng, bên cạnh các thẻ thanh toán truyền thống vốn bắt người dùng phải thêm một bước ký tên và chạm vào thiết bị đầu cuối.
Theo CNN, hiện một số doanh nghiệp đã phải thay đổi cách vận hành để giảm tiếp xúc với các bề mặt có nguy cơ lây nhiễm cao. Ví dụ, Starbucks tạm thời ngưng sử dụng tách và cốc cá nhân tại các cửa hàng ở Bắc Mỹ và Instacart đã triển khai giao hàng tận nhà.
Tuy nhiên, một vài nơi vẫn còn hạn chế trong việc sử dụng thanh toán di động/qua thẻ tín dụng. Đặc biệt là các hệ thống bán lẻ nhỏ và các cửa hàng tạp hóa như ở Việt Nam. Ngay cả ở Mỹ, hiện quốc gia này cũng có hàng triệu người chưa có tài khoản ngân hoàng hoặc thẻ tín dụng. Đó là những rào cản lớn trong nỗ lực giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp vốn là một trong những nguyên nhân gây lây nhiễm chéo corona hiện nay.

Thanh toán trực tuyến được nhiều chuyên gia khuyến khích trong mùa dịch

Ảnh: AFP

Theo một nghiên cứu năm 2017 được thực hiện tại thành phố New York (Mỹ) cho thấy, các loài vi sinh vật tồn tại trên bề mặt tiền giấy, từ vi khuẩn có trên miệng đến virus cúm và các loại ký sinh khác. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến cáo bạn nên rửa tay sau khi dùng tiền mặt, đặc biệt là trước khi ăn. Tuy nhiên, thẻ tín dụng hay các thiết bị thanh toán đầu cuối như điện thoại hoặc đồng hồ thông minh cũng không ngoại lệ khi nó cũng có thể trở thành vật tiếp xúc trung gian. Các doanh nghiệp chỉ có thể giúp người dùng giảm tiếp xúc bằng cách không yêu cầu chữ ký khi thanh toán, nhưng điều đó lại tạo ra kẽ hở về bảo mật nhất định.
Trước khi bùng phát dịch, Trung Quốc đã trở thành một quốc gia thanh toán di động với hơn 50% dân số sử dụng hình thức này để mua sắm trong năm 2019, theo số liệu của eMarketer. Tại Trung Quốc, các nền tảng thanh toán di động qua mã QR rất phổ biến thông qua các nền tảng WeChat và AliPay, chúng đều không cần tiếp xúc khi thanh toán. Sau khi bùng phát dịch, tỷ lệ thanh toán di động của Trung Quốc tăng vọt.

Virus corona sống sót bao lâu trên các bề mặt?

Tiến sĩ Matewele của Đại học London Metropolitan cho rằng, ngay cả khi dùng thanh toán di động thì chúng ta cần phải vệ sinh điện thoại thường xuyên vì bản thân chúng cũng là một bề mặt chứa đầy vi khuẩn khi tiếp xúc hằng ngày.
Bên cạnh việc vệ sinh thẻ tín dụng và mang sẵn bút của riêng bạn để ký biên lai khi quẹt thẻ, đó đều là những cách có thể giảm thiểu lây nhiễm qua các vật tiếp xúc trung gian bên cạnh việc hạn chế sử dụng tiền mặt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.