Nhiều rủi ro trong tích tụ đất đai

Chí Hiếu
Chí Hiếu
26/11/2019 06:42 GMT+7

Ngày 25.11, Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT) tổ chức hội thảo lấy ý kiến các dự thảo nghị định về đất đai.

Bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế - Tổng cục Quản lý đất đai, cho hay có 3 nội dung tại dự thảo gây nhiều ý kiến trái chiều mà ngay cả cơ quan soạn thảo cũng đang rất băn khoăn.
Một là quy định, với trường hợp nhà đầu tư nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của người dân thì phải bảo đảm tỷ lệ góp vốn của người sử dụng đất. “Nghĩa là khi anh tăng vốn lên bao nhiêu thì tỷ lệ góp vốn của người dân cũng không thay đổi. Và nhất là nếu doanh nghiệp (DN), dự án có giải thể, phá sản thì cũng không đưa đất góp của người dân vào diện phải xử lý”, bà Vân Anh giải thích.
Điểm gây tranh cãi thứ 2 là quy định về chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án. Dự thảo cho phép DN được chuyển mục đích một phần diện tích đất nông nghiệp nhưng không quá 5% tổng diện tích thực hiện dự án để xây dựng công trình hạ tầng phục vụ dự án sản xuất và tối đa không quá 5.000 m2.
Thứ ba là nội dung về trách nhiệm khôi phục lại mặt bằng của nhà đầu tư để trả lại cho người dân. Cụ thể, trong vòng 60 ngày kết thúc giao kèo thì DN phải khôi phục lại mặt bằng để người dân sản xuất.
Ông Ngô Gia Cường, Giám đốc Công ty TNHH thẩm định giá và giám định Việt Nam, cho rằng các quy định này chỉ hướng đến bảo vệ quyền lợi nông dân nhưng lại không công bằng với nhà đầu tư, DN. “Nếu tăng vốn mà phải đảm bảo giữ tỷ lệ vốn góp của nông dân thì sao DN có thể tăng vốn được. Bên cạnh đó, nếu chẳng may DN phá sản, thua lỗ thì anh cũng phải có nghĩa vụ, bởi làm ăn thì phải chấp nhận rủi ro chứ không thể chỉ hòa hoặc phát”, ông Cường nói.
Bà Đặng Bích Thảo, đến từ Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội), gợi ý để bảo vệ quyền lợi người nông dân thì cần tăng cường tư vấn về các tình huống xảy ra trong quá trình hợp tác, để họ bước vào giao dịch một cách tự nguyện, thay vì có những khuyến khích mang tính áp đặt của chính quyền.

Cần bảo đảm quyền tài sản trên đất tích tụ

Từ thực tế tích tụ ruộng đất hơn 20 ha với 790 hộ nông dân khu vực phía bắc, bà Trần Kim Liên, Tổng giám đốc Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam, cho rằng tinh thần nghị định là nhân văn, song nếu ban hành thì nhiều nội dung không đúng nguyên tắc thị trường cũng như quy định khác.
“Khi góp vốn thì nông dân là cổ đông. Giá trị cổ phiếu do thị trường định. Cho nên, khi tăng vốn mà bảo phải bảo toàn tỷ lệ vốn góp thì sao được? Còn khi phá sản, mọi tài sản cần được ưu tiên cho chủ nợ, nông dân cũng phải chịu rủi ro cùng DN”, bà Liên nói.
Theo nữ doanh nhân này, các DN lớn đã thí điểm tích tụ ruộng đất rất mong chờ hành lang pháp lý để điều chỉnh, nhưng với tinh thần dự thảo này thì các DN đã làm sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. “Như với quy định 5% chuyển đổi cho xây dựng cơ sở hạ tầng, trong nông nghiệp công nghệ cao, hệ thống tưới tiêu, đường, nhà xưởng rất quan trọng, mà tỷ lệ này với các dự án của chúng tôi lên tới 15% diện tích đất. Nếu quy định 5% thì e quá ít. Chưa kể, chúng tôi sẽ đối mặt với nguy cơ bị xử phạt bất cứ lúc nào”, bà Liên lo ngại.
Đối với quy định hoàn trả mặt bằng sau khi kết thúc hợp tác, theo ông Ngô Gia Cường, chỉ nên quy định với dự án là hủy hoại đất như khai khoáng. Còn ở đây là đầu tư làm hạ tầng phục vụ cho chính sản xuất nông nghiệp, thì thậm chí cần được bảo lãnh để tái sử dụng cho sản xuất, vì nó có ích cho xã hội.
Phó chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Trí Ngọc bổ sung, điều các DN nông nghiệp công nghệ cao bức xúc nhất hiện nay là câu chuyện tài sản đầu tư trên đất đã được giao, nhưng không được mang thế chấp. Đồng tình với quan điểm này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho rằng dự thảo nghị định cho thấy quá nhiều rủi ro với DN, không đảm bảo quyền của DN, nhất là vấn đề cốt lõi là bảo đảm quyền về tài sản.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.