Chương trình đối thoại trực tuyến với thanh thiếu nhi với chủ đề “Thanh niên Việt Nam - Vững tin tiếp bước” diễn ra vào hôm nay.
Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho thanh thiếu niên
Theo đà phát triển của xã hội, cùng với nhiều áp lực cuộc sống, các bệnh lý về sức khỏe ở lứa tuổi học sinh, sinh viên tăng cao. Họ thường rơi vào 2 trường hợp: một nhóm không nhận diện được vấn đề tâm lý của bản thân và một nhóm có nhận thức nhưng không biết hoặc không thể tìm kiếm giải pháp cho vấn đề của mình.
Nhận thấy, nhiều học sinh, sinh viên mắc phải các vấn đề như: trầm cảm, lo âu, ám ảnh cưỡng chế, rối loạn thích nghi... nhưng không muốn đi gặp bác sĩ chuyên khoa vì mặc cảm, sợ sự kỳ thị của xã hội, cho rằng không ai có thể giúp đỡ mình. Rồi họ lạm dụng rượu bia, các chất kích thích, hay gây ra những hành vi dẫn tới những kết cục đau lòng.
|
Trên thực tế, chúng ta có hệ thống chăm sóc sức khỏe thể chất tân tiến, đang mỗi ngày một hoàn thiện, thế nhưng những vấn đề về chăm sóc sức khỏe dường như chưa được sâu sát.
Nhìn nhận vấn đề đó, câu hỏi đặt ra là: “T.Ư Đoàn sẽ có những đề án như thế nào để góp phần xây dựng một hệ thống tầm soát và chăm sóc sức khỏe tâm thần, tinh thần cho thanh thiếu niên?”.
Cá nhân tôi hy vọng sẽ có nhiều hơn nữa các hoạt động hội thảo, tuyên truyền giáo dục về sức khỏe học đường, cũng như mở các diễn đàn chia sẻ kết nối, đồng thời tạo một kênh tiếp nhận và hỗ trợ những người trẻ đang gặp các vấn đề tâm lý, để mỗi một người đều ý thức được “khỏe mạnh” không phải chỉ đơn thuần là một khái niệm về thể chất. Can thiệp và giúp đỡ kịp thời để bớt đi những câu chuyện đáng buồn do sự cô đơn lạc lõng của những người trẻ trong xã hội hiện đại.
Lê Thị Kiều Nhi
(Phó chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM)
(Phó chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM)
Giúp người trẻ biết cách ứng xử văn minh trên mạng xã hội
|
Tôi nghĩ tổ chức Đoàn cần có những chương trình, những buổi đối thoại trực tiếp để tuyên truyền về hành vi ứng xử văn minh trên internet, điển hình là mạng xã hội.
Bên cạnh đó, cần có những phong trào, những chương trình mà đối tượng hướng tới là các bạn trẻ, nhằm tổ chức các hoạt động bổ ích, nâng cao đời sống tinh thần một cách lành mạnh hơn là việc dán mắt vào màn hình điện thoại, máy tính… một cách vô nghĩa.
Sử dụng mạng xã hội không xấu, chỉ xấu khi chúng ta sử dụng không đúng cách. Cho nên, tổ chức Đoàn có thể thông qua mạng xã hội để giáo dục, định hướng lối sống, kỹ năng cho giới trẻ, vấn đề em nghĩ khó nhất ở đây là làm sao để cho những nội dung mang tính giáo dục có sức hút hơn, vừa học, vừa chơi và áp dụng vào thực tế.
Đỗ Ngọc Thành Danh
(Sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)
(Sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)
Làm thế nào để khởi nghiệp không còn là phong trào ?
Tại hội thảo khoa học “90 năm khẳng định và phát huy vai trò trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên Việt Nam” nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được tổ chức tại hai đầu cầu Hà Nội và TP.HCM, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đã nhắn gửi đến người trẻ 6 cặp chữ “T”. Đó là khát vọng phải “thực tế”, ý chí phải “tiến thủ”, đầu óc phải “thông thái”, nghề nghiệp phải “tinh thông”, làm người phải “tử tế”, phong trào phải “thiết thực”. Trong đó nguyên phó thủ tướng băn khoăn về phong trào khởi nghiệp hiện nay của người trẻ và mong muốn làm sao để khởi nghiệp không chỉ là phong trào nổi lên thời gian rồi lại chìm luôn.
|
Từ đây, tôi cũng muốn đặt câu hỏi: “T.Ư Đoàn đã có những đề án cụ thể nào để đồng hành cùng thanh niên trong vấn đề khởi nghiệp. Và theo anh Nguyễn Anh Tuấn thì làm thế nào để khởi nghiệp không còn là phong trào mà sẽ mang tính bền vững hơn?”.
Cùng với đó, thanh niên hiện nay được tiếp cận công nghệ từ rất sớm, đối tượng thanh niên, sinh viên là những người dùng mạng xã hội nhiều nhất. Bên cạnh những mặt tích cực của mạng xã hội, còn có nhiều hệ lụy do một bộ phận không nhỏ thanh niên sống ảo, chạy theo phong trào, dễ bị ảnh hưởng trước các thông tin sai lệch… từ đó xa rời giá trị văn hóa truyền thống, chuẩn mực đạo đức và nghiêm trọng hơn là vi phạm pháp luật. Thực trạng thanh niên sử dụng ma túy, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội ngày càng có chiều hướng gia tăng.
Để góp phần kéo giảm tình trạng nói trên, T.Ư Đoàn đã có những giải pháp như thế nào định hướng thông tin cũng như tuyên truyền để thanh niên có thể “đề kháng” trước những tệ nạn xã hội?
Đặng Thị Tố Hảo
(Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)
(Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)
Quan tâm nhiều hơn nữa đến thanh niên nông thôn
|
Hiện nay nhận thức, tư tưởng, đạo đức lối sống của thanh niên các khu vực có sự không đồng đều (thành thị và nông thôn, người có trình độ cao và người có trình độ thấp hơn). Điều này thể hiện rất rõ trong thực tiễn cuộc sống xã hội nước ta như các vấn đề tệ nạn xã hội trong giới trẻ hoặc ý thức trong học tập, rèn luyện nâng cao kiến thức.
Khi tôi về quê thì thấy rất nhiều thanh niên trong độ tuổi đi học nhưng lại bỏ học, không nghề nghiệp dẫn đến nhiều tệ nạn xảy ra (như trộm cắp, vi phạm giao thông...). Tỷ lệ này chiếm rất nhiều và đa số là thanh niên ở nông thôn. Bên cạnh đó, rất nhiều bạn không được tiếp cận định hướng nghề nghiệp từ sớm nên bỏ học đi làm công nhân, nhiều bạn không có mục đích và hoài bão lớn cho cuộc đời.
Từ đó đặt ra vấn đề là các chương trình, hoạt động nâng cao đạo đức lối sống cho thanh thiếu niên phải được triển khai thống nhất, đồng bộ. Trong đó chú trọng việc đánh giá chất lượng để theo dõi sự phát triển của mỗi người từ khi còn là một đội viên. Tôi cũng mong muốn các hoạt động của tổ chức Đoàn nên được tập trung đồng đều và quan tâm nhiều hơn nữa đến đối tượng thanh niên ở các vùng nông thôn.
Lưu Tấn Lực
(Phó chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM)
(Phó chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM)
Hỗ trợ về thực hành chuyên môn và việc làm cho sinh viên
|
Bản thân tôi nhận thấy thanh niên nói chung và sinh viên nói riêng luôn quan tâm đến vấn đề thực hành chuyên môn trong những năm học tập, nghiên cứu khoa học. Tiếp đến là vấn đề tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp đại học.
Chính vì vậy, tôi mong tổ chức Đoàn cần có thêm nhiều chương trình thực tế, hoạt động lâu dài, phong trào mới, tọa đàm khoa học liên quan đến những vấn đề này. Đoàn cần mở ra các lớp học, tạo cơ hội cho sinh viên thực hành, tham gia chia sẻ, trao đổi với nhau nhiều hơn. Bên cạnh đó, cần mở ra nhiều lớp học kỹ năng, phương pháp thực hành để tránh sự bị động của sinh viên ngày nay...
Nguyễn Ngọc Phương Thảo
(Sinh viên năm thứ 2, Học viện Cán bộ TP.HCM)
(Sinh viên năm thứ 2, Học viện Cán bộ TP.HCM)
Bình luận (0)