Gian lận học đường: nhiều cách hiểu khác nhau
Khi nghiên cứu về gian lận học đường, thạc sĩ Đoàn Nguyệt Linh, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Columbia (Mỹ), nhận thấy rằng học sinh (HS), giáo viên (GV) của các nước cũng như ở VN có nhiều cách hiểu khác nhau về vấn đề này. Đó là những hành vi không trung thực trong học tập.
Theo tiến sĩ Greg Pavela, giảng viên ĐH Anh quốc Việt Nam, có 4 hành vi không trung thực trong học tập, gồm: gian lận, ngụy tạo thông tin/số liệu, tạo tiền đề cho thiếu trung thực và đạo văn. Một cách hiểu khác, gian lận gồm nhiều hành vi như: làm lộ đề, mạo danh, gian lận, thông đồng, trao đổi, quay cóp bài, tráo đổi đề thi, tuồn đáp án vào phòng thi, giả mạo kết quả/giấy chứng nhận, và gian lận liên quan đến sử dụng thiết bị công nghệ cao, truyền phát đề thi ra ngoài, nhận bài giải từ bên ngoài...
Tuy nhiên, gian lận học đường chỉ mang tính tương đối, phụ thuộc vào bối cảnh và quốc gia khác nhau. Chẳng hạn, vấn đề “đạo văn” được coi là nghiêm trọng ở Mỹ và phương Tây, nhưng lại được xem nhẹ ở các nước châu Á. Việc dạy và học quá tập trung vào ghi nhớ, văn mẫu, buộc HS học thuộc, ghi chép bài của người khác trong suốt quá trình học đã vô tình khuyến khích hành vi đạo văn. Hậu quả, HS các nước châu Á không thể phân biệt chính xác giữa đạo văn và không đạo văn.
Camera cúc áo và tai nghe hạt đậu được bán tràn lan trên mạng với giá hàng triệu đồng vào mỗi mùa thi cử, góp phần vào việc kích thích thí sinh có hành vi gian lận |
VŨ ĐOAN |
Học sinh VN quan niệm gian lận thiên về kiểm tra, thi cử
Qua khảo sát quan điểm của HS VN về các tình huống gian lận học đường, thạc sĩ Đoàn Nguyệt Linh nhận thấy có sự khác biệt giữa HS VN so với HS phương Tây.
Trước hết, hầu hết các tình huống mà học sinh VN cho là gian lận liên quan đến kiểm tra, thi cử. Việc HS mang và sử dụng tài liệu trong kỳ thi, phụ huynh hối lộ GV để cho HS biết trước đề kiểm tra, phụ huynh thuê người làm bài cho HS, HS quay cóp trong kiểm tra, thi... là những hành vi gian lận. Điều này được lý giải là HS VN nói riêng và HS các nước châu Á nói chung rất đề cao thi cử, bởi vì điểm kiểm tra, điểm thi liên quan đến tương lai cả cuộc đời.
Còn các tình huống như sao chép tài liệu, đạo văn, HS VN có những cách hiểu khác nhau. Có tới 83% HS cho rằng sao chép gần như từng chữ từ sách, tài liệu, tạp chí... thành tác phẩm của mình được coi là gian lận; 40% cho rằng sao chép từ sách giáo khoa, sách tham khảo vào bài tập về nhà là gian lận và chỉ có 36% nghĩ rằng sao chép vài câu từ nguồn ngoài mà không ghi trích dẫn là gian lận. Trong khi, hầu hết HS phương Tây cho rằng cả 3 tình huống trên đều là gian lận.
HS VN xem nhẹ vấn đề đạo văn, đặt nặng đối với gian lận thi cử, còn HS phương Tây coi trọng việc chống đạo văn, chống gian lận trong học tập và thi cử.
30,9% học sinh khảo sát tuân thủ quy tắc chống gian lận
Qua trả lời của HS, nhóm nghiên cứu của thạc sĩ Đoàn Nguyệt Linh nhận thấy trong số 962 HS được khảo sát phân ra thành 3 nhóm: nhóm HS “nổi loạn”, nhóm HS bình thường và nhóm HS gương mẫu.
Nhóm HS “nổi loạn” chiếm 29,8%. Những HS này có quan điểm khá “khoan dung/xem nhẹ” với gian lận học đường. Chẳng hạn, hành vi để cho HS khác sao chép bài hoặc nhờ người thân làm bài tập về nhà không được xem là gian lận.
Nhóm HS bình thường chiếm 39,3%. Đây là nhóm HS lớn nhất, khắt khe hơn với gian lận học đường so với nhóm HS nổi loạn. Tuy nhiên, hành vi “sao chép từ sách giáo khoa hoặc tài liệu tham khảo vào bài tập về nhà” hoặc “sao chép một vài câu từ sách, hay tạp chí mà không ghi chú thích” không phải là hành vi gian lận.
Nhóm HS gương mẫu chiếm 30,9%. Những HS này tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc và cho rằng tất cả các vấn đề không trung thực trong thi cử, trong học tập là gian lận. Các vấn đề sao chép từ tài liệu, sách giáo khoa... mà không ghi nguồn đều là gian lận.
Giải pháp nâng cao nhận thức của HS về gian lận
Hệ lụy của gian lận học đường là rất lớn. HS gian lận học đường, gian lận thi cử rồi ra đời dễ gian lận. Tệ nạn gian lận trong công vụ, kinh tế, đời sống ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của quốc gia. Do đó, cần có giải pháp về chống gian lận ngay trong học đường.
Trước hết, cần nâng cao nhận thức của HS, GV và phụ huynh về gian lận học đường; nhà trường đưa ra quy định rõ ràng về những hành vi được coi là gian lận, đạo văn và giải thích rõ lý do. Từ đó, HS sẽ nhận thức và tự mình nghiêm khắc hơn với gian lận học đường.
Kế đến, dạy và học, kiểm tra đánh giá dựa vào những yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực HS, được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông 2018; Đánh giá vì sự tiến bộ của HS; ngăn bệnh thành tích bằng cách không dựa vào kết quả học tập của HS để đánh giá GV. Nhà trường không chỉ dạy HS về ghi nhớ kiến thức, trích dẫn kiến thức của người khác mà phải dạy HS cách tiếp cận nguồn kiến thức, tư duy phản biện và vận dụng tri thức, hướng tới thành công lâu dài chứ không chỉ là mục tiêu ngắn hạn.
Các thiết bị gian lận thi cử mà Công an TP.Hải Phòng thu giữ trước khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 |
CÔNG AN CUNG CẤP |
Không quá tập trung vào xử phạt khi HS có gian lận, mà hãy tập trung vào mục tiêu, ý nghĩa giáo dục theo chương trình giáo dục, đó là giúp HS làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp…
Tuyên truyền cho HS, GV và phụ huynh về các luật, nghị định xử phạt liên quan đến gian lận học đường. Điều 22 của luật Giáo dục 2019 quy định các hành vi bị cấm trong cơ sở giáo dục, trong đó có cấm “gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh”. Nghị định 138/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Người thực hiện hành vi gian lận thi cử có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh như: tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (điều 356 bộ luật Hình sự 2015); tội nhận hối lộ (điều 354 bộ luật Hình sự 2015).
Trường có đầu vào cao, học sinh nghiêm khắc hơn với gian lận
Nghiên cứu cũng chỉ ra một số yếu tố ảnh hưởng đến quan niệm khác nhau về gian lận học đường như: nền tảng kinh tế - xã hội, cán bộ lớp, loại hình trường công lập/tư thục. Những HS mà gia đình có điều kiện về tài chính, cha mẹ có trình độ học vấn cao nhiều khả năng thuộc nhóm gương mẫu. Còn HS thuộc tầng lớp thấp nhiều khả năng thuộc nhóm nổi loạn, coi nhẹ việc sao chép bài của bạn thành bài của mình.
Tuy nhiên, không phải gia đình nào có tài chính, có học vấn cao thì không gian lận học đường. Chẳng hạn, như vụ tiêu cực thi cử xảy ra ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La năm 2018, nhiều gia đình có điều kiện tài chính, có địa vị trong xã hội... sẵn sàng bỏ tiền ra để “mua điểm” cho con. Những HS đạt điểm cao nhờ gian lận, biết chắc chắn không phải là điểm của mình vẫn làm hồ sơ ứng tuyển vào các trường đại học top đầu, để rồi sau đó bị phát hiện và xóa khỏi danh sách trúng tuyển.
HS là cán bộ lớp thường thuộc nhóm gương mẫu. Do cán bộ lớp luôn tuân thủ theo quy định của trường, nhất là quy định về chống gian lận. Vì vậy, HS các nước phương Tây, HS trường quốc tế ở VN luân phiên làm lớp trưởng, không chỉ để tập dượt vai trò lãnh đạo mà còn gương mẫu trong chống gian lận.
Khảo sát cũng cho thấy loại hình trường công/tư cũng ảnh hưởng đến quan điểm về gian lận. Trường có đầu vào cao, HS sẽ nghiêm khắc hơn với gian lận hơn so với HS trường có đầu vào thấp.
Bình luận (0)