Công việc gián đoạn vì Covid-19
Anh Matyas Folop (38 tuổi, người Úc) đã sống ở Việt Nam 4 năm. Đầu năm 2020, anh trở về Úc thăm gia đình và dự định quay lại Việt Nam vào tháng 3. Nhưng đại dịch ập đến và càn quét thế giới, anh kẹt lại Úc 1 năm rưỡi.
Anh Henri hỗ trợ bà con trong thời gian giãn cách |
NVCC |
“Tôi thực sự muốn trở lại Việt Nam. Vì vậy, tôi quyết định thực hiện cách ly 4 tuần, với đủ loại giấy tờ và hơn 4.000 USD cho các chi phí. Cụ thể, 1.500 USD cho vé máy bay, 1.800 USD cho phí cách ly tại khách sạn, 872 USD tiền visa, 204 USD tiền bảo hiểm và các chi phí khác. Sau tất cả, tôi cuối cùng cũng có mặt tại Việt Nam vào tháng 6.2021”, anh Matyas tâm sự.
Ngay khi trở lại, anh Matyas tiếp tục bị cuốn vào vòng ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 tại TP.HCM. “Thời gian của tôi thật kinh khủng”, anh thốt lên khi nhớ lại. May mắn, công việc kinh doanh tại Úc vẫn hoạt động ổn định nên thu nhập của anh không bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng cuộc sống quanh quẩn trong nhà nhiều ngày khiến anh mệt mỏi và chán nản.
Anh Matyas tham gia 2 nhóm thiện nguyện trong suốt thời gian thành phố giãn cách phòng dịch |
NVCC |
Anh Henry Barany (35 tuổi, người Anh) lại gặp nhiều khó khăn khi công việc kinh doanh tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM) bị ngừng. Anh chia sẻ: “Cửa hàng xe máy Phát Phúc Racing của tôi phải đóng cửa hoàn toàn hơn 3 tháng. Công ty cho thuê xe The Extra Mile mà tôi hợp tác cùng 1 người bạn đã cầm cự được chủ yếu nhờ vào sự hỗ trợ từ nhiều khách hàng trung thành”.
Ông Robin Deepu (người Ấn Độ) sinh sống và làm việc tại Việt Nam hơn 10 năm cũng không tưởng tượng nổi TP.HCM rơi vào khó khăn như vậy. Công việc kinh doanh của ông ở Q.1 (TP.HCM) và TP. Hội An (Quảng Nam) đều phải dừng.
“Nhìn chung, chúng tôi gặp khó khăn về tài chính. Đại dịch cũng giống như những thử thách khác trong cuộc sống mà chúng ta phải đối mặt với nó”, ông Robin bộc bạch.
Nhờ công việc thiện nguyện, anh Henri cảm nhận được sức sống và tinh thần đùm bọc của người Sài Gòn |
NVCC |
Nỗi nhớ gia đình
Bố của anh Henry đã gắn bó với Việt Nam 27 năm và truyền tình yêu đất nước này cho anh. 14 năm sống tại đây, anh chưa bao giờ chứng kiến thành phố đau đớn đến thế trong đợt dịch vừa qua. “Tôi cảm thấy khó chịu khi nhìn Sài Gòn thân yêu phải trải qua khoảng thời gian vô cùng khó khăn này”, anh bày tỏ.
Mẹ và bà ngoại của anh Henry đang sống tại Anh. Vì dịch bệnh, anh Henry không thể về Anh còn bà và mẹ anh không thể đến Việt Nam. Nỗi nhớ và sự lo lắng cho sức khỏe của hai người luôn thường trực trong anh. “Tôi sẽ trở về thăm họ ngay lập tức, bằng cách này hay cách khác ngay sau khi các hạn chế được gỡ bỏ”, chủ cửa hàng Phát Phúc Racing chia sẻ.
Ông Trevor tham gia nhóm gia đình Baba cùng anh Henri, giúp đỡ người khó khăn trong hơn 3 tháng giãn cách |
NVCC |
Tại Ấn Độ, gia đình ông Robin đã có khoảng thời gian rất khó khăn. Bố và mẹ của ông đều nhiễm Covid-19. “Tôi bất lực và thất vọng khi mình chẳng thể giúp gì được cho cha mẹ. Rất may mắn, họ đã nhận được sự chăm sóc chu đáo và đã bình phục hoàn toàn”, Robin xúc động nói.
Tương tự, ông Trevor Long (56 tuổi, người Úc) đã sống tại Việt Nam được 9 năm và trải qua 2 năm khó khăn với đại dịch Covid-19. Ông có cửa hàng Saigon Motorcycles tại TP.Thủ Đức và phải đóng cửa khi TP giãn cách xã hội. Ông không thể về Úc. Bố ông đã qua đời ở quê nhà vào tháng 2.2021, thời điểm không có ông bên cạnh. Cháu gái cũng đã rất lâu không gặp ông của mình. “Chúng tôi sống ngày qua ngày với hy vọng vào những điều tích cực”, ông Trevor thẳng thắn.
Cửa hàng xe của ông Trevor tại P.Thảo Điền |
NVCC |
Cố lên Việt Nam!
Mặc dù khó khăn, những người nước ngoài đã gắn bó với Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng đều có tình yêu và mong muốn trở thành một phần của nơi đây. Trong thời gian giãn cách xã hội, các anh Henry, Matyas, Robin và ông Trevor đã tham gia hoạt động thiện nguyện giúp đỡ người dân TP.HCM.
Anh Matyas tham gia 2 nhóm tình nguyện Nova Volunteers và Flying Heat. Anh và những tình nguyện viên khác trong nhóm Nova Volunteers dành nhiều thời gian để tiếp nhận, bốc xếp nhu yếu phẩm lên xe tải và vận chuyển đến nhiều quận, huyện. Với Flying Heart, quy mô hoạt động nhỏ hơn. Anh Matyas đã quyên góp được hơn 8.000 đô la Úc cho nhóm thiện nguyện này để mua gạo, thực phẩm tươi sống cho bà con.
Anh Henri đã trở lại với công việc và mong ước Sài Gòn thật sự khỏe mạnh trở lại |
NVCC |
“Tôi muốn làm gì đó cho nơi mà tôi đã gắn bó 4 năm. Tôi cảm thấy mình may mắn vì không phải lo lắng chuyện thực phẩm, chỗ ở và tiền bạc. Vì vậy, tôi muốn giúp những người khó khăn, thiếu thốn. Thực sự, việc giúp đỡ mọi người khiến tôi cảm thấy tốt hơn, tích cực hơn”, anh Matyas chia sẻ.
Anh Henri đã hợp tác với bạn thân của mình là Robin Deepu và Frank Vossen, chủ nhà hàng Baba’s Kitchen. Họ thành lập một bếp ăn từ thiện trong suốt 3 tháng. Hơn 2.000 suất ăn được nấu mỗi ngày để chuyển đến các bệnh viện, điểm tiêm chủng, trại trẻ mồ côi và người vô gia cư.
Nhìn lại dự án, anh Henri hào hứng nói: “Kinh phí để chạy dự án là từ chúng tôi, một nhóm bạn thân, những người nước ngoài lâu năm tại Việt Nam, khách hàng và những người hảo tâm trên khắp thế giới. Chúng tôi gọi nhóm người tốt bụng tuyệt vời này là gia đình Baba. Nhà hàng Baba’s Kitchen ở Thảo Điền được sử dụng làm bếp ăn từ thiện và tất cả các nhân viên, thành viên của nhóm và các tình nguyện viên khác đã tham gia để thực hiện dự án này”,
Chứng kiến những khó khăn, đau thương mà nơi này phải chịu đựng vì Covid-19, anh Henri cảm nhận được sức sống của người Sài Gòn. Họ kéo nhau lại, giúp đỡ lẫn nhau. “Hằng ngày, chúng tôi cảm ơn tất cả những người tham gia vì sự giúp đỡ và hỗ trợ liên tục của họ. Chúng tôi luôn nói với nhau rằng: Mạnh mẽ, an toàn và luôn lạc quan!”, anh nói thêm.
Không chỉ giúp người dân, anh Henri còn thường xuyên cho các vật nuôi bị bỏ rơi thức ăn trong suốt mùa dịch |
NVCC |
Ông Trevor là một thành viên của gia đình Baba. Ông hỗ trợ mọi người đóng gói, phân chia các phần lương thực để gửi đến người nghèo. Với ông, người dân Sài Gòn rất tuyệt vời.
Hiện tại, mọi người đã quay lại với công việc kinh doanh của mình. Anh Matyas đang hoàn thành các thủ tục nhận thẻ cư trú tạm thời để bắt đầu công việc mới tại Việt Nam. Bên cạnh đó, anh có kế hoạch hỗ trợ người bạn đang chịu trách nhiệm tại một trung tâm giáo dục cho trẻ em nghèo ở Q.8 (TP.HCM), cũng như giúp đỡ người vô gia cư.
Với anh Henri, Robin và cả Matyas, mong ước lớn nhất của họ là Việt Nam có thể vượt qua đại dịch và thích ứng với Covid-19. Những gì họ làm trong 3 tháng qua như lời cảm ơn đến đất nước đã chấp nhận mình. “Chúng tôi sẽ là người nhảy lên đầu tiên khi Sài Gòn thực sự khỏe mạnh trở lại. Co len Vietnam! (Cố lên Việt Nam - PV)”, chàng trai Anh gắn bó 14 năm với Việt Nam bộc bạch.
2.000 suất ăn mỗi ngày từ Baba’s Kitchen đến các bệnh viện, điểm tiêm chủng và những người khó khăn trong 3 tháng |
NVCC |
Bình luận (0)