Những cái chết tức tưởi ở xứ người

Phạm Đức
Phạm Đức
31/10/2019 06:00 GMT+7

Một số gia đình ở Hà Tĩnh đã vĩnh viễn mất đi đứa con của mình khi đang lao động 'chui' ở Anh. Có người tử vong khi chạy trốn cảnh sát truy bắt, có người chết vì bệnh tật... ở trời Tây xa lắc.

Nỗi đau chưa thể nguôi

Mặc dù đã 7 năm trôi qua, nhưng vợ chồng ông Đ.Đ.D (64 tuổi) và bà V.T.L (66 tuổi, ngụ thôn Tân Thượng, xã Thiên Lộc, H.Can Lộc, Hà Tĩnh) vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi đau khi đứa con trai bị tử nạn trong lúc đang lao động "chui" ở Anh. Mới đây, vợ chồng ông D. lại giật mình khi nghe tin 5 gia đình là người địa phương trình báo có con mất tích khi trên đường vượt biên sang Anh, trùng với thời điểm cảnh sát nước sở tại phát hiện 39 người tử nạn trong thùng xe container ở Essex. “Mấy hôm nay, người dân trong xã vô cùng lo lắng. Chúng tôi cầu mong 5 người của xã hiện đang mất tích không ai nằm trong số 39 nạn nhân xấu số. Tôi từng mất con trai ở xứ người nên khi nghe có người đi nước ngoài gặp nạn thì hoảng sợ lắm”, bà L. nói.
Bà L. kể vợ chồng bà có 3 người con. Năm 2007, sau khi học hết cấp 3, người con thứ hai là anh Đ.Đ.T làm giấy tờ để sang CH Czech làm việc. Do nước này ít việc làm, thu nhập thấp nên sau hơn 1 năm làm việc tại đây, anh T. quyết định tìm đường sang Đức để mong có thu nhập tốt hơn. Tuy nhiên, sau nhiều tháng làm việc, thấy thu nhập không ổn định nên anh T. gọi điện về nhà báo với gia đình là sẽ qua Anh vì ở đó sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. “Nó gọi điện về, bảo có người trong xã rủ qua Anh, chi phí cho chuyến đi qua đó mất hơn 100 triệu đồng cho môi giới. Tháng 2.2009, nó vượt biên sang Pháp rồi “đi cỏ” sang Anh trót lọt. Sau khi qua đây, nó được nhận vào trồng cần sa cho một người Anh”, bà L. kể.
Bà L. không tiết lộ số tiền con trai gửi về là bao nhiêu nhưng nhờ số tiền mà anh T. gửi về, gia đình bà đã xây được ngôi nhà 2 tầng khá khang trang. Niềm vui của gia đình chưa được bao lâu thì vợ chồng bà L. nhận tin dữ, anh T. tử nạn trong lúc trốn cảnh sát truy bắt. “Người bên đó họ kể lại là tối 25.7.2012, con tôi cùng 2 người bạn lái ô tô đi sinh nhật một người bạn khác. Trên đường, do xe lậu nên bị cảnh sát yêu cầu dừng lại kiểm tra. Hai đứa bạn nó ngồi ghế trước bị công an bắt, còn nó ngồi sau mở cửa xe bỏ chạy. Khi nhảy xuống đường tàu điện để bỏ trốn thì không may bị điện giật chết. Nhờ được cộng đồng người Việt hỗ trợ nên 2 tuần sau, thi thể con tôi được đưa về quê mai táng”, ông D. nghèn nghẹn kể.

Bị đột quỵ khi lao động "chui" ở Anh

Năm 2008, anh P.V.T ở TT.Nghèn (H.Can Lộc) cũng sang Anh theo con đường lao động bất hợp pháp. Sau khi làm giấy tờ từ VN bay sang Nga theo diện du lịch, anh cũng tìm đường qua Ba Lan, Đức và Pháp để chờ cơ hội “đi cỏ” sang Anh. Chỉ 1 lần “nhảy công” trên chiếc xe container chở hàng hóa sang Anh, anh cùng với 2 người Việt đã trót lọt mà không bị cảnh sát bắt giữ. “Khi qua đây, tôi được học làm móng và trồng cần sa. Sau thời gian làm móng, tôi chuyển sang “trồng cỏ”. Đến năm 2014, tôi bị cảnh sát bắt giữ và bị trục xuất về nước sau 7 năm lao động chui”, anh T. nói.
Đầu năm 2018, người em trai của anh T. là anh P.V.Đ (33 tuổi) cũng quyết định sang Anh lao động "chui". Cũng như anh trai mình, anh Đ. sau nhiều lần "đi cỏ" sang Anh cũng trót lọt. Tuy nhiên, làm được 8 tháng tại Anh thì anh Đ. tử vong do bị đột quỵ. “Từ ngày em trai mất, mẹ tôi lúc nào cũng ngồi ở một góc nhà khóc. Mẹ buồn bã khiến chúng tôi không cầm lòng được. Sau sự việc 39 người chết khi vượt biên sang Anh, tôi mong những người đã và đang có ý định sang nước ngoài bằng con đường bất hợp pháp nên dừng lại. Hãy tìm con đường lao động chính thống mà đi cho an toàn”, anh T. nói.
Ông Bùi Huy Cường, Phó chủ tịch UBND H.Can Lộc, cho hay toàn huyện hiện có gần 7.800 người đang lao động ở nước ngoài, trong đó có khoảng gần 700 người làm việc ở các nước châu Âu như Đức, Nga và Anh. “Đa số những người sang châu Âu làm việc đều có người thân đã sống ổn định bên đó. Họ cũng có nhiều con đường để đi qua đó, nhưng đa số là đi chui”, ông Cường nói.
Người môi giới trả lại tiền cho gia đình có con mất liên lạc ở Anh
Ngày 30.10, ông Trần Anh Tấn, Chủ tịch UBND xã Hưng Đông (TP.Vinh, Nghệ An), cho biết trên địa bàn xã này có 1 gia đình có con gái bị mất liên lạc từ ngày 22.10 khi đang từ Pháp sang Anh. Đó là chị T.T.N (18 tuổi). Chị N. cùng với người chị song sinh sang châu Âu lao động không qua doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động mà qua một người môi giới, với chi phí mỗi người phải nộp 47.000 USD nếu đi trót lọt. Hiện nay, người chị đang ở Hy Lạp, còn người em trước đó sang Anh trùng với thời điểm cơ quan chức năng của Anh phát hiện 39 người chết trong container. Từ đó đến nay, gia đình cũng không thể liên lạc được với chị N. Ông Tấn cũng cho biết cán bộ y tế đã đến nhà bố mẹ chị N. để lấy mẫu gửi đi xét nghiệm ADN phục vụ quá trình nhận diện các nạn nhân ở Anh. Đặc biệt, sau khi phát hiện chị N. mất liên lạc, người môi giới đã trả lại số tiền 47.000 USD cho gia đình chị N. và sau đó gia đình không thể liên lạc lại được với người này.
K.Hoan
Phá đường dây đưa người đi nước ngoài trái phép với giá hơn 36.000 USD
Ngày 30.10, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết đã triệt phá đường dây “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép”, đồng thời khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can: Bùi Thị Thu Hồng (34 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH thương mại, dịch vụ, tư vấn, đào tạo Hoàng Phát, có trụ sở tại Q.12, TP.HCM), Nguyễn Khắc Trọng (32 tuổi, chồng của Hồng, trú Đắk Lắk), Nguyễn Văn Chương (32 tuổi, trú xã Vinh An, H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế). Các bị can trong đường dây này đã lấy của gia đình ông Lại Đình Thoáng (ở xã Vinh An, H.Phú Vang) 36.000 USD (hơn 830 triệu đồng) để tổ chức đưa con trai ông Thoáng định cư ở Mỹ, nhưng không thành nên gia đình ông có đơn tố giác.
Theo cơ quan điều tra, đến nay đã xác định được 4 nạn nhân khác đã đóng tiền cho các bị can trong đường dây nói trên, với mức 21.000 USD/trường hợp để làm hồ sơ đi nước ngoài. Hiện vụ án đang tiếp tục điều tra mở rộng.
Bùi Ngọc Long
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.