Những cái tên Trung Quốc nào trong danh sách đen của Mỹ?

Thu Thảo
Thu Thảo
30/05/2019 14:37 GMT+7

Hầu hết những cái tên Trung Quốc trong danh sách đều tham gia vào các lĩnh vực như điện tử, hàng không, chất bán dẫn, kỹ thuật và vật liệu dùng cho thành phần công nghệ cao.

Chính phủ Mỹ đưa Huawei Technologies vào danh sách đen thương mại, hạn chế khả năng mua phần cứng, phần mềm và dịch vụ từ doanh nghiệp Mỹ của nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc cách đây không lâu.
Theo South China Morning Post, danh sách đen này gọi là Danh sách Thực thể, xác định tổ chức và cá nhân bị xem là liên quan, hoặc có nguy cơ liên quan đến các hoạt động trái với an ninh quốc gia cùng chính sách đối ngoại của Mỹ. Tổng cộng đang có 143 thực thể Trung Quốc trong danh sách, theo đánh giá tài liệu 281 trang do Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) thuộc Bộ Thương mại Mỹ nắm giữ.
Tuy lên đến hàng trăm nhưng số lượng thực thể Trung Quốc vẫn đứng sau Nga - nước có 317 thực thể có tên trong danh sách đen. BIS xem xét và sửa đổi liên tục danh sách, hôm 16.5, cơ quan này bổ sung tên Huawei cùng 68 chi nhánh của hãng.
Các tổ chức hoặc cá nhân có tên trong danh sách được yêu cầu xin giấy phép từ BIS trước khi xuất khẩu, tái xuất khẩu hoặc chuyển bất kỳ sản phẩm nào bị hạn chế thương mại. Trong số này có phần mềm và công nghệ khác từ các hãng Mỹ. Tuy nhiên, việc xin cấp giấy phép hầu hết là bị từ chối.
Hầu hết thực thể Trung Quốc có tên trong danh sách đen thương mại đều tham gia vào các lĩnh vực như điện tử, hàng không, chất bán dẫn, kỹ thuật và vật liệu được dùng cho thành phần công nghệ cao. Trong số này có Viện Thiết bị Điều khiển Tự động Bắc Kinh, Viện Nghiên cứu Công nghệ Sản xuất Hàng không Bắc Kinh, Viện Máy móc Năng lượng Bắc Kinh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Khí động học Trung Quốc và Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc.
Nhiều nhà phân phối linh kiện, thành phần công nghệ cao cũng có mặt. Trong số này có Tenco Technology, Avin Electronics Technology và Multi-Mart Electronics Technology. Các tổ chức học thuật lớn của Trung Quốc trong danh sách đen thương mại gồm Đại học Hàng không và Vũ trụ Bắc Kinh, Đại học Sun Yat-sen, Đại học Công nghệ Quốc phòng, Đại học Bách khoa Tây Bắc, Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử và Đại học Tứ Xuyên.
Các hãng Trung Quốc trong danh sách đen không giới hạn ở các thành phố hàng đầu như Bắc Kinh và Thâm Quyến. Đơn cử, Yantai Jereh Oilfield Services Group có trụ sở ở một thành phố thuộc tỉnh Sơn Đông. Số lượng thực thể Trung Quốc trong danh sách có thể còn tăng nếu Washington mạnh tay hơn, cấm thêm nhiều hãng công nghệ cao khác.
Hiện những cái tên tiềm năng bị đưa vào danh sách cũng thuộc ngành công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ giám sát như Dahua Technology, Hikvision Digital Technology, Megvii, Meiya Pico và iFlytek.
Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khởi đầu là cuộc chiến thương mại khi Washington áp thuế nặng lên hàng hóa nhập từ Trung Quốc và Bắc Kinh trả đũa, song hiện nay, căng thẳng mở rộng sang ngành công nghệ. Washington đẩy cao các chiến dịch làm “tê liệt” nhiều hãng công nghệ cao hàng đầu Trung Quốc bằng cách cắt đứt quyền tiếp cận của họ với linh kiện, công nghệ nhập từ Mỹ. Kể cả các hãng không phải ở Mỹ nhưng có dùng công nghệ Mỹ trong sản phẩm cũng có thể bị cấm cung ứng cho giới doanh nghiệp Trung Quốc bị liệt vào danh sách đen.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.