Những chính sách, quy định giáo dục thực hiện từ năm 2023

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
19/01/2023 14:11 GMT+7

Nhiều quy định, chính sách mới về giáo dục sẽ có tác động tới học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên và các cơ sở giáo dục từ năm 2023.

Điều lệ riêng cho trường CĐ sư phạm

Ngày 14.2, các trường CĐ sư phạm sẽ hoạt động theo điều lệ riêng do Bộ GD-ĐT vừa ban hành tại thông tư số 23, thay thế cho Thông tư số 1 năm 2015 về việc ban hành Điều lệ trường CĐ.

Thông tư này quy định trường CĐ sư phạm do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định thành lập; chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ GD-ĐT đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên; chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp của Bộ LĐ-TB-XH khi tham gia đào tạo các ngành, nghề đào tạo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TB-XH.

Sinh viên một trường CĐ sư phạm

website trường

Quy định mới về thi chọn học sinh giỏi quốc gia

Thông tư số 2 năm 2023 sửa đổi của Bộ GD-ĐT được bổ sung một số điều của Quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia có hiệu lực từ 21.2. Những sửa đổi này liên quan đến đối tượng và điều kiện dự thi, số lượng thí sinh, hồ sơ thí sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia…

Theo đó, đối tượng và điều kiện dự thi là học sinh đang học ở cấp THPT, có xếp loại hạnh kiểm (hoặc rèn luyện) và học lực (hoặc học tập) từ khá trở lên theo kết quả cuối kỳ (hoặc năm học) liền kề với kỳ thi và được chọn vào đội tuyển của đơn vị dự thi.

Học sinh thi học sinh giỏi quốc gia tại Đắk Lắk

t.t

Về số lượng thí sinh trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, đội tuyển mỗi môn thi của từng đơn vị dự thi (trừ đơn vị dự thi Hà Nội) có tối đa 6 thí sinh. Đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong 2 kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp được Bộ GD-ĐT xét tăng đến tối đa 10 thí sinh.

Đội tuyển mỗi môn thi của đơn vị dự thi Hà Nội có tối đa 12 thí sinh. Đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong 2 kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp được Bộ GD-ĐT xét tăng đến tối đa 20 thí sinh.

Cơ sở giáo dục thường xuyên được quản lý bởi 2 bộ

Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 1 năm 2023, theo đó ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX). Quy chế này có hiệu lực từ 22.2.

Theo đó, Trung tâm GDNN-GDTX là cơ sở GDTX thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và là đơn vị sự nghiệp công lập có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.

Học sinh tại một trung tâm giáo dục thường xuyên

đ.n.t

Trung tâm chịu sự quản lý nhà nước về GDTX của Bộ GD-ĐT; hoạt động GDNN của Bộ LĐ-TB-XH đồng thời chịu sự quản lý nhà nước trên địa bàn của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi trung tâm đặt trụ sở chính. Trung tâm thực hiện tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật.

Trung tâm sẽ tổ chức thực hiện các chương trình giáo dục, đào tạo gồm chương trình xóa mù chữ; chương trình giáo dục thuộc chương trình để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: chương trình GDTX cấp THCS và cấp THPT cho đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người tàn tật, khuyết tật, đối tượng trong độ tuổi học phổ thông theo kế hoạch hằng năm của địa phương, người lao động có nhu cầu hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Trường ĐH được thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ

Ngày 30.12.2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 109 quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục ĐH, có hiệu lực từ 1.3.

Nghị định này quy định về tổ chức và quản lý hoạt động khoa học, công nghệ trong cơ sở giáo dục ĐH, đồng thời quy định về nhóm nghiên cứu và nhóm nghiên cứu mạnh, các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; liêm chính học thuật; đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ...

Trường ĐH có thể thành lập nhóm nghiên cứu mạnh

x.h

Chính phủ yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH ban hành bộ quy tắc về liêm chính học thuật trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đảm bảo nguyên tắc trung thực, trách nhiệm, công bằng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn và theo thông lệ quốc tế.

Đồng thời, cơ sở giáo dục ĐH phải ban hành các quy định nội bộ công cụ để kiểm soát, biện pháp xử lý vi phạm để ngăn chặn hành vi đạo văn, gian lận và bịa đặt trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nghị định còn quy định các cơ sở giáo dục ĐH được thành lập doanh nghiệp theo pháp luật về doanh nghiệp và được đăng ký chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Giải thưởng công trình toán học xuất sắc cho giảng viên

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Quy chế xét tặng Giải thưởng công trình toán học xuất sắc thuộc chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2021-2030. Quy chế nhằm khuyến khích các nhà khoa học đẩy mạnh công tác nghiên cứu hướng tới chất lượng cao và có nhiều công trình xuất sắc được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, góp phần phát triển và nâng cao vị thế của Toán học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Nhà toán học, giáo sư Nguyễn Trọng Toán (trái) được Hiệp hội Toán học công nghiệp và ứng dụng quốc tế SIAM trao giải thưởng T. Brooke Benjamin năm 2022

nam phang

Đồng thời cũng khuyến khích các cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học cho các nhà khoa học trong lĩnh vực toán học và thống kê.

Quy chế này quy định về việc tổ chức xét tặng giải thưởng công trình toán học xuất sắc dành cho giảng viên, nghiên cứu viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm và các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.

Giải thưởng được tổ chức 3 năm một lần, gồm có giải nhất (không quá 10 giải), giải nhì (không quá 20 giải), giải ba (không quá 30 giải).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.