Những chuyện ít biết về 'vua bóng đá' Pele

Những chuyện ít biết về 'vua bóng đá' Pele

28/12/2022 07:54 GMT+7

Không phải ngẫu nhiên mà thế giới bóng đá gọi ông là “vua”. Pele luôn là người vĩ đại của tín đồ túc cầu giáo. Trong sự nghiệp lẫy lừng của ông, chúng tôi chắt lọc những chuyện ít được biết đến về con người vĩ đại này.

Trong một trận đấu của CLB Santos tại Bogota (Colombia) năm 1969, các cầu thủ chủ nhà chơi rất rắn, thường xuyên phạm lỗi thô bạo đối với Pele và các đồng đội Lima, Edu. Pele vừa “trả đũa”, vừa phản ứng quyết liệt với trọng tài, đến nỗi ông bị đuổi khỏi sân. Khi đang tháo giày trong phòng thay đồ thì Pele được ai đó trong ban tổ chức mời quay lại sân khẩn cấp. Bước ra khỏi đường hầm, chính ông không tin vào mắt mình: khán giả Colombia phản đối quyết định của trọng tài (đuổi Pele khỏi sân), đến mức gần như trở thành một cuộc bạo loạn. Cảnh sát có vũ trang phải khẩn trương triển khai đội hình. Dưới sân, người ta đã thay trọng tài, và ban tổ chức hối hả thông báo Pele sẽ trở lại thi đấu tiếp!

Không phải ngẫu nhiên mà Pele được thế giới bóng đá gọi là “vua”

AFP

Đấy là một trong những câu chuyện điển hình cho thấy bản thân Pele đôi khi còn quan trọng hơn bóng đá, đứng trên luật bóng đá! Những tình huống “vặt vãnh”, đại loại như người ta không muốn nổi còi chấm dứt một pha đi bóng tuyệt đẹp của Pele, chỉ vì bóng đã ra khỏi đường biên “chút xíu”, thì… có mà đầy! Nhân một chuyến thăm và xem bóng đá của Công tước xứ Edinburgh tại Sao Paulo vào năm 1964, giới ngoại giao và nghi thức tranh luận: phải giới thiệu Pele với Công tước hay ngược lại. Cuối cùng, ngài Công tước phải đến gặp Pele. Còn khi AC Milan đề nghị chuyển nhượng Pele vào năm 1960, quốc hội Brazil họp khẩn cấp và lập tức tuyên bố “quốc hữu hóa Pele” - đây là “báu vật quốc gia”, không được chuyển nhượng ra khỏi Brazil!

Pele là người da đen đầu tiên xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Life. Đây là một trong vài tạp chí nổi tiếng nhất tại Mỹ. Có lúc, người ta khẳng định 1/4 dân số nước Mỹ xem tạp chí này. Tờ Washington Post từng viết: “Trong (tạp chí) Life, cũng như trong lĩnh vực nghệ thuật, từng bức ảnh đều truyền tải những câu chuyện tuyệt vời”. Vậy, xin nhắc lại: Pele xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Life, trong cái thời kỳ mà dân Mỹ coi như chưa biết gì nhiều về môn bóng đá. Nói về ảnh hưởng xã hội mà Pele gây ra, ở quy mô toàn cầu, mà lại nói về những hợp đồng quảng cáo, mức lương cao, hoặc những chuyến du đấu giúp Santos hái ra tiền, thì xem ra là quá tầm thường.

Pele ghi bàn tại VCK World Cup 1970

afp

Tất nhiên, cứ phải nói về khả năng chơi bóng của Pele đã. Ông có tốc độ và sức mạnh của một VĐV chạy nước rút, kết hợp với sự mềm dẻo và bùng nổ của VĐV thể dục, có tinh thần chiến đấu gan lì của một võ sĩ quyền anh, và kỹ thuật điêu luyện của một ngôi sao bóng đá - trong thời kỳ mà mọi tài năng bóng đá đều là “duy nhất” do chưa có các học viện huấn luyện đại trà. Ở trận tranh Cúp Liên lục địa (coi như vô địch thế giới tầm CLB) với Benfica năm 1963, Pele ghi bàn cho Santos sau động tác nhảy xa khoảng 7 m để đón quả tạt của Pepe. Còn ở một pha ghi bàn khác cũng trong trận đấu thượng đỉnh ấy, các hậu vệ cứng rắn của Benfica văng ra khỏi Pele cứ như những quả bóng cao su chạm vào tường và bật ngược trở lại.

Không thể (và cũng không nên) so sánh cầu thủ bóng đá thuộc những thế hệ khác nhau. Tất nhiên là bởi nhân loại (nói chung), khoa học kỹ thuật, xã hội… đều đã khác hẳn nhau qua nửa thế kỷ, theo chiều hướng mọi chuyện ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. Vậy mà, hơn 50 năm về trước, Pele đã kiến tạo để Carlos Alberto ghi bàn ấn định tỷ số trong trận chung kết World Cup 1970, bằng cái tư duy mà chưa chắc các ngôi sao thời nay nghĩ đến - chứ khoan nói làm được.


Người hâm mộ Brazil cầu nguyện cho sức khỏe của Pele

reuters

Pele làm gì khi vừa xuất hiện lần đầu tiên trên đấu trường World Cup? Ông chuyền bóng cho Garrincha (một huyền thoại bóng đá khác của Brazil) sút dội cột, ngay phút đầu tiên. Đến phút thứ hai thì Pele sút dội xà, từ đường chuyền của Garrincha. Đến phút thứ 3 thì Pele và Garrincha phối hợp, để Vava ghi bàn. Đối phương là đội Liên Xô, mà người trấn giữ khung thành chính là thủ môn vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá - Lev Yashin!

Nếu như Yashin là thủ môn vĩ đại nhất, thì “vua phá lưới” vĩ đại nhất lịch sử cũng xuất hiện ở kỳ World Cup 1958 ấy. Đó là Just Fontaine (Pháp), ghi 13 bàn. Nhưng khi Pháp gặp Brazil thì Fontaine chỉ ghi 1 bàn, còn cậu bé 17 tuổi Pele lập một hat-trick. Pele giữ nhiều kỷ lục, như cầu thủ trẻ nhất từng lập hat-trick ở World Cup, hoặc trẻ nhất từng ghi bàn trong trận chung kết World Cup… Nhưng, hãy nhường những sự liệt kê thô thiển ấy cho Google với Wikipedia. Ai lại điểm qua thành tích, hoặc kỷ lục, để thấy Pele vĩ đại!

Cũng vì số liệu, thành tích không bao giờ là “giấy chứng nhận” cho sự vĩ đại của Pele, nên đừng quan tâm chuyện ông là người duy nhất trên đời 3 lần vô địch World Cup. Trước đây, nói thế là… sai. Bởi từ năm 1974 trở về trước, FIFA chỉ công nhận tư cách vô địch World Cup đối với những cầu thủ đá trận chung kết. Pele là một trong hàng chục cầu thủ hai lần vô địch World Cup (1958, 1970 - thế thôi). Bất quá, FIFA chỉ mới xét lại chuyện này vào năm 2007, cho hơn 120 cầu thủ “truy lĩnh” huy chương vô địch World Cup (và Pele được bổ sung chức vô địch World Cup 1962).

Vì một “nỗi xấu hổ lịch sử”, Pele mới được ra sân tại World Cup 1958 - đây cũng là chi tiết ít được biết đến. Trận Brazil - Anh tại vòng bảng World Cup 1958 là trận đấu đầu tiên trong lịch sử World Cup… không có bàn thắng. Tỷ số 0-0 thời ấy là hy hữu đến mức nó không xuất hiện trong biểu giá cá cược. Brazil chơi bóng mà không ghi bàn thì còn gì… xấu hổ hơn? HLV Vicente Feola suy sụp, đành thay toàn bộ hàng công trong trận kế tiếp (thời ấy chưa có luật cho thay người giữa trận). Ông thà dùng một cậu bé 17 tuổi! Phần còn lại là cả một lịch sử, thì ai cũng biết. Trước đó, chẳng ai kỳ vọng điều gì vào cầu thủ 17 tuổi Pele. Trong phiên họp kỹ thuật để rà soát mọi vấn đề trước giải, phái đoàn Brazil vắng mặt trong khi đội này quên đăng ký số áo. Phái đoàn Uruguay làm hộ, và họ “chơi khăm” Brazil bằng cách trao chiếc áo số 10 danh giá cho “cậu bé Pele nào đó”. Lịch sử về chiếc áo số 10 thế là cũng hoành tráng, theo sự vĩ đại của Pele.

Bức tượng Pele bằng đồng tại nhà bảo tàng Doha, Qatar

reuters

Ở Brazil, người ta đã dựng không biết bao nhiêu bức tượng về Charles Miller - cha đẻ của nền bóng đá samba (ông là con trai một kỹ sư Scotland làm việc ở Brazil, được gửi sang Anh du học. Khi trở về Brazil, Charles Miller đem theo 2 quả bóng và một cuốn luật bóng đá. Rồi ông thành lập CLB đầu tiên và giải bóng đá đầu tiên ở Brazil). Nhưng có lẽ, phải dựng tượng “Big Sabu” nữa. Thoạt nghe, đủ biết đấy là biệt danh của một nhân vật tầm thường đến nỗi chẳng ai quan tâm tên gì! Vâng, “Big Sabu” là một nhân viên tạp vụ của CLB Santos. Hồi mới gia nhập CLB này, Pele chưa mấy thành công, lại còn nhớ nhà. Chưa đầy 1 tuần, Pele đã chịu hết siết, gom hành lý và lén bỏ trốn lúc 5 giờ sáng. Cậu bé bị “Big Sabu” bắt gặp sau khi đã trèo qua tường. Không có nhân viên “Big Sabu” ấy, rất có thể vua bóng đá Pele đã không tồn tại, hoặc sự nghiệp Pele đã chấm dứt từ trước khi nó bắt đầu!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.