Có người đượm mùi thần thoại Tây du ký gọi đó là chiếc nón của “Ngưu ma vương”. Dù là “Ngưu ma vương” hay “những cô gái bị cắm sừng” thì rõ ràng, mục tiêu quảng bá cho hình ảnh du lịch Huế của cá nhân, tổ chức nào đó đã mang lại hiệu ứng ngược...
Làng Tây Hồ (xã Phú Hồ, H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) được cho là một trong những làng nghề làm nón lá truyền thống đặc trưng xứ Huế còn sót lại. Nón lá bài thơ cũng được cho là xuất xứ từ làng này, cách đây hàng trăm năm. Sở dĩ gọi là “nón bài thơ” vì khoảng năm 1959 (hoặc 1960), ông Bùi Quang Bặc, một nghệ nhân làm nón đã ép những câu thơ vào giữa hai lớp lá của nón. Hai câu thơ được truyền lại là: Ai ra xứ Huế mộng mơ/ Mua về chiếc nón bài thơ làm quà. Còn chiếc áo dài tím Huế đã quá nổi tiếng vì đi vào nhiều tác phẩm văn, thơ, họa, nhạc... Thậm chí để định danh sắc độ của màu tím, nhiều người hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật, thiết kế, trang trí... chỉ cần gọi tên “màu tím Huế”.
Nói như thế để thấy rằng, từ lâu khi nói đất thần kinh - cố đô Huế, nhiều người Việt Nam đã liên tưởng đến các cô gái thướt tha, dịu dàng trong tà áo dài tím, với nón lá bài thơ che nghiêng hiện ra giữa một khung cảnh trầm mặc, man mác nỗi hoài niệm ở dải đất miền Trung. Mộc mạc, đơn sơ thế thôi nhưng đi sâu vào lòng người.
Ở phương Tây, khi có dịp quan trọng như: chào mừng năm mới, kỷ niệm ngày cưới, ngày ra trường; thông điệp tích cực, khẩu hiệu cổ vũ... một vài nhà sản xuất (đa phần là sản phẩm “handmade”, tức sản phẩm không sử dụng dây chuyền máy móc sản xuất hàng loạt mà được làm thủ công, bằng tay) có bán các dạng băng đô gắn chữ để đeo trên đầu (thường là: I love you, Happy New Year, Merry Christmas...). Thậm chí một vài nhà sản xuất mắt kính cũng không ngần ngại thiết kế các loại kính có khung, gọng được cách điệu thành hình trái tim, mặt thú... trông khá ngộ nghĩnh và... buồn cười. Nhưng trong trường hợp “những cô gái bị cắm sừng”, chữ “Huế” to quá khổ được gắn trên đỉnh nón lá giữa “non nước thần kinh” lại không hòa hợp với trang phục, vốn mang nét văn hóa đặc trưng xứ Huế.
Giữa muôn trùng ý kiến trái chiều về “những cô gái Huế bị cắm sừng”, tôi chưa thấy người có trách nhiệm nào của TP.Huế hay tỉnh Thừa Thiên - Huế lên tiếng. Có thể các vị ấy nghĩ rằng dân mạng lắm chuyện, “sáng nắng, chiều mưa” rồi sẽ quên đi khi có một vụ việc khác hấp dẫn hơn, câu like, câu share hơn xuất hiện. Nếu thực sự nghĩ vậy, theo tôi chưa đủ. Dư luận vốn sinh ra từ những nhận xét, ý kiến chủ quan của cá nhân và được tương tác bởi nhiều cá nhân khác. Không ít thì nhiều, nó phản ánh ý kiến của một bộ phận trong xã hội về những thứ mắt thấy, tai nghe để người có trách nhiệm nhìn nhận, sửa đổi sự việc theo hướng tốt hơn.
Sáng tạo của con người là vô hạn. Việc áp đặt bằng những định kiến hẹp hòi sẽ bóp chẹt sự sáng tạo. Tuy nhiên, sự sáng tạo cũng phải dựa trên cái “phông” văn hóa, cụ thể ở đây là văn hóa về tính biểu tượng, biểu trưng; tính cách, con người, trang phục... xứ Huế. Người đẹp, vốn dĩ không nhất thiết phải tô thêm son, trét thêm phấn. Dị hợm!
Cũng vậy, trong lĩnh vực văn hóa, sự sao chụp phải được chọn lọc; nếu không đó cũng chỉ là một hình thức thể hiện khác của việc...lười sáng tạo, lười tư duy.
Bình luận (0)