Những gam màu cộng cảm

27/10/2022 09:00 GMT+7

Gặp lại họa sĩ Trần Thảo Hiền sau đúng ba tuần triển lãm cá nhân của cô diễn ra ở 42 Yết Kiêu ( Hà Nội ), thấy cô vui vui tôi liền đùa: “Chắc dư âm còn dài dài”. Họa sĩ Trần Thảo Hiền cười đáp lời: “Vui nhất là sau triển lãm cháu đã làm được nhiều việc có ích”.

Hỏi thêm, họa sĩ Trần Thảo Hiền liền cho biết sau khi triển lãm cá nhân của mình kết thúc để lại nhiều dấu ấn cũng như nhiều tình cảm của bạn bè và người yêu tranh, họa sĩ Trần Thảo Hiền đã “ngay lập tức” bắt tay vào làm công việc mình ưa thích, đó là tiếp tục sẻ chia và kết nối với những người cần được quan tâm.

Một số tranh phong cảnh Việt của hoạ sĩ Trần Thảo Hiền

tgcc

Nói rồi họa sĩ Trần Thảo Hiền cho tôi xem một số “kết quả” của công việc cô đã làm. Theo đó tôi được đọc “dòng trạng thái” của cô giáo Nguyễn Thanh Thanh ở Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú cơ sở Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu; trên Facebook cô giáo Nguyễn Thanh Thanh đã viết:

“Ngày 12.5.2022 Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú cơ sở Sin Suối Hồ đã tổ chức phát học bổng cho các em học sinh nghèo, mồ côi cha mẹ do nhóm họa sĩ Trang mạng Viet nam art space tài trợ. Trong buổi phát học bổng cô giáo đã giới thiệu chân dung nữ hoạ sĩ Trần Thảo Hiền, người sáng lập và quản trị Trang mạng Viet Nam art space và cũng là người đại diện tặng 50 suất học bổng trị giá 90 triệu đồng hàng năm cho các em học sinh nghèo trong suốt 4 năm học qua.

Cô giáo Thanh Thanh đã “phỏng vấn” các em. Cô hỏi: “Nguồn quỹ học bổng này đã giúp ích cho em và gia đình như thế nào?”. Đa số các em đều trả lời: “Đây là một số tiền quan trọng giúp các em mua đồ dùng học tập, sách vở, quần áo và thuốc”.

Có nhiều em khi cô giáo hỏi thì ngập ngừng không biết diễn tả lời nói của mình như thế nào cô liền gợi ý các em khó nói thì có thể viết ra. Và sau đó thì cô giáo đã nhận được rất nhiều lá thư của các em học sinh nhờ cô giáo gửi tới cho họa sĩ Trần Thảo Hiền và các bạn của họa sĩ ở Trang mạng Viet nam art space với lời nhắn: “Cảm ơn các họa sĩ đã thương và giúp đỡ chúng em”. Các em còn viết ở cuối thư: “Xin chúc họa sĩ Trần Thảo Hiền cùng các họa sĩ Trang mạng Viet Nam art space luôn luôn mạnh khỏe hạnh phúc và có thêm nhiều tác phẩm đẹp ạ”.

Tôi hỏi thật thà: “Đây là lần đầu Thảo Hiền làm việc thiện à?”. Họa sĩ Trần Thảo Hiền lắc đầu, cô nói: “Cháu làm việc này nhiều năm rồi. Đấy như với điểm trường Sin Suối Hồ đấy. Đã 4 năm nay chúng cháu có mối quan hệ tốt với trường”. Tôi lại hỏi thêm: “Số tiền làm việc thiện này là tiền cá nhân?”. Họa sĩ Trần Thảo Hiền vừa gật đầu lại vừa lắc đầu.

Hỏi thêm nữa về chuyện “vẽ vời” thì được biết ngay từ khi tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ phụ nữ Quốc tế Matxcơva (năm 2004) Trần Thảo Hiền đã đăng ký tham dự lớp học vẽ do cô giáo – họa sĩ sĩ Elena Afanasyeva giảng dạy, đây là một lớp học vẽ dành cho những thành viên có năng khiếu hội hoạ. Tuy nhiên khi tham gia vào lớp học vẽ này thì cô gái Việt Nam có cái tên rất dễ thương là Trần Thảo Hiền lại chưa biết gì về vẽ, cô tốt nghiệp Khoa Kinh tế Trường Đại học Thăm dò địa chất Matxcơva. Do vậy Trần Thảo Hiền phải đợi tới 2 năm sau thì cô mới chính thức đăng ký dự học. Bà họa sĩ già từng có thâm niên 50 năm giảng dạy tại Trường Nghệ thuật Matxcơva nói thẳng: “Trong đời dạy vẽ cô chưa thấy ai đi học vẽ mà chưa biết vẽ”. Nói thẳng thế nhưng bà giáo già nhìn cô hội viên đang đứng ngẩn người bèn nói: “Cô có ý định treo tranh của mình ở Viện bảo tàng không?”, một câu nói mang tính khích lệ bởi hình như người họa sĩ lão thành này đã nhận thấy ở cô gái Việt trẻ tuổi những “ẩn sâu” của một tài năng hội họa và bà nói tiếp: “Còn chần chừ gì nữa mà không đi học vẽ”.

Vậy là đến nay Trần Thảo Hiền đã có 15 năm liên tục học vẽ ở Câu lạc bộ này, cô học liên tục và đều đặn 2 buổi 1 tuần. Theo như Trần Thảo Hiền cho biết thì lớp học này sẽ không có “bế giảng”. Qua 15 năm “hành trình nghệ thuật” của mình họa sĩ Trần Thảo Hiền đã nhiều lần tham gia trưng bày tranh của mình tại các triển lãm chung và riêng. Cô đã trở thành họa sĩ thực thụ từ con số 0 tròn trĩnh. Được biết Trần Thảo Hiền sinh ra ở huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây cũ, do hồi đó mẹ cô là kỹ sư nông nghiệp được phân công làm việc ở đây. Cô sống ở nông thôn những 8 năm nên những “dấu ấn” đầu đời của làng quê Việt in sâu đậm vào tâm trí cô. Tôi nói vui: “Thảo nào thấy tranh của Thảo Hiền hay vẽ phong cảnh làng quê”. Cô họa sĩ mỉm cười cho biết thêm “Cháu thích vẽ phong cảnh làng quê Việt, nơi cháu sinh ra và phong cảnh làng quê Nga, nơi sinh sống, học tập và trưởng thành”. Tôi lại nói vui “Có lẽ chính cái chất “quê” ấy đã thổi vào tâm hồn của cháu sự: yêu thương và chia sẻ?”.

Sang Liên Xô (cũ) từ năm 14 tuổi, cô gái trẻ Trần Thảo Hiền tuy trưởng thành trên đất nước người nhưng tấm lòng của cô luôn hướng về Việt Nam. Cô cho biết từ những chuyến đi “trực hoạ” tới các làng quê ở Nga cho đến những lần về nước và đi vẽ ở thực địa, cô đã thấy và nghe nhiều chuyện về những mảnh đời còn nhiều khó khăn. “Chuyến đi trực họa ở Sin Suối Hồ bốn năm trước là một ví dụ” họa sĩ Trần Thảo Hiền nói.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Sin Suối Hồ trong buổi tiếp nhận quà của hoạ sĩ Trần Thảo Hiền và Trang mạng Viet Nam art space

tgcc

Và từ đó họa sĩ Trần Thảo Hiền đã xác định phải làm việc gì đó để góp phần chia sẻ gánh nặng vật chất cho những mảnh đời thiếu may mắn. Số tiền bán tranh qua những chuyến đi trực hoạ hay qua các triển lãm cô đều trích một phần để làm việc thiện. Họa sĩ Trần Thảo Hiền còn cho biết thêm, từ nguồn tiền hữu ích đó cô thông qua các bài báo đọc được để chung tay giúp đỡ. Gần nhất là khi được tin về trường hợp bé Nguyệt Anh mắc bệnh nặng mà báo Dân trí đã đăng, họa sĩ Trần Thảo Hiền đã gửi giúp gia đình bé Nguyệt Anh 30 triệu đồng (ngày 18.5.2022). Hay như ngày 26.5.2022 vừa qua hoạ sĩ Trần Thảo Hiền đã tặng “Quỹ Cho một tương lai” 85 triệu đồng. Trước đó chính cô hoạ sĩ này đã trao tặng và gửi tặng từ hàng chục triệu đồng tới cả mấy trăm triệu đồng cho các trường hợp và các quỹ tình thương. Cô nói cô không nhớ chi tiết bởi cô làm đều tự nguyện và thực tâm nên hễ thấy có việc là làm thôi. Họa sĩ Trần Thảo Hiền còn đóng góp kinh phí cho những dự án như: Làm nhà nổi cho dân vùng lũ lụt hay với Quỹ thiện nhânNhóm bảo trợ cơm trưa cho trẻ em dân tộc cùng Quỹ gieo nhà gặt nhà...

Thực khâm phục tấm lòng thơm thảo của người hoạ sĩ có cái tên vô cùng đúng với tên gọi của mình – họa sĩ Trần Thảo Hiền – cô gái năm nhâm dần này vừa tròn bốn giáp, có quê mẹ ở huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An và quê cha ở huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh.

Tôi vội hỏi thêm khi thấy Thảo Hiền chừng như không muốn nói thêm về những việc mình đã làm, tôi hỏi “Vậy thì “Trang mạng Viet Nam art space” là gì? Họa sĩ Trần Thảo Hiền bấy giờ mới giải thích. Cô cho hay vào năm 2016, khi bắt đầu con đường sáng tác mỹ thuật chuyên nghiệp, hoạ sĩ Trần Thảo Hiền đã tìm hiểu xu hướng sáng tác của nghệ sĩ Việt Nam đương đại. Theo như cô nói thì cô rất mong muốn được kết bạn với họ trên Facebook. Nghĩ vậy cô đã bỏ ra nhiều thời gian để tìm kiếm Internet nhưng có rất ít thông tin về các hoạ sĩ Việt Nam đương đại. Thì ra do hầu hết các hoạ sĩ của ta e sợ tình trạng sao chép tác phẩm nên tranh được vẽ ra nhưng không ai dám đưa lên không gian mạng.

Và rồi từ thực tế đó và niềm mong muốn được kết nối với những đồng nghiệp nên họa sĩ Trần Thảo Hiền đã tự mình thành lập “Trang mạng Viet Nam art space” gọi tắt là VAS, với mục đích trang mạng này sẽ trở thành “sân chơi” cho các hoạ sĩ và với hy vọng các hoạ sĩ trong nước và hoạ sĩ là người Việt đang sinh sống ở nước ngoài có thể đưa tranh lên thường xuyên để giao lưu, học hỏi từ những tác phẩm tốt. Họa sĩ Trần Thảo Hiền tâm sự “Cháu có suy nghĩ khác về vấn đề bản quyền trong thời đại kỹ thuật số hiện nay. Nếu một họa sĩ càng giới thiệu tác phẩm của mình, họ càng tránh nguy cơ bị đạo nhái bởi khi ấy cộng đồng đã quen với nét vẽ, phong cách của họ”.

Hiện nay VAS có hơn 53.000 thành viên, tôi “giật mình” bởi đó là một con số quá “nể”. Và như họa sĩ Trần Thảo Hiền bộc bạch “Có thể tự hào Trang mạng Viet Nam art space là một bộ lọc để đóng góp cho thị trường mỹ thuật trở nên minh bạch và chuyên nghiệp hơn”.

Chia tay họa sĩ Trần Thảo Hiền tôi chúc mừng cô và không quên nói câu: “Thật đúng là những gam màu cộng cảm”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.