Những giải thưởng, bảng xếp hạng 'trời ơi đất hỡi'

30/12/2019 06:04 GMT+7

Có những cuộc thi, giải thưởng, bảng xếp hạng âm nhạc từ trong nước đến 'gắn mác' nước ngoài khiến người ta ngơ ngác không hiểu được chấm hay lựa chọn theo tiêu chí nào.

Bỏ tiền mới được... thi

Một thị trường âm nhạc không có nổi bảng xếp hạng uy tín mà chỉ dựa vào lượt view/nghe, mạnh giải nào giải đó đưa ra tiêu chí để trao, thì giá trị đọng lại là gì ngoài kết quả tưởng thật nhưng lại rất ảo

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung

Mới đây, đoạn livestream (truyền trực tiếp) đêm chung kết cuộc thi có tên Tìm kiếm tài năng Giọng ca vàng bolero Việt Nam 2019 phát trên mạng xã hội khiến nhiều người bức xúc, khi một thí sinh vô tư hát nhép trên sân khấu lại được trao giải nhất. Trưởng ban Giám khảo cuộc thi được giới thiệu là ngôi sao ca nhạc (?!) Ngô Quốc Linh. Theo thông tin đăng tải, cuộc thi này do một công ty cổ phần đứng ra tổ chức, tuyển thí sinh (từ 16 - 60 tuổi) ở khắp tỉnh, thành, thậm chí vòng sơ tuyển diễn ra ở nhiều khu vực. Ngay khi đêm chung kết cuộc thi năm 2019 vừa khép lại, ban tổ chức đã nhanh tay đăng tải thông tin tuyển sinh cho cuộc thi năm sau. Đặc biệt, theo quy định, thí sinh đăng ký tham dự phải nộp 450.000 đồng lệ phí thì mới được công nhận là thí sinh chính thức.

Giải thưởng có tên Nghệ sĩ châu Á nhưng trao hầu hết giải thưởng cho nghệ sĩ Hàn Quốc

ảnh: Mi A

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long không lấy làm lạ với những cuộc thi âm nhạc kiểu như vậy. “Nhất là khi mạng xã hội phát triển thì lại càng dễ dàng tạo thuận lợi cho những cuộc thi thế này nở rộ”, ông Long nói. Theo ông Long, những cuộc thi mang tính chất quần chúng được tổ chức nhằm thỏa mãn đam mê ca hát, nhu cầu biểu diễn của những người khó có thể tham gia những cuộc thi âm nhạc chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ông Long cho rằng mọi người cần phải tỉnh táo khi tham gia, nhất là trước những lời mời chào nộp tiền để nhận giải. “Nhiều cuộc thi đơn thuần chỉ là hoạt động kinh doanh của đơn vị tổ chức, giải thưởng chỉ để “cho vui”, hay chỉ là những giải thưởng kiểu “trời ơi đất hỡi” không có giá trị”, ông Long cho hay.
Cách đây không lâu, lễ trao giải thưởng Nghệ sĩ châu Á (Asian Artist Awards/AAA) 2019 được tổ chức tại Hà Nội đã vướng phải không ít lùm xùm. Ngay trước khi lễ trao giải diễn ra, hàng loạt ca sĩ Việt Nam đã từ chối không tham gia vòng bình chọn giải thưởng này, như Sơn Tùng M-TP, Soobin Hoàng Sơn, Tóc Tiên... Ca sĩ Erik cũng bất ngờ rút lui khỏi hạng mục trao giải. “Sau khi nhận được thông tin chính thức về việc các fan phải bỏ tiền ra để bình chọn cho Erik tại vòng tiếp theo, Erik cảm thấy không vui và không muốn điều đó xảy ra”, nam ca sĩ này lên tiếng. Bên cạnh việc người hâm mộ phải bỏ tiền để bình chọn thần tượng, giá vé lễ trao giải thưởng AAA được bán ra không hề rẻ (từ 680.000 đồng - 5,5 triệu đồng/vé). Nhiều người cũng đặt câu hỏi khi giải thưởng có tên giải thưởng Nghệ sĩ châu Á, nhưng hầu hết các hạng mục chính đều chỉ trao cho nghệ sĩ Hàn Quốc.

Xếp hạng âm nhạc ảo sẽ cho ra đời hàng loạt sao... xẹt

Khi các đơn vị kinh doanh âm nhạc trực tuyến ngày càng nở rộ, kéo theo đó là sự ra đời của các bảng xếp hạng (BXH) riêng dựa vào lượt nghe, thích, tải về cho từng ca khúc. Bên cạnh những BXH của các trang nhạc số trong nước như zing.mp3, nhaccuatui, Keeng.Việt Nam, nhac.Việt Nam... những năm gần đây còn có sự xuất hiện các mạng xã hội và trang nghe nhạc trực tuyến nước ngoài như YouTube, Spotify... Tuy nhiên, không ít các ca sĩ, nhạc sĩ (thế hệ 7X, 8X, 9X) không mấy quan tâm đến BXH âm nhạc vì cho rằng thiếu độ tin cậy khi lượt xem, nghe, yêu thích ở nhiều BXH có thể mua và được can thiệp.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng sự phát triển quá nhanh của công nghệ đang làm cho các giá trị nghệ thuật bị đảo lộn. “Nhìn vào kết quả BXH trên các trang trực tuyến hay mạng xã hội âm nhạc, có thể thấy cả những đoạn clip nhảm kém chất lượng vẫn có thể lên được top 1 trending (thịnh hành). Điều này cho thấy kết quả không còn giá trị lâu dài hay có ý nghĩa gì trong đời sống âm nhạc, mà chủ yếu chỉ phục vụ thị hiếu nhất thời của khán giả”, nhạc sĩ Chung nói. Hơn nữa, theo anh, lượt xem/nghe các BXH rất dễ bị “can thiệp”, bằng công nghệ (các gói “đẩy” view rao bán công khai), bằng việc “mua bán” (ban tổ chức của BHX/giải thưởng “chào mời” nghệ sĩ) hay bởi lượng fan của họ. “Thế nên, có thể một ca khúc lọt vào top 1 - 2 - 3 hay top trending bây giờ thường chỉ được nghe trong vòng 3 - 6 tháng, rồi mất hút”, anh nhìn nhận.
Một ca sĩ (xin không nêu tên) cho biết, anh từng được ban tổ chức của một BXH mở lời về việc “hỗ trợ” ban tổ chức để được có mặt trong BXH đó, và có giải, nhưng anh thấy điều này đáng xấu hổ cho nghề của mình nên đã từ chối. Ca sĩ này cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi nhạc Việt đã từng có một vài BXH, giải thưởng âm nhạc uy tín nhưng càng về sau, tiêu chí bị sai lệch và lùm xùm chuyện mua bán giải thưởng, bị các quan hệ từ ban tổ chức hoặc đơn vị tài trợ can thiệp nên giá trị cũng lung lay dần và nghệ sĩ cũng hết hào hứng.
Theo ca sĩ Đức Tuấn, “gần đây, top trending trên YouTube được xem là thước đo phổ biến về sự thành công của một sản phẩm âm nhạc. Dù nó vẫn bị chi phối bởi việc kích view hay cày view, nhưng nó vẫn có hiệu quả và đang ảnh hưởng mạnh đến âm nhạc thị trường của Việt Nam”.
Dù vậy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bày tỏ: “Một thị trường âm nhạc không có nổi BXH uy tín mà chỉ dựa vào lượt view/nghe, mạnh giải nào giải đó đưa ra tiêu chí để trao, chưa kể mỗi ban tổ chức của từng giải thưởng có quan hệ với các nhóm nghệ sĩ khác nhau, thì giá trị đọng lại là gì ngoài kết quả tưởng thật nhưng lại rất ảo”. Còn nói như nhạc sĩ Lê Quang, khi các BXH âm nhạc tôn vinh các ca khúc có lượt xem/nghe cao, thì hệ quả sẽ cho ra đời một loạt những sao... xẹt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.