Dù là người mộ điệu hay vô tình lướt qua, hẳn chúng ta sẽ khó kìm lòng trước một không gian ấm áp, nhuốm màu hoài niệm, lại thêm những tâm tình rất lay động như thế của chủ nhân.
Sự quyến rũ không chỉ từ âm nhạc
Ẩn mình trên tầng lầu chung cư cũ ở đường Thái Văn Lung (Q.1, TP.HCM), quán cà phê Người Sài Gòn được chọn làm nơi dừng chân của không ít khán giả. Bởi như những cảm nhận được chia sẻ trên fanpage của quán: “Quán đẹp, nhạc hay. Mỗi cuối tuần có đêm nhạc với tình khúc xưa, thích nhất tiếng guitar của anh Lê Huy...”; “Quán nhỏ, đơn sơ nhưng vẫn ấm cúng. Vốn dĩ bản thân là người yêu mến Sài Gòn, nên khi bước vào quán thì bị lôi cuốn ngay lập tức. Một Sài Gòn thu nhỏ hiện hữu ngay trước mắt. Mỗi khoảng không gian gợi cho mình hình ảnh của một Sài Gòn thơ mộng…”, và “Nếu tự thấy mình có tài thì bạn cũng có thể đăng ký tiết mục lên hát với nhau cực vui”.
Nhưng có lẽ quyến rũ hơn cả là sự chăm chút cảm xúc mà Người Sài Gòn dành cho những vị khách của mình. Bởi mỗi đêm nhạc đều có những lời “mời gọi” đầy thôi thúc. Này là “Những bản nhạc kinh điển, những câu chuyện tình vượt thời gian sẽ được kể lại qua các giọng hát: Ngọc Minh, Thùy Anh, Ngọc Bích, Nhật Trường, Quang Huy, Bin Simba... Hy vọng sẽ mang lại cho quý vị chút hoài niệm, chút lãng mạn và biết đâu, sẽ mang lời yêu thương trở lại trên môi, sẽ gọi mời tình yêu trở lại nơi con tim giá băng, cho một mùa đông sắp đến thêm ấm áp” của đêm Lời yêu thương; là “Những ghi chép về kỷ niệm, về cảm xúc mỗi người đã từng trải qua mà chúng ta hay gọi là nhật ký, nó tồn tại dưới nhiều hình thức. Thay vì viết vào sổ, biên lên tập vở, nhiều kẻ lại thích gửi nhờ nơi chốn khác. Là quán quen, là đường cũ, là ngọn gió giao mùa se lạnh… Và là những âm thanh mà hễ xuất hiện thì lòng ai đó thường dậy lên những cơn sóng yêu thương tưởng đã qua rồi” cho đêm Chút tàn phai…
Tôi nghĩ mô hình này khá phù hợp và đang thịnh hành trở lại tại Sài Gòn. Chủ quán không phải trả cát sê quá cao cho nghệ sĩ, khách tới quán lại thấy được giải trí thoải máiAnh Bùi Đăng Chúc, chủ quán ChoLon High |
Một không gian âm nhạc khác cũng trữ tình nhưng trẻ trung hơn và đang được giới trẻ “check in” đông đảo là Chợ Gạo (Q.1, TP.HCM). Không rộng như các phòng trà, cũng không nhỏ như sân khấu mộc kiểu Cooku’s Nest, Vừng hay Bệt cà phê mà công chúng ưa thích những năm trước, Chợ Gạo hấp dẫn người nghe nhạc bởi đến đây, khán giả có thể được giao lưu gần gũi hơn với ca sĩ, từ những gương mặt underground đến các giọng ca được biết đến ở các cuộc thi The Voice, Vietnam Idol; từ Phương Thanh, Lam Trường, Ưng Hoàng Phúc… đến Thanh Hà hay diễn viên hài Quang Trung… Những đêm nhạc tại đây, vì sân khấu vừa vặn (dưới 140 chỗ) nên tạo sự thân tình giữa nghệ sĩ với khán giả, mọi người không ngại bày tỏ sự hưởng ứng, hát theo hay trò chuyện chân tình cùng ca sĩ và ngược lại.
Hiện nay, mô hình cà phê, bar ca nhạc “không lớn và cũng không quá nhỏ” được người trẻ TP.HCM tìm đến bởi phong cách rất riêng có thể kể đến như: ChoLon High (trên sân thượng ở trung tâm Q.5, mang những bản hit vang bóng một thời hay những ca khúc mới đang thịnh hành qua sự thể hiện của các bạn trẻ), OpenShare (Q.Phú Nhuận, với âm nhạc, sáng tạo, nghệ thuật để nuôi dưỡng và chia sẻ tình yêu đậm đà chất “nghệ”), Fang Pub (Q.3, âm nhạc mang hơi thở sôi động của cuộc sống hiện nay)…
Vực dậy thói quen bỏ tiền nghe nhạc
Khi các đơn vị tổ chức, sản xuất chương trình ca nhạc lẫn ca sĩ ở TP.HCM nhiều năm qua vẫn loay hoay trong việc làm thế nào để có thể “kích” khán giả bỏ tiền túi mua vé đến sân khấu thưởng thức trực tiếp, thì những không gian âm nhạc “mỗi nơi một vẻ” thu hút khán giả theo cách riêng của mình phần nào “vực dậy” thói quen bỏ tiền nghe nhạc của công chúng. Một đạo diễn sân khấu ca nhạc cho rằng người yêu nhạc các thế hệ vẫn ở đó, âm nhạc hay vẫn không thiếu, quan trọng là chúng ta làm gì để đưa những giai điệu ấy và người nghe đến với nhau, nuôi dưỡng và song hành cùng nhau.
Về mô hình sân khấu “vừa” này, anh Bùi Đăng Chúc, chủ quán ChoLon High, cho rằng sở dĩ khán giả thích và sẵn sàng bỏ tiền đến những đêm nhạc như vậy vì họ không phải trả phụ thu quá cao như phòng trà mà lại được cùng gia đình, bạn bè vừa ăn uống, hàn huyên vừa được nghe hát lẫn thể hiện tài năng khi có dịp. “Tôi nghĩ mô hình này khá phù hợp và đang thịnh hành trở lại tại Sài Gòn. Chủ quán không phải trả cát sê quá cao cho nghệ sĩ, khách tới quán lại thấy được giải trí thoải mái, ban nhạc - những bạn trẻ đến từ các trường nghệ thuật hay đội văn nghệ các trường đại học - có thêm thu nhập cố định hằng tuần nên cả ba bên đều thấy vui. Quan trọng hơn, có lẽ vì nghệ sĩ chưa phải áp lực chạy show hay nổi tiếng nên họ chơi nhạc rất “máu”. Chính điều đó lại càng làm khách thấy thú vị hơn khi thưởng thức”, anh Chúc nói.
Anh Hà Thanh Phúc, chủ quán Chợ Gạo, cũng nhìn nhận: “Không gian âm nhạc này sẽ nở rộ trong thời gian tới. Nhưng dù hay, xúc cảm ra sao thì khâu marketing phải tốt, không gian nghe nhạc phải chất, bởi những yếu tố này quyết định 50%, phần còn lại là tài năng của nghệ sĩ”.
Bình luận (0)