Những kỷ vật mà ai nhìn vào cũng rưng rưng

16/02/2022 06:00 GMT+7

Những kỷ vật gắn liền với một thời thanh xuân đầy nhiệt huyết, hào hùng, hôm nay, các cựu cán bộ Đoàn đã như 'rứt ruột' gửi trao lại cho người trẻ. Những kỷ vật ấy, ai nhìn vào cũng muốn rưng rưng nước mắt.

Nằm trong chuỗi hoạt động ý nghĩa của cựu cán bộ Đoàn nhằm chào mừng Tháng thanh niên, ngày thành lập Đoàn 26.3 và tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII, sáng qua (15.2), Ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn thanh niên Việt Nam phía nam đã tổ chức buổi lễ trao tặng kỷ vật “Một thời tuổi trẻ hào hùng” với mong muốn những nhiệt huyết và tinh thần của một thời tuổi trẻ hào hùng thông qua những kỷ vật sẽ được gìn giữ và tiếp lửa về sau.

Đại diện Văn phòng T.Ư Đoàn tại TP.HCM trao kỷ vật là chiếc máy đánh chữ

Nữ Vương

Những kỷ vật đã nhuốm màu thời gian

Tại chương trình, nhà thơ - nhà báo Sĩ Ẩn (cựu cán bộ Đoàn) đã gửi tặng lại cho người trẻ một chiếc đồng hồ quả quýt và kể: “Mùa hè năm 1972, lúc bấy giờ đồng chí Trần Phương Thạc là Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị, đi vào mặt trận và bị thương ở Đông Hà. Lúc đó tôi ở miền Bắc vào, gặp và Thạc nói không biết có sống nổi không nên có chiếc đồng hồ này gửi tặng tôi để làm kỷ niệm. Mùa hè 1972 đến nay vừa tròn 50 năm, tôi đã giữ đến hôm nay và giờ xin được gửi lại kỷ niệm”.

Tiếp nhận kỷ vật mà nhà thơ - nhà báo Sĩ Ẩn gửi trao, tiến sĩ Lê Hồng Liêm, Trưởng ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn thanh niên Việt Nam phía nam, bày tỏ: “Anh Trần Phương Thạc, nguyên là Bí thư T.Ư Đoàn, là một người ở tuyến lửa đã tham gia rất sớm và có nhiều dấu ấn cho phong trào thanh niên của chúng ta một thời đạn bom như thế. Chúng ta hôm nay rất cảm ơn nhà thơ - nhà báo Sĩ Ẩn đã gửi trao lại kỷ vật của anh Trần Xuân Thạc”.

Ông Nguyễn Hữu Châu, cựu cán bộ Đoàn, gửi tặng tấm ảnh lúc dự lớp họp chính trị tại căn cứ cách mạng Bắc Tây Ninh do đồng chí Nguyễn Văn Linh giảng dạy năm 1966

Ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn tiếp nhận những kỷ vật đã nhuốm màu thời gian của tiến sĩ Quách Thu Nguyệt

Đặc biệt, tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, Phó ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn thanh niên Việt Nam phía nam, cầm trên tay những kỷ vật của ngày đầu tiên được kết nạp vào Đoàn đã nhuốm màu thời gian, kể: “Tôi vào Đoàn rất là trầy trật, mỗi lần họp Đoàn tôi đều bị phê bình, mãi cho đến ngày 1.6.1977 tôi mới được kết nạp vào Đoàn. Nên tôi có giữ lại lý lịch Đoàn, quyết nghị kết nạp Đoàn, giấy giới thiệu sinh hoạt Đoàn, một bản tự kiểm, đơn xin vào Đoàn và hôm nay tôi muốn gửi trao lại cho các bạn trẻ”.

Khi các em đọc được những cái này, các em sẽ hiểu được ngày xưa Đoàn đối với chúng tôi thiêng liêng lắm. Ngày tôi vào Đoàn, trời mưa lâm râm và khi đứng tuyên thệ trước cờ Đoàn, trước di ảnh Bác thì tôi đã khóc, vì thiêng liêng quá. Lúc đó chúng tôi trăn trở để được vào Đoàn, và khi đã quyết chí rồi thì tôi quyết sẽ đi đến cùng”.

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt
Phó ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn thanh niên Việt Nam phía nam

Qua đó, tiến sĩ Quách Thu Nguyệt gửi gắm: “Hiện nay, khi các em đọc được những cái này, các em sẽ hiểu được ngày trước Đoàn đối với chúng tôi thiêng liêng lắm. Ngày tôi vào Đoàn, trời mưa lâm râm và khi đứng tuyên thệ trước cờ Đoàn, trước di ảnh Bác thì tôi đã khóc, vì thiêng liêng quá. Lúc đó chúng tôi trăn trở để được vào Đoàn, và khi đã quyết chí rồi thì tôi quyết sẽ đi đến cùng. Và đúng là tôi đã đi được đến cùng, cho đến bây giờ khi đã về hưu, tôi lại nằm trong Ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn vì tình yêu Đoàn, chất Đoàn trong tôi vẫn còn mãi”.

Gửi trao để cùng sống mãi tuổi thanh xuân nhiệt huyết

Ngoài những kỷ vật gắn liền trực tiếp với một thời tuổi trẻ hào hùng, thì có những kỷ niệm chỉ là con đường, góc phố… nên chỉ có viết thành thơ, thành nhạc, thành sách… để nối lại những kỷ niệm một thời hoa lửa của các cựu cán bộ Đoàn, nhằm giữ mãi và sống mãi tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết.

Đến tham dự chương trình, bà Nguyễn Thị Đình Chiến, vợ ông Trương Minh Nhựt, nguyên Phó ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn thanh niên Việt Nam, phía nam, nguyên Phó bí thư thường trực Thành đoàn TP.HCM, bày tỏ: “Chương trình rất hay và ý nghĩa. Tôi thấy thế hệ trẻ hiện nay rất năng động và nhiều điều tiến bộ, nhưng mình cũng nên để lại cái gì đó cho thế hệ sau, để các bạn hiểu ông bà mình đã đổ máu hy sinh trong chiến tranh như thế nào…”.

Nhà thơ - nhà báo Sĩ Ẩn (giữa - cựu cán bộ Đoàn) gửi tặng lại cho người trẻ chiếc đồng hồ quả quýt của ông Trần PhươngThạc

Đại tá Trần Quang Khánh (giữa - cựu cán bộ Đoàn) gửi trao những tập sách tâm huyết của thời thanh xuân sôi nổi

Bà Chiến mang đến 4 tập thơ của chồng mình đã được xuất bản và gửi trao cho người trẻ. Đây là 4 tập thơ gắn liền với khoảng thời tuổi trẻ sôi nổi, nhiệt huyết của ông Trương Minh Nhựt, trong đó có tập thơ Đi giữa mùa xuânRất bận lên đường viết về khoảng thời gian ông tham gia hoạt động cách mạng.

Đại tá Trần Quang Khánh, cựu cán bộ Đoàn, cũng mang đến những tập sách rất tâm huyết của mình và kể đã có thời gian gần 10 năm làm công tác Đoàn, kể cả là công tác Đoàn trên chiến trận.

“Đó là vào những năm 1979. Sau đó, tôi được điều về làm giáo viên giảng dạy và Bí thư Đoàn Trường Văn hóa ngoại ngữ, thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tại Sóc Sơn. Khi đứng trên dãy núi Hoàng Liên Sơn và nhớ lại những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: Ai lên ải Bắc ngày xưa ấy/Khóc tiễn cha đi mấy dặm trường, tôi xúc động trào nước mắt và nghĩ mình có thể sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, khi nghĩ đến cha anh đi trước đã giành lấy đất nước này, thì chúng tôi phải tiếp bước và sống sao cho xứng đáng trọn vẹn”.

Và những gì đã trải qua trong khoảng thời gian làm công tác Đoàn đầy nhiệt huyết ấy, đại tá Khánh đã viết lại trong những cuốn sách này như một kỷ vật muốn gửi trao lại cho người trẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.