Những bạn trẻ Việt Nam làm việc tại một dự án năng lượng tái tạo, đây cũng là 1 trong các ngành trả lương, thưởng cao, giữ chân người lao động rất tốt năm 2022 |
bảo vy |
Hội thảo công bố Báo cáo khảo sát lương, thưởng Talentnet-Mercer 2022 vừa diễn ra tại Hà Nội sáng 7.10 và TP.HCM ngày 6.10. Hội thảo đã công bố báo cáo kết quả khảo sát lương, thưởng năm 2022 (gọi tắt là Khảo sát TRS).
Khảo sát của Talentnet-Mercer năm nay thu hút sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp hơn năm trước, với hơn 600 công ty thuộc 17 ngành nghề khác nhau cùng hơn 3.300 vị trí đến từ hơn 483.000 người lao động trên khắp Việt Nam. Năm nay có thêm một ngành mới tham gia khảo sát là ngành năng lượng tái tạo-ngành đang được nhiều người trẻ Việt Nam quan tâm.
Những ngành nào nhân viên nghỉ việc nhiều nhất?
Theo báo cáo của Talentnet-Mercer 2022, tỷ lệ nghỉ việc trong 6 tháng đầu năm 2022 rơi vào mức 11,9% đối với các công ty trong nước và 8% đối với khối các công ty nước ngoài.
Nhóm ngành có tỷ lệ nghỉ việc cao nhất và thấp nhất |
báo cáo Talentnet - Mercer |
Top 3 ngành nghề có tỷ lệ nhân viên nghỉ việc tự nguyện cao nhất là bán lẻ 15,6%, bất động sản 12,7%, và sản xuất 10,1 %. Đây cũng là điều dễ lý giải vì 3 ngành nghề này bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 và sở hữu lượng lao động đông, đa dạng…
Trong khi đó, nhóm 3 ngành có tỷ lệ nghỉ việc thấp nhất là dầu khí, năng lượng tái tạo và hóa chất. Ba nhóm ngành này ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cùng với mức trả lương tốt so với mặt bằng chung và yêu cầu tuyển dụng nhân sự đặc thù, có chuyên môn cao.
Những ngành nào tăng lương cao nhất?
Theo báo cáo, năm 2023 chỉ còn 5 công ty tham gia khảo sát sẽ "đóng băng" việc tăng lương, trong đó tất cả công ty Việt Nam đều dự kiến sẽ tăng lương cho nhân viên.
Dự đoán xu hướng tăng lương năm 2023 của doanh nghiệp đa quốc gia và doanh nghiệp Việt Nam sẽ không có sự chênh lệch và đều tăng trưởng ở mức 7,1%, dần quay trở lại mức trước khi dịch Covid-19 bùng phát và đây là tín hiệu khả quan của sự phục hồi nền kinh tế.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng top 3 nhóm ngành có mức tăng lương cao nhất là công nghệ cao (tăng 8,88%), bảo hiểm (tăng 8,2%), dược phẩm và thiết bị y tế (tăng 7,6%).
Xu hướng tăng lương |
Trong khi đó, nhóm 3 ngành có mức tăng lương thấp nhất là dầu khí và khai khoáng (tăng 3,6%), sản xuất (6,1%) và bán lẻ (tăng 6,2%).
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, bất động sản là nhóm ngành trả lương cao nhất. Đây cũng là ngành duy nhất mà doanh nghiệp Việt trả lương cao hơn doanh nghiệp nước ngoài bởi đặc thù cần am hiểu quy định, luật Việt Nam cũng như kế hoạch phát triển đa ngành của nhóm doanh nghiệp này.
Đáng chú ý, báo cáo lương thưởng năm 2022 cho thấy, lần đầu tiên sau nhiều năm, mức lương khởi điểm của sinh viên mới tốt nghiệp từ đại học Việt Nam và du học sinh tại đại học nước ngoài là ngang bằng nhau (khoảng 10,6 triệu đồng/tháng).
Nhóm ngành nào sẽ thưởng lớn nhất?
Trong nhóm các doanh nghiệp nước ngoài, lĩnh vực tài chính bao gồm: Ngân hàng và phi ngân hàng (gồm các công ty cho vay tiêu dùng, quỹ đầu tư, chứng khoán, quản lý quỹ…) là nhóm ngành có tỷ lệ thưởng dự kiến cao nhất trong năm 2022, tỷ lệ thưởng từ 43%-20,8% lương cơ bản năm.
Lĩnh vực có mức thưởng dự kiến cao thứ 3 là nông nghiệp, với tỷ lệ thưởng là 20,3% lương cơ bản năm.
Trong khi đó, nhóm ngành có tỷ lệ thưởng dự kiến thấp nhất là bán lẻ (10,9%), năng lượng tái tạo (14,2%) và vận tải và hậu cần (15,4%).
Người lao động trẻ đang gặp những áp lực gì?
Báo cáo lương, thưởng năm 2022 cho thấy trong cấu trúc nguồn lao động thì thế hệ Gen Y2 (sinh năm 1990-1996) và Gen Z (sinh 1997 trở về sau) đang chiếm khoảng 54% lực lượng lao động.
Mỗi đối tượng người lao động đang gặp những áp lực công việc khác nhau. Nếu như người lao động là các bậc cha mẹ mất 2 ngày làm việc năng suất mỗi tuần do căng thẳng và chăm sóc con cái thì người lao động Gen Z rất lo lắng tương lai công việc và sự nghiệp. Các bạn nữ giữ vai trò quản lý thì đang phải chịu áp lực kép lớn từ công việc và gia đình.
Dự kiến thưởng năm 2022 ở các doanh nghiệp |
Chính vì vậy, báo cáo đề xuất các doanh nghiệp càng phải thấu cảm hơn, linh hoạt hơn trong việc tái thiết kế các hoạt động nâng cao hạnh phúc toàn diện của người lao động và cá nhân hóa theo từng nhóm đối tượng.
Theo các chuyên gia, trong xu hướng nhiều nhóm ngành đang có tỷ lệ nghỉ việc cao, có những nhân tố sẽ giúp giữ chân người lao động ở lại và điều quan trọng nhất là tính ổn định của công việc. Các bạn trẻ, nhất là Gen Y2, Gen Z luôn lựa chọn cơ hội thăng tiến, môi trường làm việc vui vẻ và sự phát triển nghề nghiệp.
Đồng thời, người lao động trẻ có xu hướng lựa chọn công ty có các chế độ hướng đến sự linh hoạt và quan tâm hạnh phúc toàn diện.
Hội thảo công bố Báo cáo khảo sát lương Talentnet-Mercer 2022 diễn ra ở cả Hà Nội và TP.HCM, với sự góp mặt của gần 900 lãnh đạo doanh nghiệp và quản lý nhân sự.
Những diễn giả tham gia trình bày tại Hội thảo báo cáo khảo sát lương, thưởng 2022 có bà Godelieve Van Dooren, Giám đốc Điều hành thị trường phát triển khu vực Đông Nam Á của Mercer; bà Phương Nguyễn, Giám đốc Bộ phận tư vấn nhân sự của công ty Talentnet; bà Như Lê, trưởng nhóm ngành Tài chính & Tiêu dùng Talentnet và ông Thiện Phan, trưởng nhóm ngành Công nghệ cao & Bất động sản Talentnet.
Bình luận (0)