Thôn Hoa Sơn, xã Kỳ Hoa ở khá xa TX.Kỳ Anh (Hà Tĩnh), là nơi có 98 hộ dân, trong đó 48 hộ theo Công giáo. Theo ông Đặng Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Kỳ Hoa, trước đây thôn là điểm nóng về chặt phá rừng và buôn bán gỗ lậu vì nhận thức người dân còn nhiều hạn chế. Sau 6 năm, ông Nguyễn Văn Mến (54 tuổi), ở Giáo xứ Trại Cày, thôn Hoa Sơn làm Bí thư chi bộ, thì thôn đã trở thành điểm sáng trong việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương giáo, xây dựng quê hương giàu đẹp, yên bình.
Xóa “điểm đen” lâm tặc
Chỉ vào những khu rừng trồng cây keo lá tràm do ông Mến vận động người dân trồng để “đổi đời”, ông Cường cho hay: “Ông Mến đã vận động bà con không chặt phá rừng, tận dụng đất để trồng cây công nghiệp bán cho nhà máy. Từ đó tạo việc làm và thu nhập cho bà con, nên không còn tình trạng phá rừng nữa”.
Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Mến chia sẻ, ông đã chỉ đạo cấp ủy, các tổ chức đoàn thể trong thôn tích cực vận động, tuyên truyền để bà con tham gia các lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, bà con dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn mở rộng sản xuất, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật và thử nghiệm các giống cây, con giống có hiệu quả hơn. “Toàn thôn có 12 mô hình kinh tế, cho thu nhập từ 150 - 300 triệu đồng/năm. Các mô hình còn lại đều cho thu nhập trên 70 triệu đồng”, ông Mến phấn khởi nói.
Ông Mến cho biết ông phải đi tiên phong và xây dựng các mô hình làm kinh tế hiệu quả để bà con học tập. Ông đã tiên phong trồng cây keo lá tràm, vận động người dân tận dụng đất để trồng tập trung loại cây này và nó đã là nguồn thu nhập chính của người dân.
|
“Trồng rừng đã tạo công ăn việc làm và thay đổi nhận thức, mức sống cho dân. Trước đây, đời sống khó khăn lắm nhưng giờ nhà nào cũng có xe máy, có nhà có tới 4 - 5 xe; trong thôn có tới một nửa hộ gia đình đã có ti vi, tủ lạnh, điều hòa... Thu nhập bình quân của người dân đã đạt 40 triệu đồng/năm”, ông Mến cho hay.
Cũng nhờ mô hình trồng rừng được phát huy mà thôn Hoa Sơn từ một thôn nghèo nhất xã đã vươn lên đứng đầu xã, đặc biệt, nạn phá rừng không còn nữa.
Khu dân cư “5 không”
Không chỉ xóa “điểm đen” về lâm tặc, ông Mến đã vận động bà con nhân dân trong việc xây dựng nông thôn mới. Ông Đặng Văn Cường cho hay: “Đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa đường sá đi lại khó khăn vì toàn đường đồi dốc. Ông Mến đã vận động hiến đất, hiến cây, đóng góp ngày công để xây dựng đường giao thông; trồng cây xanh trên các tuyến đường; xây dựng những khu dân cư kiểu mẫu. Vì thế, đường vào thôn bản đã được nhựa hóa, nhà cửa khang trang, sạch đẹp”.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh thôn, ông Mến tự hào, nói: “Bà con giáo dân thôn Hoa Sơn đã hiến 2.500 m2 đất, hơn 700 ngày công, đóng góp 150 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa, xây dựng hệ thống kênh mương..., góp phần đưa thôn này trở thành điểm sáng, dẫn đầu ở địa phương trong mọi phong trào thi đua”.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, người dân thôn Hoa Sơn, không ngớt lời khen ông Mến: “Bà con ở đây đều tự giác xây dựng nông thôn mới vì trước đó, ông Mến đã tuyên truyền cho chúng tôi hiểu được lợi ích của phong trào này. Không chỉ giỏi tuyên truyền, vận động, ông Mến còn rất nhiệt tình, luôn đi đầu trong các phong trào để chúng tôi noi theo”.
Ghi nhận những đóng góp của ông Mến, năm 2019, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã vinh danh, khen thưởng ông là điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
|
Đáng lưu ý, thôn Hoa Sơn từ nhiều năm nay được biết đến là khu dân cư “5 không”: không tội phạm, không ma túy, không tệ nạn xã hội, không bạo lực gia đình, không ô nhiễm môi trường.
“Nằm khá xa trung tâm thị xã Kỳ Anh, thông tin, liên lạc còn hạn chế, địa bàn thôn và xã là cơ hội cho các đối tượng xấu lợi dụng để tuyên truyền, xuyên tạc sự thật, kích động nhân dân nhưng nhiều năm qua, bà con giáo dân luôn chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Địa bàn chưa xảy ra vụ việc nghiêm trọng nào về an ninh trật tự”, ông Mến cho hay.
|
Theo ông Mến, chi bộ, ban công tác mặt trận thôn đã thường xuyên nhắc nhở, nêu cao tinh thần cảnh giác cho người dân, nhất là giáo dục để mọi người dân thể hiện tình yêu đất nước theo đúng cách, giữ gìn đức tin tôn giáo đúng nghĩa. Ông Mến chia sẻ: “Với một thôn đặc thù, để làm tốt công tác dân vận, tôi luôn tìm hiểu về các luật, điều lệ của các tổ chức đoàn thể tập hợp, đoàn kết để vận động bà con giáo dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; phát huy truyền thống kính Chúa, yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo”.
Gần dân, hiểu dân
Để có được một thôn Hoa Sơn như hôm nay, ông Mến đã nỗ lực không ngừng và thầm lặng hy sinh quyền lợi của riêng mình. Ông Mến tâm sự, trước đây gia đình ông chỉ làm nông nghiệp, sống đói khổ quanh năm, ông cũng chỉ được học hết cấp 2 vì trường học cách nhà 7 - 8 km mà chỉ có đường đi bộ. Sau đó, ông được tham gia công tác Đoàn và nhận thấy cần phải làm gì đó để thay đổi đời sống của người dân. Sau 8 năm làm Bí thư Chi đoàn thôn, ông được bầu làm trưởng thôn và sau là bí thư chi bộ, ông đã thử nghiệm trồng cây công nghiệp và vận động bà con trồng theo, từ đó thay đổi đời sống người dân và được tin yêu.
Ông Mến tâm sự: “Chi bộ là cầu nối chuyển tải các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân. Vì vậy, mình phải gần gũi để hiểu được tâm tư, nguyện vọng, phong tục tập quán và tâm lý của bà con giáo dân và phải đặt lợi ích tập thể lên hàng đầu”.
Đặc biệt, khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, ông đã kiên trì vận động bà con hiến đất mở đường. “Để bà con đồng thuận, có nhà tôi phải đến 6 - 7 lần để vận động, rồi họp dân để bàn bạc và cũng phải mất tới 3 - 4 năm mới giải tỏa và xây dựng được con đường trong thôn”, ông Mến kể.
Ông Mến có một xe tải chở thuê, nếu làm việc đều đặn, mỗi tháng có thể thu nhập 30 triệu đồng. Thế nhưng, do bận việc làng mà có tháng ông chỉ làm việc nhà được 5 - 7 ngày. “Nói về kinh tế thì thiệt thòi nhiều lắm nhưng là đảng viên thì không thể bỏ việc tập thể được. Bà con tin tưởng và nghe mình thì mình bỏ họ làm sao được”, ông Mến nói.
Bình luận (0)